Bữa cơm gia đình luôn rất quan trọng

25/06/2018 - 12:00

PNO - Chiều 21/6, Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM tổ chức tọa đàm Bữa cơm gia đình - Tổ ấm hạnh phúc với gần 200 người dự.

Điều hành tọa đàm, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM - có một khảo sát nhỏ, qua đó tạm xác định: hầu hết các gia đình không thể ăn chung đủ ba bữa/ngày; số gia đình ăn chung hai bữa/ngày cũng hiếm, đa phần chỉ ăn chung được một bữa/tuần.

Bua com gia dinh luon rat quan trong

Một nữ đại biểu đến từ P.3, Q.Phú Nhuận cho biết: “Tôi nhớ ngày xưa, bữa cơm nhà lúc nào cũng có đầy đủ bố mẹ, anh em. Trong mỗi bữa cơm, chúng tôi chia sẻ với nhau đủ chuyện trên đời, những tâm tư, khó khăn trong công việc, từ đó mà lúc nào các thành viên trong gia đình cũng gần gũi, cảm thông, yêu thương nhau”.

Với một góc nhìn của một người con trong gia đình, Nguyễn Thị Thu Hồng - sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia - bộc bạch, việc ăn bữa cơm chung với cha mẹ ngày càng khó khăn, do cha mẹ bận công tác, lo làm ăn; mỗi dịp ít ỏi ngồi ăn chung thì tranh thủ dạy dỗ, uốn nắn, thậm chí chỉ trích con về những lỗi sai. Điều đó khiến bữa cơm không còn ngon và con cái cũng không còn thích bữa cơm gia đình nữa.

Chị Lê Thị Lan Phương - học viên Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM - kể, gia đình chị ai cũng bận rộn, nhưng chị vẫn phân công cả nhà vào bếp để mỗi thành viên cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của việc nội trợ. Chị Phương còn dạy con mình nấu nướng và luôn hỏi chồng con muốn ăn món gì trong ngày. Nhờ đó mà bữa cơm hằng ngày có sức hút với mọi thành viên. 

Nhắc lại câu ví von “tình yêu đi qua dạ dày”, tiến sĩ Phạm Thị Thúy phân tích, khi ăn, 5 giác quan của con người đều hoạt động. Do đó, việc nấu bữa ăn ngon, hợp khẩu vị và bày biện bắt mắt kích thích mọi thành viên muốn dùng bữa cơm gia đình. Món ăn và việc ăn chung cũng thể hiện được việc các thành viên trong gia đình có quan tâm tới sở thích của nhau hay không. 

Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh - hội viên chuyên ngành Văn hóa ẩm thực Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam - khẳng định, bữa cơm gia đình rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên, duy trì mái ấm. Theo bà, phụ nữ ngày nay cũng đảm đương công việc ngoài xã hội như đàn ông, nên việc đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho gia đình là không dễ. Tuy nhiên, nếu biết chọn thực phẩm hợp lý, biết cách nấu ăn nhanh thì việc này cũng không chiếm nhiều thời gian, công sức.

Theo bà, một bữa ăn ngon không cần phải có cao lương mỹ vị, mà chỉ cần có đủ “béo, bột, đạm, xơ”. Phương pháp dễ nhất để thay đổi thực đơn hằng ngày là thay đổi màu sắc món ăn, hoặc thỉnh thoảng thay cơm bằng những món khác. Việc bổ sung nhiều rau trong thực đơn cũng rất quan trọng, vì rau có chứa nhiều chất bổ, lại không gây ngán. Việc ăn từ tốn, tránh những cảm xúc bực bội, khó chịu khi dùng bữa sẽ giúp giữ hòa khí gia đình, giúp ngon miệng, tốt cho việc hấp thu dinh dưỡng của mỗi người. 

Diệu Nghiêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI