Bộ GD-ĐT đề xuất tuyển giáo viên trình độ cao đẳng

25/03/2024 - 15:22

PNO - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn đang thiếu giáo viên.

Theo dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng một số môn học theo chương trình GDPT 2018, gồm: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) cấp tiểu học và THCS.

Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học (Ảnh minh họa)
Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học - Ảnh minh họa

Đề nghị này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, bảo đảm đủ số lượng giáo viên ở một số môn học theo chương trình GDPT 2018.

Bộ GD-ĐT thống kê, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước có 862.1082 giáo viên (tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018 - 2019). Tuy chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông ngày càng được nâng cao, song số lượng giáo viên lại chưa đáp ứng được định mức. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp, diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Bộ GD-ĐT cũng dự báo, đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học, 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 11.598 giáo viên công nghệ, 2.366 giáo viên khoa học tự nhiên và 4.321 giáo viên môn nghệ thuật.

Cuối tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế. Song đến hết học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, các địa phương mới tuyển được 55,5% chỉ tiêu được giao, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn tuyển.

Bộ GD-ĐT ghi nhận việc sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm, cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn; số lượng sinh viên đào tạo để dạy các môn học mới còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc tuyển dụng giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân rất khó khăn.

Bộ đề xuất cho phép những địa phương thiếu giáo viên (còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển) được tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn học theo chương trình GDPT 2018. Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Theo Bộ GD-ĐT, việc này không phát sinh thêm biên chế, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tinh giản biên chế. Giải pháp này cũng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và không làm phát sinh các vấn đề về thủ tục hành chính mới. Dự kiến, khi thực hiện sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 giáo viên.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI