Bàn tay ấm cho đời thêm tươi

14/01/2022 - 07:06

PNO - Quỹ bàn tay ấm - nhà hàng Khải Phương ra đời nhằm kết nối những tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ người nghèo...

Trưa 12/1, chị Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM và chị Nguyễn Thị Hồng Huế - chủ nhà hàng Khải Phương - đã có buổi gặp gỡ để bàn chuyện tổ chức “Ngày hội xuân 0 đồng” cho chị em phụ nữ khó khăn.

Trong buổi làm việc, họ đã phác thảo kế hoạch, nội dung và hình thức tổ chức ngày hội xuân sao cho 1.000 khách đến dự cảm thấy được trân trọng, vui vẻ và ấm lòng. 

Bà chủ nhà hàng - người sáng lập và điều hành Quỹ bàn tay ấm - nhà hàng Khải Phương, chỉ có một tâm nguyện: Kết nối những tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhằm chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Tâm nguyện này khiến chị Hồng Huế đã dốc sức làm các chương trình xã hội từ thiện như nấu và phát các suất ăn tình thương cho trẻ em các trường mồ côi Ánh Linh (Q.7), Vinh Sơn (Q.4) mỗi tháng một lần; duy trì việc cho các cháu vui chơi dã ngoại (tại Đầm Sen, Thảo Cầm Viên) mỗi năm ba lần; hỗ trợ học phí, đồng phục, học bổng và khen thưởng hằng năm cho các cháu; hỗ trợ thường xuyên bữa ăn dinh dưỡng cho bà con khó khăn ở nhiều quận, huyện… 

Người dân tham gia chương trình “Ngày hội 0 đồng - trao yêu thương” do Hội LHPN TP.HCM và Quỹ bàn tay ấm - nhà hàng Khải Phương phối hợp tổ chức tại H.Bình Chánh năm 2020 - ẢNH: DIỄM TRANG
Người dân tham gia chương trình “Ngày hội 0 đồng - trao yêu thương” do Hội LHPN TP.HCM và Quỹ bàn tay ấm - nhà hàng Khải Phương phối hợp tổ chức tại H.Bình Chánh năm 2020 - ẢNH: DIỄM TRANG

Từ năm 2012 - 2021, Quỹ bàn tay ấm còn vươn tay chăm lo cho người dân khó khăn tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung... với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Điều đặc biệt là quỹ tồn tại trong suốt mười năm qua nhờ vào hoạt động của nhà hàng Khải Phương. 

Chị Hồng Huế cho biết, trước khi vận động các đơn vị, cá nhân tài trợ các chương trình thì nhà hàng Khải Phương đã trích toàn bộ lợi nhuận để gầy dựng quỹ. Mọi hoạt động đều do chị trực tiếp điều hành, giám sát từng ly từng tý, kể cả việc chọn lựa quà tặng để mỗi vật trao đi đều hữu ích với người được nhận. Nhờ vậy mà các đơn vị, cá nhân đã tin cậy góp sức vào các chương trình. Tấm lòng bà chủ nhà hàng đã lan tỏa khiến toàn thể nhân viên cũng vui vẻ đóng góp ngày công cho các hoạt động thiện nguyện.

Trong hai năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Quỹ bàn tay ấm tạm “đóng cửa”, nhưng trong những ngày thành phố gồng mình chống dịch, nhiều nhân viên của nhà hàng đã thành tình nguyên viên, phân phối và đưa thực phẩm hàng hóa đến với bà con các khu cách ly, phong tỏa. 

Chị Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - nói: “Nếu không có sự tiếp sức của chị Hồng Huế thì Hội LHPN thành phố sẽ không có nhiều chuyến xe yêu thương để chăm lo cho bà con khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, Quỹ bàn tay ấm đã duy trì mỗi năm bốn lần phối hợp với Hội tổ chức “Ngày hội 0 đồng - chuyến xe yêu thương” đến với các khu đông lao động nhập cư, công nhân nghèo. Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong hỗ trợ mô hình xây dựng giếng nước cộng đồng cho bà con vùng hạn hán của Hội LHPN thành phố; đồng hành với Hội trong việc trao tặng hàng ngàn suất thịt kho trứng trong dịp tết suốt ba năm qua. Hiện nay nhà hàng Khải Phương đã nhập về 500kg thịt để chuẩn bị cho đợt chăm lo tết Nhâm Dần”.

Đầu năm 2021, Quỹ bàn tay ấm - nhà hàng Khải Phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND TP.HCM vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”.  Cuối năm 2021, đơn vị tiếp tục nhận bằng khen UBND TP.HCM vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Thành quả đó còn có sự góp công của những người từng thụ hưởng các chương trình xã hội từ thiện. Rất nhiều anh xe ôm, chị bán hàng rong… đã góp một bàn tay vào các hoạt động từ thiện xã hội của Quỹ bàn tay ấm. Chị N.T.M. (P.4, Q.10) - người từng được Quỹ bàn tay ấm hỗ trợ chi phí chữa bệnh và tặng phương tiện làm ăn - kể: “Khi tôi được các anh chị điều hành chương trình nói rằng, quỹ rất cần chúng tôi, tôi xúc động lắm. Dù biết “thi ân bất cầu báo”, nhưng khi được quỹ cậy nhờ tôi thấy mình như có ích hơn trong cuộc sống này”. Cách làm ấy như lời nhắc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vừa tự mở rộng vòng tay ấm, thêm sức, thêm lực chăm lo cuộc đời này.

Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI