Ai kiểm định trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục?

12/04/2021 - 07:01

PNO - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân khiến dư luận không thể không lo ngại về chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Nhiều nghi ngại

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã ký quyết định cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) Sài Gòn trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục TP.HCM và Trung tâm KĐCLGD Thăng Long trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội. Cả hai đều là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục. Nhiều người trong lĩnh vực giáo dục cho biết: thông tin, hoạt động của hai trung tâm này cụ thể như thế nào vẫn còn khá mù mờ.

Theo quy định, tổ chức KĐCLGD được cấp giấy phép hoạt động phải có trang thông tin điện tử, có ít nhất mười kiểm định viên làm việc toàn thời gian, có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu 
8m2/người…

Trang web của hai trung tâm kiểm định hầu như chưa có thông tin
Trang web của hai trung tâm kiểm định hầu như chưa có thông tin

Theo thông tin được đăng ký trên trang web masothue.com, Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội (đơn vị thành lập Trung tâm KĐCLGD Thăng Long) có địa chỉ tại số 59, ngõ 252, phố Tây Sơn, P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty khá rộng: bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, giáo dục trung học cơ sở - trung học phổ thông, đào tạo sơ cấp, giáo dục thể thao - giải trí - văn hóa - nghệ thuật. 

Dù được thành lập từ ngày 16/3/2021 nhưng đến nay, trang web của Trung tâm KĐCLGD Thăng Long hầu như chưa đăng tải thông tin gì. Các nội dung về cơ cấu tổ chức, hội đồng KĐCLGD đều chưa thấy. Đặc biệt, không có thông tin công khai mười kiểm định viên cơ hữu theo quy định của pháp luật. Thông tin duy nhất được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trung tâm chỉ là: “Trung tâm KĐCLGD Thăng Long là tổ chức hoạt động chuyên môn độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng”. 

Còn Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục TP.HCM (đơn vị thành lập Trung tâm KĐCLGD Sài Gòn) có người đại diện pháp luật là ông Trịnh Hữu Chung. Hiện tại, ông Chung đang là phó hiệu trưởng một trường đại học (ĐH) tư thục nằm trong hệ thống giáo dục tư nhân đang sở hữu nhiều trường ĐH, phổ thông, mầm non. Vì vậy, khi ông mở trung tâm kiểm định cũng tạo cho dư luận lo ngại liệu có xảy ra tình trạng “tự kiểm định”?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trịnh Hữu Chung cho biết: “Hiện trung tâm chỉ mới có quyết định thành lập và sau khi đáp ứng đủ các yêu cầu thì mới được cấp giấy phép hoạt động. Có giấy phép hoạt động rồi thì mới phải công khai thông tin, trang web… Đúng là website hiện nay của trung tâm chưa có nội dung nhưng sẽ cập nhật đầy đủ khi được hoạt động. Chúng tôi đã có đủ mười kiểm định viên có chứng chỉ kiểm định cơ hữu và trụ sở trung tâm theo đúng quy định tại đường Hoa Lan (Q.Phú Nhuận)".

“Về việc có nghi ngờ Trung tâm KĐCLGD Sài Gòn thuộc một đơn vị giáo dục khác là không đúng. Chúng tôi là những nhà đầu tư độc lập, không liên quan đến tổ chức khác. Nhà đầu tư cũng sẽ không can thiệp vào hoạt động chuyên môn của các kiểm định viên, hội đồng kiểm định…”, ông Chung khẳng định.

Năng lực kiểm định là yếu tố then chốt 

Theo các nhà chuyên môn, điều quan trọng của một trung tâm KĐCLGD không phải “cơ quan chủ quản” là ai, mà là quy trình vận hành và quy trình giám sát có đảm bảo tính độc lập, minh bạch hay không. Và làm sao loại bỏ được mâu thuẫn về mặt lợi ích trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, khi công ty tư nhân tham gia kiểm định giáo dục, họ phải đặt bài toán lợi nhuận, ít nhất cũng là thu đủ chi. Dư luận lo ngại cũng có thể vì bài toán này mà có khả năng họ bỏ qua những thiếu sót của đối tượng được kiểm định. Câu hỏi đặt ra là việc các công ty cổ phần tham gia lĩnh vực KĐCLGD sẽ đảm bảo tính độc lập, khách quan như thế nào? Nếu công ty đó hoạt động vì lợi nhuận thì có bị chi phối trong quá trình hoạt động và kết quả kiểm định hay không? 

Nhìn lại hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong những năm qua sẽ thấy lo lắng này không thừa. Bởi, có hiện tượng một trường ĐH đăng ký kiểm định ở một đơn vị nhưng không đạt được kết quả kiểm định. Chưa đầy một năm sau, trường ĐH này đăng ký kiểm định tại một trung tâm kiểm định khác thì lại được công nhận. Chỉ trong một năm, một trường có thể cải tiến các điều kiện để đi từ “không đạt” thành “đạt” là điều không dễ. Đến các chuyên gia kiểm định nghe tin “đạt” còn ngỡ ngàng. 

Đó là chưa kể, ở Việt Nam, số chuyên gia làm kiểm định được cấp thẻ kiểm định viên không nhiều, chỉ khoảng 300 người. Một số lĩnh vực thiếu chuyên gia thực thụ thực hiện kiểm định liền xuất hiện những “chuyên gia biết tuốt”, chương trình nào, trường nào cũng tham gia kiểm định. Xã hội hoàn toàn có quyền e ngại về chất lượng kiểm định giáo dục ĐH hiện nay. 

Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, mặc dù bộ tiêu chí kiểm định khá cụ thể và chi tiết, cách thức kiểm định là đối chiếu từng quy định để được công nhận nhưng vẫn có hiện tượng các trường tự “sản xuất” minh chứng. Và khi kiểm định xong mọi chuyện trở lại như cũ. Khi tư nhân tham gia quá trình kiểm định chất lượng thì năng lực kiểm định là điều đáng quan tâm hơn cả. Bởi, kiểm định không đơn giản chỉ là đưa ra văn bản này, tiêu chí kia mà quan trọng là khả năng tư vấn để các trường cải tiến hoạt động trở nên tốt hơn, phải đưa được văn hóa chất lượng vào các trường… Những điều này phụ thuộc nhiều vào trình độ và năng lực của kiểm định viên.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là cơ chế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm định các trung tâm KĐCLGD cả công và tư nhân?

Chú trọng kiểm định chương trình hơn là chạy theo kiểm định trường

Hiện cả nước có năm trung tâm KĐCLGD gồm: Trung tâm KĐCLGD ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCLGD ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm KĐCLGD ĐH Đà Nẵng, Trung tâm KĐCLGD thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, Trung tâm KĐCLGD Trường ĐH Vinh.

Thị trường KĐCLGD ĐH khá hấp dẫn, bởi nhu cầu đang rất lớn. Kể cả đã đạt kiểm định thì theo quy định sau hai năm rưỡi phải báo cáo lại và sau năm năm phải tái kiểm định. 

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đang kiểm tra các minh chứng khi rường đại học Công nghệ TPHCM
Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đang kiểm tra các minh chứng khi thực hiện đánh giá, kiểm định 3 chương trình đào tạo tại Trường đại học Công nghệ TPHCM hồi giữa tháng 3

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: đẩy mạnh KĐCLGD là xu hướng. Tuy nhiên, ở ta chủ yếu là kiểm định trường mà số trường ĐH chỉ có hơn 200 thì không cần mở trung tâm kiểm định ồ ạt. Điều mà hiện nay ta chưa làm được là kiểm định chương trình. Bởi đòi hỏi phải có các nhà chuyên môn đúng chuyên ngành, học thuật cao nhưng kiểm định ở ta không có nhân lực này. Trong khi đó, các nước có nền giáo dục phát triển đều đẩy mạnh kiểm định chương trình thay vì chạy theo kiểm định chung chung cả trường ĐH như ở ta.

Hoạt động của trung tâm theo mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định rất có thể họ cũng phải có lợi nhuận từ nguồn thu phí kiểm định để duy trì và phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ kiểm định của các trung tâm. Việc hạ giá dịch vụ kiểm định, như giảm bớt chi phí cũng có thể là yếu tố hấp dẫn nhà trường thuê trung tâm đó. Nhưng về dài hạn, chi phí kiểm định thấp chưa hẳn đã giúp nhà trường cải thiện chất lượng sau kiểm định, do có thể có các kết luận “méo mó” về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Như vậy, việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước với các trung tâm kiểm định công và tư cần được quan tâm. 

Việc đẩy mạnh hoạt động kiểm định là dấu hiệu tích cực giúp các trường có ý thức và hình thành văn hóa chất lượng, góp phần thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH về chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra sự tin tưởng trong xã hội... Chúng ta cũng đỡ tốn ngoại tệ để thuê tổ chức kiểm định nước ngoài mà chưa chắc đã có những khuyến cáo cải thiện chất lượng tốt hơn các chuyên gia trong nước, do hạn chế về hiểu biết văn hóa của người Việt và văn hóa tổ chức của trường ĐH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả, những tác động có thể đo được của các trung tâm thời gian qua còn chưa rõ. 

Tôi vẫn thiên về việc Việt Nam rất cần ưu tiên kiểm định chương trình vì mang lại ý nghĩa thiết thực hơn. Nếu một chương trình đào tạo nào đó không đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng thì cảnh báo, công khai chất lượng. Và khi không đạt ngưỡng tối thiểu về đảm bảo chất lượng thì đóng ngành. Điều này khả thi hơn là kiểm định nhà trường để đóng cửa hay giải thể một trường ĐH. 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo

Tiêu Hà - Đại Minh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI