2 mô hình sản xuất giúp phụ nữ Bình Chánh khởi nghiệp thành công

03/05/2024 - 06:28

PNO - Nhờ không ngừng tìm tòi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, không ít chị em phụ nữ ở huyện Bình Chánh đã khởi nghiệp thành công, có cuộc sống ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Trái ngọt từ sự cố gắng không ngừng

Đi dọc đường Thích Thiện Hòa, ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, người ta không thể không trầm trồ trước vẻ đẹp và độ quy mô của nhiều nhà màng nằm san sát nhau. Vào trong nhà màng của vợ chồng chị Huỳnh Thị Hồng Vân (46 tuổi, ấp 2, xã Lê Minh Xuân), người ta lại ngỡ ngàng trước vườn dưa lưới.

Trước đây, vườn dưa từng là kho thu mua phế liệu. Sau những năm quần quật trong những đống sắt vụn, chai nhựa, năm 2020 chị Vân có dịp tham quan khu vườn của một người bạn đang trồng trọt theo phương pháp thủy canh, thấy thú vị và tiềm năng phát triển, vợ chồng chị đã quyết định bỏ nghề ve chai để chuyển sang làm nông nghiệp.

Vườn dưa lưới của chị Huỳnh Thị Hồng Vân được trồng bằng phương pháp thủy canh
Vườn dưa lưới của chị Huỳnh Thị Hồng Vân được trồng bằng phương pháp thủy canh

Ban đầu, vợ chồng họ dựng 2 nhà màng, khoảng 500m2, với mức chi phí khoảng 500 triệu đồng, để trồng dưa lưới. Chồng có nhiệm vụ nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, từ các kỹ sư nông nghiệp về ứng dụng các công nghệ cao vào trồng trọt. Còn chị sẽ tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. Nhờ chịu khó và cố gắng không ngừng, vụ mùa đầu tiên trồng dưa theo phương pháp thủy canh, vợ chồng chị Vân đã thu hoạch với năng suất rất cao. Những quả dưa lưới tròn trịa, đều đặn và có độ ngọt theo đúng quy chuẩn.

Theo chị Vân, phương pháp thủy canh có nhiều ưu điểm, tiết kiệm tối đa nước tưới và thời gian dọn vườn, không thất thoát phân bón cho cây, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ sâu bệnh, thời gian canh tác ngắn hơn so với phương pháp truyền thống (mỗi năm có thể trồng được 5 vụ), đồng thời chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện.

Thế nhưng không phải mọi thứ đều thuận lợi. Do chưa có danh tiếng và uy tín nên vụ dưa đầu tiên, chị Vân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Nhưng sau một thời gian đầu tư cho việc chào hàng và quảng bá sản phẩm, dưa của chị sản xuất ra đã được các cơ quan, bệnh viện, trường học và siêu thị chào đón.

Dưa lưới của chị Vân mang thương hiệu “Dưa lưới Huỳnh Long”, đạt chuẩn vào các siêu thị với mức giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ đi mọi chi phí như giống, phân bón và nhân công, gia đình chị thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Từ 2 nhà màng ban đầu, đến nay, sau hơn 3 năm, vợ chồng chị Vân đã phát triển thành 12 nhà màng tại các xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.

Tuy đã đạt được những kết quả trong việc ứng dụng công nghệ cao, nhưng vợ chồng chị vẫn dành thời gian để tham gia các hội thảo về nông nghiệp, học hỏi những kiến thức mới và kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đồng thời giới thiệu sản phẩm của mình đến với nhiều doanh nghiệp. Tận dụng lợi thế của phương pháp thủy canh, chị Vân còn kết hợp trồng các loại rau xà lách, cải xanh, thu hút sự quan tâm sử dụng của nhiều người dân trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, năm 2023, tổng diện tích canh tác rau củ quả , cao trên địa bàn là 462,4ha, sản lượng khoảng 90.160 tấn.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt ra chỉ tiêu diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao là 470ha, sản lượng 91.000 tấn và diện tích canh tác hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao là 300ha. Chỉ tiêu tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố là 45 - 48%.

Cho hương thơm bay xa

Khi còn học phổ thông, chị Trần Thị Thu Huyền (37 tuổi, ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đã có niềm đam mê với nghề làm nhang (hương). Cứ đi học về là chị ra xưởng làm nhang với mẹ.

Lớn lên, thấy nghề làm nhang cực nhọc, thu nhập bấp bênh, nên ba mẹ muốn chị theo học một ngành nghề nhẹ nhàng hơn. Nghe lời khuyên của ba mẹ, chị Huyền theo học nghề kế toán rồi đi làm cho một công ty trên địa bàn. Tuy nhiên, niềm đam mê với nghề làm nhang đã không ngừng chi phối suy nghĩ của chị. Vì thế, sau một thời gian đi làm công ty, chị đã dứt khoát nghỉ việc để cùng chồng mở một xưởng làm nhang, nối nghiệp gia đình và theo đuổi ước mơ.

Chị Trần Thị Thu Huyền đã khởi nghiệp thành công với nghề làm nhang truyền thống nhờ đổi mới công nghệ
Chị Trần Thị Thu Huyền đã khởi nghiệp thành công với nghề làm nhang truyền thống nhờ đổi mới công nghệ

Chị Huyền cho biết, trước đây, người ta se nhang bằng tay, năng suất thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều. Để khắc phục nhược điểm này, năm 2014 vợ chồng chị đã mạo hiểm vay vốn từ ngân hàng chính sách và quỹ phát triển kinh tế phụ nữ để đầu tư máy phóng tăm, máy se nhang, máy trộn bột.

Những năm sau đó, chị tiếp tục đầu tư hệ thống máy sấy nhang để dự phòng những ngày thời tiết không thuận lợi. Sự đầu tư ấy là một bước ngoặt lớn trong quá trình đổi mới và cải tiến nghề làm nhang của gia đình.

Chị Huyền cũng tiết lộ, tăm nhang được chị nhập từ Hà Nội. Còn bột nhang thường được mua từ các xưởng gỗ, chủ yếu làm từ cây lồng mứt hoặc mùn cưa của cây bầu dừa… Nhưng hiện, cơ sở đã đầu tư hẳn một máy xay bột nhang công suất lớn và là điểm cung ứng nguyên vật liệu làm nhang như tăm nhang, bột nhang… cho các gia đình làm nghề tại địa phương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cũng như cung cấp nhang thành phẩm cho xuất khẩu đi các nước như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ…

Trong quá trình giữ gìn và phát triển nghề làm nhang truyền thống, chị Huyền đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các hộ gia đình nhỏ lẻ, bằng cách giữ giá cả hợp lý và cung cấp máy móc công nghệ giúp họ tăng năng suất và chất lượng. Chị Huyền bày tỏ: “Để đạt được thành công như hôm nay, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng, dành nhiều thời gian học hỏi các công nghệ mới, tham quan và học hỏi từ các xưởng sản xuất và những người có kinh nghiệm, rồi về chia sẻ cho nhiều người để cùng phát triển”.

Hiện tại, công việc sản xuất kinh doanh tại cơ sở làm nhang của vợ chồng chị Trần Thị Thu Huyền đã đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 lao động, với mức lương trung bình là 8 triệu đồng mỗi tháng. Chị nói: “Nghề làm nhang với tôi không chỉ là công việc mà còn là truyền thống, văn hóa mà tôi muốn giữ gìn, phát triển. Tôi hy vọng có thể góp phần để nghề làm nhang truyền thống được mãi lưu truyền”.

Cần có chính sách ưu đãi vốn để phát triển làng nghề truyền thống

Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng - nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ - những làng nghề truyền thống đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú, đa dạng.

Ông cho rằng, để các làng nghề truyền thống phát triển, điều cốt lõi phải là quyết tâm của người dân làng nghề. Sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay với người dân mới có thể giúp làng nghề tồn tại và phát triển, tạo cơ hội, động viên người trẻ học tập, hành nghề, làm giàu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngay trên quê hương của mình.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề với bạn bè quốc tế thông qua triển lãm, các tour du lịch. Cũng cần nghiên cứu, thí điểm các chính sách ưu đãi về vốn cho các cơ sở sản xuất có nhiều lao động tại địa phương được hưởng cơ chế đặc thù cho việc đầu tư phát triển làng nghề.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoatdonghoivi /strCate=hoatdonghoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdiendanvi /strCate=diendan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhungnguoiphunuquanhtoivi /strCate=nhungnguoiphunuquanhtoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvicuocsongantoanchophunutreemvi /strCate=vicuocsongantoanchophunutreem
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoivacuocsongvi /strCate=hoivacuocsong