‘Mẹ sẽ về nấu bữa cơm nhà cùng con’

28/08/2019 - 06:36

PNO - “Nhớ hơi ấm vòng tay con mỗi khi thình lình choàng ôm cổ mẹ. Thèm những buổi sớm hai mẹ con ríu rít ra chợ lựa bó rau, con cá về nấu canh chua. Tết này mẹ sẽ về nấu bữa cơm nhà cùng con”.

“Nghe các cô hát, mẹ hào hứng quá đứng bật dậy nhún nhảy, vậy mà nước mắt chảy hồi nào không hay. Nhớ hơi ấm vòng tay con mỗi khi thình lình choàng ôm cổ mẹ. Thèm những buổi sớm hai mẹ con ríu rít ra chợ lựa bó rau, con cá về nấu canh chua. Tết này mẹ sẽ về nấu bữa cơm nhà cùng con” - từ Trại tạm giam Chí Hòa thuộc Công an TP.HCM, chị N.T.T., 36 tuổi, viết những lời xúc động gửi con gái 10 tuổi đang sống với hai dì của cháu.

Tiếng hát xóa nhòa ranh giới

Từ mấy hôm nay, sau khi được giám thị thông báo: sáng 27/8 sẽ có đoàn cán bộ công an và Hội LHPN TP.HCM đến giao lưu văn nghệ và nói chuyện chuyên đề “Sống đẹp”, chị N.T.T. nôn nao mong ngóng.

Vốn là người thích không khí sôi nổi, ca hát, nhảy múa, nhưng từ ngày vướng vòng lao lý, phải bỏ lại con gái mới vào tiểu học cho mấy dì chăm lo, chị T. mặc cảm chẳng dám nói cười. Mồ côi mẹ từ năm 7 tuổi, cha đi bước nữa, T. có thêm hai đứa em. Ba chị em sống nương tựa vào nhau. 

‘Me se ve nau bua com nha cung con’
Chị T. hòa giọng hát cùng các thành viên câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ

Do không có công việc ổn định, T. bươn chải làm thuê đủ nghề rồi sa chân và trở thành “má mì” chăn dắt gái mại dâm. Ngày tòa tuyên 3 năm, 6 tháng tù giam, T. bật khóc. “Lúc mình biết hối hận thì đã muộn rồi. Mình không đổ lỗi cho hoàn cảnh đâu, sai trái do bản thân không cưỡng lại được ma lực đồng tiền. Mình xót và thấy có tội với con. Những ngày ở trại, điều duy nhất mình nghĩ là phải cải tạo thật tốt để mau về bên con” - chị T. tâm tình.

Cùng các nam, nữ phạm nhân đang chấp hành án, chị T. ngồi lặng lẽ trong hội trường Trại tạm giam Chí Hòa. Khi ca sĩ Phương Huyền thướt tha trong tà áo dài bước ra sân khấu cất cao lời bài hát Bông hồng cài áo (nhạc: Phạm Thế Mỹ, thơ: Thích Nhất Hạnh), chị T. lặng người. Chị nói, “thiếu vắng vòng tay mẹ là thiệt thòi, nhưng có người mẹ lầm lỡ như mình chắc con gái tủi thân lắm”, rồi chìm trong xúc động.

Một lúc sau, nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ - đến đưa micro và khích lệ chị cùng hát ca khúc Ơi cuộc sống mến thương, chị hơi giật mình nhưng rồi cũng đứng dậy nhịp chân, nhún nhảy: “Ta đã nghe trong tiếng cười, đường tương lai đang rực rỡ/ Ta đã nghe trong tim mình, lời yêu thương của con người…”.

Tết dương lịch 2020, chị T. sẽ rời trại giam. Hỏi dự tính, chị phấn chấn: “Mình sẽ học trang điểm, làm tóc để có cái nghề đàng hoàng kiếm sống. Nghe nói bên Hội LHPN TP.HCM có nhiều hoạt động hỗ trợ chị em hoàn lương, mình cũng muốn tìm tới Hội, nếu được thì xin vay vốn làm ăn và tham gia các hoạt động văn nghệ”. 

Hãy bước tiếp trên con đường áng

Là báo cáo viên phụ trách chuyên đề “Sống đẹp”, thiếu tá - tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường đại học An ninh nhân dân - bắt đầu buổi nói chuyện bằng những lời tâm tình: “Tất cả chúng ta, bạn và tôi, ai cũng có thể mắc phải sai lầm. Mai này khi các bạn chấp hành xong bản án hoặc được đặc xá ra khỏi cổng trại giam thì quá khứ ở phía sau rồi. Đừng tự ti, đừng mặc cảm, hãy bước tiếp trên con đường sáng”.

‘Me se ve nau bua com nha cung con’
Chị T. chăm chú đọc báo ngay sau chương trình

Theo tiến sĩ Lâm, sống đẹp đơn giản là sống đúng với bản thân, gia đình và những người xung quanh thông qua việc trân trọng chính mình, làm điều thiện, có trách nhiệm, giữ tinh thần đoàn kết, chan hòa giữa cộng đồng. Hoàn cảnh, sở trường, năng khiếu, học vấn, nghề nghiệp, những cái bề ngoài này không làm nên chữ “người” trong mỗi cá nhân, mà cốt yếu chính là nhân cách sống. 

Đồng quan điểm, bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - nhấn mạnh, xã hội luôn dang rộng vòng tay đón các anh, chị phạm nhân trở về tái hòa nhập. Với Hội Phụ nữ, khi các chị chấp hành xong án phạt tù, nếu cuộc sống gặp khó khăn, cần học nghề, giới thiệu việc làm hay vay vốn làm kinh tế nhỏ, có thể tìm đến Hội Phụ nữ địa phương. Hội luôn đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ để các chị ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Được biết, từ năm 2017, Hội LHPN và Công an TP.HCM đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 nhằm khơi dậy trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội, tích cực cải tạo tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng, sớm trở thành những người có lối sống đẹp. Chương trình sáng 27/8 nằm trong chuỗi hoạt động trên. 

Mời coi clip:

Có lần, tôi đến một trại giam, hát ca khúc Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một bạn nữ rất trẻ đã chạy ào lên sân khấu hỏi rằng: “Cô ơi, cho con ôm cô một cái được không. Nghe cô hát, con nhớ mẹ quá, phải chi con đừng phạm tội thế này”. Cô bé ấy khóc và phía dưới những phạm nhân khác cũng khóc. Ở trại giam, khán giả thật đặc biệt, nhưng khi âm nhạc cất lên, tôi cảm thấy không còn khoảng cách nào hết, và dường như nó có giá trị hơn ngàn lời nói.

(Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ TP.HCM)

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI