Cuộc chiến nối dài từ Cannes đến Oscar 2017

08/10/2016 - 09:25

PNO - Thời hạn cho các quốc gia gửi phim đề cử hạng mục Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc vừa khép lại vào ngày 3/10.

Nhìn vào các phim được chọn mặt gửi vàng, thấy đường đua đề cử hạng mục này như “cuộc chiến” từ Liên hoan phim (LHP) Cannes được nối dài, khi 1/3 số phim tranh giải Cành cọ vàng hồi tháng Năm tiếp tục đối đầu nhau ở Oscar lần thứ 89.

Đó là các phim của Canada, Pháp, Đức, Iran, Philippines, Rumani và Tây Ban Nha. Trong số này có hai phim cùng nói tiếng Pháp là Elle (Pháp) và Juste la fi n du monde (Canada). Juste la fi n du monde (tựa tiếng Anh It’s Only the End of the World) do Xavier Dolan đạo diễn (ĐD), đã giành Grand Prix - giải thưởng danh giá thứ nhì sau Cành cọ vàng ở LHP Cannes vừa qua, nên lựa chọn này của Canada không có gì ngạc nhiên.

Chỉ có Pháp gây bất ngờ khi chọn Elle của ĐD người Hà Lan Paul Verhoeven, mà không phải là Frantz - phim đề tài hậu chiến dễ gây chú ý với Viện Hàn lâm Mỹ hơn - của nhà làm phim kỳ cựu trong nước François Ozon. Elle kể về người phụ nữ (Isabelle Huppert đóng) thành đạt và quyền lực nhưng cuộc sống bị đảo lộn sau khi bà bị một kẻ lạ mặt cưỡng hiếp tại nhà riêng. Phim được đánh giá cao ở LHP Cannes nhưng ra về tay không.

So về số lượng, Paul Verhoeven không nhiều phim bằng François Ozon, bù lại tuổi đời lẫn tiếng vang các phim của Paul Verhoeven (như Robocop, Total Recall, Basic Instinct) hơn hẳn François Ozon. Đây là lần thứ hai Pháp chọn phim do một ĐD nước ngoài thực hiện để dự Oscar kể từ lần gửi phim Madame Rosa của ĐD người Israel Moshé Mizrahi vào năm 1977 và giành chiến thắng.

Nếu lịch sử lặp lại, Elle sẽ giúp Pháp rút ngắn khoảng cách với Ý - quốc gia có nhiều phim đoạt giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất - về số lần nhận tượng (tính đến thời điểm này Ý có 14 lần nhận giải, Pháp 12 lần). Lần gần nhất Pháp thắng hạng mục này là năm 1993 với phim Indochine lấy bối cảnh VN.

Cuoc chien noi dai tu Cannes den Oscar 2017
Phim Elle có Isabelle Huppert đóng (ảnh) của đạo diễn người nước ngoài Paul Verhoeven được kỳ vọng giúp Pháp rút ngắn khoảng cách thành tích Oscar với Ý

Tương tự, điện ảnh Tây Ban Nha, Rumania, Iran hay Philippines lần lượt đặt niềm tin vào những ĐD “nhẵn mặt” ở các LHP quốc tế: Pedro Almodóvar (bốn lần có phim tranh giải Cành cọ vàng), Cristi Puiu (từng thắng giải Un Certain Regard ở LHP Cannes và giải Gấu vàng thể loại phim ngắn tại LHP Berlin), Asghar Farhadi (nhà làm phim Iran đầu tiên giúp nước này giành tượng vàng Oscar 2012 Phim nước ngoài hay nhất) và Brilliante Mendoza (bốn lần có phim tranh tài ở LHP Cannes).

Ngoài phim đã tranh Cành cọ vàng, những "chiến binh" ở các hạng mục khác như Un Certain Regard, Director’s Fortnight của LHP Cannes cũng là lựa chọn của các nước Chile, Colombia, Phần Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Ai Cập.

Tuy vậy, không hẳn LHP Cannes trở thành thước đo để các nước chọn phim, như Hàn Quốc phớt lờ tiếng vang của phim The Handmaiden của Park Chan Wook để chọn tác phẩm chiến tranh The Age of Shadows - một trong 10 phim ăn khách nhất xứ Hàn năm nay.

Hay Bỉ không chọn ứng viên Cành cọ vàng The Unknown Girl mà thay vào đó là The Ardennes. Một số nước như Bồ Đào Nha, Nga, Venezuela, Argentina, Úc, Bosnia & Herzegovina đưa phim đã chinh chiến ở LHP Venice, Berlin năm nay.

Về thể loại, hầu hết các nước chọn phim truyện chính kịch để dự thi, vài phim hấp dẫn ở chỗ dựa trên người thật việc thật như Tanna (Úc) kể về cặp tình nhân ở đảo Tanna kết hôn vì tình chứ không theo sự sắp đặt mẹ cha. Port of call (Hồng Kông) dựa trên chuyện có thật về một vụ án mạng thương tâm ở Hồng Kông năm 2008.

Mah e Mir (Pakistan) dựa trên cuộc đời nhà thơ nổi tiếng Mir Taqi Mir. Land of mine (Đan Mạch) lấy cảm hứng từ sự kiện có thật về những quân lính Đức bị ép đến Đan Mạch gỡ bom mìn sau Thế chiến II để rồi gần phân nửa trong số đó mất mạng hoặc tàn phế.

Bên cạnh dòng chủ đạo là chính kịch, còn có thể loại hài như lựa chọn của Czech, Hy Lạp, Hungary, Lebanon, Ảrập Saudi, Đức). Phim kinh dị có đại diện đến từ điện ảnh Anh và Thái Lan, trong đó lựa chọn của Thái Lan gây ồn ào tại chính nước này khi phim Karma đề cập chuyện phá giới của nhà sư, có nhiều cảnh quay phản cảm như sư uống rượu, chơi ma túy, quan hệ nam nữ. Điện ảnh VN gửi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - lựa chọn ổn nhất trong số năm phim được các hãng gửi đến: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Truy sát, Bao giờ có yêu nhau và 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy.

Trong khi các nước đều gửi phim truyện dự thi thì một số nước như Ý, Ukraine, New Zealand và Luxembourg lại chọn phim tài liệu. Thụy Sỹ còn có lựa chọn “khác người” hơn khi gửi phim hoạt hình. Nhìn vào danh sách phim nước ngoài dự Oscar năm nay, nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn đang nghiêng về những phim nổi bật như Julieta (Tây Ban Nha), Elle (Pháp), From Afar (Venezuela), Chevalier (Hy Lạp), Neruda (Chile), The Salesman (Iran) và Toni Erdmann (Đức).

Sau khi khóa sổ nhận phim, các tình nguyện viên thông thạo ngoại ngữ được Viện Hàn lâm Mỹ tuyển chọn sẽ có ba tháng để xem hết những phim được gửi đến, chấm điểm rồi đưa ra danh sách rút gọn để các thành viên Viện Hàn lâm xem và chọn ra năm đề cử. Danh sách ứng viên Oscar sẽ được công bố vào ngày 24/1/2017 và phim chiến thắng được công bố vào đêm trao giải 26/2/2017.

Quang Huy (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI