TƯ Hội LHPN Việt Nam góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

16/05/2025 - 23:40

PNO - Sáng kiến góp ý từ giới nữ góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, hướng tới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 16/5, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị

Theo bản thuyết minh của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, việc sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Dự thảo gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 có 8 khoản sửa đổi, bổ sung quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 có 3 khoản, quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Đáng chú ý, tại Điều 9 của Dự thảo, đề xuất sửa đổi nhằm khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nêu rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân.

Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” – nguyên tắc cơ bản phản ánh bản chất liên hiệp tự nguyện của tổ chức này nhưng hiện chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp hiện hành.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, chuyên gia và cán bộ Hội đã phát biểu góp ý. Các ý kiến đều thể hiện sự đồng thuận cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa định hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Về nội dung Dự thảo, nhiều đại biểu đề xuất cần rà soát, điều chỉnh một số câu chữ trong các điều khoản như Điều 9, Điều 10 để tránh trùng lặp, đảm bảo sự rõ ràng, hợp lý trong ngôn ngữ và nội dung, đồng thời làm nổi bật vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Với quy định liên quan đến Công đoàn Việt Nam, các ý kiến tại hội nghị đề nghị bổ sung nhiệm vụ của tổ chức này là đại diện người lao động cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế. Đề xuất này nhằm đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 và quy định tại Điều 4, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục ghi nhận vai trò lịch sử của Công đoàn trong hệ thống chính trị.

Ngoài nội dung về MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu cũng thảo luận các điều khoản liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND, hiệu lực thi hành và các quy định chuyển tiếp khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều xác đáng, trách nhiệm và sẽ được tổng hợp đầy đủ gửi tới Ủy ban dự thảo.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai lấy ý kiến hội viên, phụ nữ thông qua đa dạng các hình thức, nhất là trên các nền tảng số, góp phần vào quá trình sửa đổi Hiến pháp một cách dân chủ, toàn diện và thực chất.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI