TPHCM: Lấp khoảng trống thiếu giáo viên bằng lớp học số

31/01/2023 - 05:47

PNO - Mô hình lớp học số vừa được thí điểm tại các trường ngoại thành TPHCM đã phần nào “chữa cháy” cho tình trạng thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả.

Đưa giáo viên cốt cán về ngoại thành nhờ lớp học “ảo”

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM triển khai lớp học số môn tin học và tiếng Anh tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) và Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ). Theo đó, đội ngũ giáo viên cốt cán của từng môn học luân phiên dạy tại studio. Vào những tiết học số, kỹ thuật viên sẽ kết nối đường truyền từ studio đến lớp học ở huyện Cần Giờ và Củ Chi để giáo viên dạy học bằng hình thức trực tuyến.

Lớp học số tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) - Ảnh: P.T
Lớp học số tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) - Ảnh: P.T

Ông Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng - cho biết mô hình lớp học số được thí điểm tại trường từ ngày 28/11/2022, với 6 lớp của các khối Bốn, Năm. Qua một thời gian có thể nhận thấy lớp học số rất hiệu quả trong việc giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên. Hiện trường có 15 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh hợp đồng, 1 giáo viên tin học thỉnh giảng. Nếu không có lớp học số thì không thể triển khai dạy tiếng Anh và tin học với khối Một, Hai, vì phải ưu tiên giáo viên dạy các khối Ba, Bốn, Năm theo chương trình bắt buộc. Hiện nay với lớp Một, Hai thì tiếng Anh, tin học là môn tự chọn, nhưng chủ trương của thành phố là khuyến khích và phụ huynh cũng rất mong muốn cho con học.

Từ khi có lớp học số, trường bố trí giáo viên dạy trực tiếp với các lớp Một, Hai, Ba. Còn với lớp Bốn, Năm, hiện giáo viên dạy 2 tiết tiếng Anh và 1 tiết tin học/tuần, còn lại 2 tiết tiếng Anh và 1 tiết tin học/tuần sẽ triển khai lớp học “ảo”. 

Như vậy, nhờ mô hình lớp học số, trường đã đảm bảo cho học sinh từ lớp Một đến lớp Năm đều được học tiếng Anh, tin học. “Giáo viên, phụ huynh đều rất vui vì học sinh được tiếp cận với tin học, tiếng Anh từ sớm. Các học sinh tham gia lớp học số với giáo viên trẻ, chuyên môn tốt, biết tạo được sự tương tác trong quá trình học nên các em rất thích thú” - ông Nguyễn Văn Tới nhận xét.

Tại Trường tiểu học Thạnh An, mô hình lớp học số được triển khai từ tháng 11/2022 với 2 lớp tiếng Anh khối Bốn, Năm. Bà Đinh Thị Liễu - Phó hiệu trưởng - cho hay trường ở xã đảo xa xôi nên gặp khó khăn trong việc tuyển giáo viên. Do đó, cả trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh dạy cả 5 khối lớp và giáo viên này cũng chuẩn bị nghỉ thai sản. Chưa kể, có giáo viên môn học khác cũng có ý định xin nghỉ vì điều kiện đi lại khó khăn. Việc triển khai lớp học số giúp học sinh được đảm bảo học tiếng Anh trong điều kiện thiếu giáo viên, cũng là bước chuẩn bị trong tình huống thiếu giáo viên môn học khác.

Theo bà Đinh Thị Liễu, bước đầu có thể thấy lớp học số đã đáp ứng yêu cầu cơ bản về dạy và học, học sinh háo hức vì cách học mới. Trong quá trình học, trường bố trí giáo viên tiếng Anh phối hợp giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ học sinh, dần dần sẽ chuyển giao hẳn việc trợ giảng cho giáo viên chủ nhiệm. Trường cũng đang đề xuất xây dựng thêm 1 lớp học số tại cơ sở ở ấp Thiềng Liềng, bởi hiện nay giáo viên tiếng Anh phải di chuyển giữa 2 điểm trường rất vất vả. 

Khắc phục các hạn chế 

Bên cạnh thuận lợi, ông Nguyễn Văn Tới nhìn nhận, mô hình lớp học “ảo” có sự hạn chế vì giáo viên dạy qua màn hình, thiếu tương tác trực tiếp với học sinh. Do đó, tại lớp học cần thầy cô bao quát học sinh, hiện trường đang bố trí giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất làm trợ giảng do các giáo viên này đang thiếu tiết nghĩa vụ. 

Lớp học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) - ẢNH: P.T
Lớp học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) - Ảnh: P.T

Tuy vậy, đa phần thầy cô lớn tuổi nên khả năng về tin học và ngoại ngữ hạn chế, cho nên việc theo dõi để hỗ trợ học sinh tương tác với giáo viên cốt cán chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, nếu ra bài tập yêu cầu 2 bạn đối thoại tiếng Anh với nhau, thì giáo viên ở xa không nghe hết được học sinh đối thoại đúng hay sai, cần phải có người trợ giảng biết chuyên môn để hướng dẫn, điều chỉnh cho các em. Hoặc môn tin học khi giáo viên giao bài tập trên máy tính nhưng ở xa nên không thể quan sát được máy tính từng em. Hiện nay, tin học đòi hỏi một số kỹ năng như tạo chữ nghệ thuật trong Word Art, hoặc lớp Năm các em đã học lập trình Scratch, nên nếu không có thầy cô “cầm tay chỉ việc” thì một số em chậm không theo kịp.

Bên cạnh đó, trường ở khu vực vùng sâu vùng xa nên đường truyền internet chập chờn. Vừa qua, trường đã đầu tư một khoản kinh phí để nâng cấp máy tính và đường truyền cơ bản phục vụ lớp học số. Nhưng để đảm bảo tiết học không bị gián đoạn, nhảy hình ảnh thì cần chi phí lớn để nâng cấp đường truyền. “Mới đây, khi họp sơ kết, chúng tôi đã trình bày một số khó khăn và Sở GD-ĐT đồng ý sắp tới sẽ hỗ trợ trường vận động các giáo viên trẻ, giáo viên chủ nhiệm phụ trách trợ giảng ở các lớp học số. Nếu giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ quản lý lớp sẽ tốt hơn, nhưng hiện nay chưa có chế độ hỗ trợ đối với giáo viên dư tiết nghĩa vụ. Trường gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí hỗ trợ, ở vùng sâu vùng xa nếu muốn xã hội hóa cũng khó” - ông Nguyễn Văn Tới chia sẻ.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, sở đã tuyển chọn, bồi dưỡng và tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia dạy lớp học “ảo”. Đây đều là những giáo viên cốt cán, chuyên môn vững, có kinh nghiệm giảng dạy tốt trên môi trường số, biết vận dụng nhiều phương pháp sáng tạo để mang lại hứng thú cho học sinh. Tuy vậy, các lớp học cũng gặp một số trục trặc về kỹ thuật đường truyền và tương tác giữa hai bên còn hạn chế. Sắp tới, ngành giáo dục sẽ rà soát, đánh giá, khắc phục một số hạn chế, đồng thời xây dựng kinh phí hỗ trợ và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trợ giảng. Sau đó, có thể xem xét mở rộng mô hình này tại nhiều điểm trường hơn, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên. 

Cần ứng dụng số mạnh mẽ hơn nữa

Phó giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - đánh giá cao việc triển khai mô hình lớp học số để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Không chỉ ở TPHCM mà tại tỉnh Hà Giang cũng đã thực hiện lớp học số với sự hỗ trợ của các trường tư thục ở TP Hà Nội. Phương thức này thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc đảm bảo cho tất cả học sinh đều có cơ hội học tập và tiếp cận chương trình giáo dục mới. Lớp học số cung cấp được những yếu tố cơ bản trong quá trình giảng dạy, đó là có chương trình học và có giáo viên truyền thụ kiến thức.

Thế nhưng, theo bà Chu Cẩm Thơ, nếu đặt trong yêu cầu học hiệu quả và phát triển năng lực cho học sinh thì mô hình này chưa thể đáp ứng được. Bởi người học, đặc biệt là học sinh tiểu học, có nhu cầu rất cao về tương tác, trong đó mỗi tiết học có nhiều tình huống phát sinh. Hiện nay, yêu cầu của chương trình mới là học sinh không chỉ học kiến thức mà học thông qua sự trải nghiệm, tương tác. 

Bên cạnh đó, việc dạy trên môi trường công nghệ đòi hỏi dữ liệu phải đầy đủ, phong phú. Hiện nay, người ta có thể sử dụng công nghệ để tạo ra thầy giáo ảo là những người hỗ trợ, huấn luyện cho học sinh. Trường học có thể khắc phục hạn chế bằng cách dùng những hệ sinh thái kỹ thuật số hiện đại hơn để làm dữ liệu học tập. Chẳng hạn ứng dụng những phần mềm đánh giá và hỗ trợ học sinh phát âm tiếng Anh chuẩn. Đồng thời, 1 tuần nên có 1 buổi tương tác trực tiếp giữa học sinh với giáo viên chuyên môn. 

Với các lớp học lớn hơn thì mô hình lớp học số rất phù hợp. Bởi với lớp học hiện đại thì thời gian học trực tiếp với giáo viên để tiếp nhận kiến thức ít đi. Mục tiêu đến lớp chỉ tổ chức các hoạt động nhóm, hợp tác, dự án và có thời gian để giáo viên giảng giải thêm cho học sinh.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI