Tổng Thư ký Quốc hội: Luật Phòng chống tham nhũng rất mạnh mẽ

20/11/2018 - 13:39

PNO - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc không đưa phương án xử lý tài sản bất minh khi thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) không phải luật bị “coi nhẹ” mà thực tế còn mạnh mẽ hơn.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 20/11,  Luật Phòng, chống tham nhũng  được thông qua đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, được kỳ vọng là sẽ trở thành giải pháp “then chốt” để có biện pháp mạnh mẽ hơn đối với hành vi tham nhũng nhưng cuối cùng lại không “tìm được đáp án” để đưa vào luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thừa nhận đây là vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản không giải trình nguồn gốc hợp lý là vấn đề mới và phức tạp.

Theo đó, người dân có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, nhiều tài sản không có tài liệu để chứng minh về nguồn gốc. Trong khi đó, Nhà nước chưa có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân và cán bộ, công chức một cách chặt chẽ; hệ thống thu thuế; thanh toán qua tài khoản chưa đạt yêu cầu… Đây là thực tế khó, dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều.

Tong Thu ky Quoc hoi: Luat Phong chong tham nhung rat manh me
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

“Qua lấy ý kiến ĐBQH, kết quả cũng rất phân tán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy không đủ cơ sở để quyết định vấn đề này nên vẫn giữ lại quy định của pháp luật hiện hành. Với tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý nguồn gốc, những tài sản nào chứng minh được là do tham nhũng, phạm tội thì tịch thu. Tài sản nào chưa nộp thuế thì chuyển qua cơ quan thuế”, ông Nguyễn Mạnh Cường giải thích.

Ông Cường cũng đánh giá, dù không đưa ra phương án xử lý tài sản bất minh nhưng Quốc hội đã sửa đổi cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và được biểu quyết với tỷ lệ cao. Trong đó có nhiều điểm quan trọng như mở rộng quản lý tham nhũng sang khu vực tư; các vấn đề liên quan đến quà tặng; bổ sung nội dung kiểm soát xung đột lợi ích; hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản thu nhập, kiện toàn hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản…

“Do đó, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn”, ông Cường nhận định.

Tại cuộc họp, báo chí cũng đặt vấn đề, nếu không đưa phương án xử lý tài sản, không giải trình hợp lý về nguồn gốc thì có lẽ sẽ tiếp tục còn có nhiều câu trả lời của quan chức theo kiểu “bỡn cợt” với dư luận như “buôn chổi đót xây biệt thự”, “bán cây cảnh tiền tỷ để mua đồng hồ Rolex”…

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, không phải không có điều này thì luật “coi nhẹ” việc xử lý tài sản bất minh, vì bản thân luật cũ cũng đã quy định. “Thậm chí, luật tại kỳ này nhấn mạnh thêm. Luật rất mạnh mẽ chứ không phải không”, ông Phúc nói.

Tổng thư ký dẫn chứng, nếu là đảng viên không kê khai được thì xử lý về mặt Đảng, Nhà nước. Còn nếu là đại biểu ứng cử vào ĐBQH, Hội đồng nhân dân… mà vi phạm thì sẽ bị xóa tên.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng bày tỏ quan điểm về việc Quốc hội đề nghị có thời gian để nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan tới tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc: “Cái gì chín rồi, chắc chắn mới đưa vào luật, cái gì còn đang trong quá trình chưa rõ thì cần thêm thời gian. Mấy lần xin ý kiến ĐBQH đều 50 – 50 cả, không rõ lấy theo hướng nào. Chứng tỏ ĐBQH rất băn khoăn”.

Minh Quang

 
TIN MỚI