Thận trọng trước 'cơn bão' lãi suất từ doanh nghiệp bất động sản

08/01/2020 - 06:37

PNO - Nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao, trong khi vẫn chưa minh bạch thông tin về tình trạng hoạt động của mình.

Lãi suất cao hơn ngân hàng

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chính thức “siết” cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Để tìm kiếm nguồn vốn khác, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút nhà đầu tư cho vay. Hiện lãi suất cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng chỉ xoay quanh mức 9-12%/năm, nhưng một số DN lại phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 14-20%/năm. Mức lãi suất này trở nên hấp dẫn hơn hẳn so với gửi tiết kiệm nên nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm mua trái phiếu. 

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hồng Hoàng phát hành trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 5 năm với lãi suất phát hành thực tế lên đến 20%/năm. Nhờ lãi suất khá cao, DN này đã huy động được 1.402,2 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt đã phát hành trái phiếu lãi suất 14,5%/năm, sau đó tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất 12%/năm. Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công và Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Công ty Đầu tư Văn Phú phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm và chốt lãi suất cố định 12%/năm. Các công ty Novaland, Hưng Thịnh Land, FLC, Quan Minh… phát hành trái phiếu với lãi suất 11%/năm.

Một số công ty khác chỉ trả lãi suất cao ở một năm đầu, sau đó thả nổi. Công ty TNHH Mặt Trời Sông Hàn phát hành trái phiếu hai đợt, mỗi đợt 100 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 2 năm đầu là 10%, sau đó lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiết kiệm 5 năm của VPBank + 2,25%/năm. Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/năm trong năm đầu, 2 năm còn lại thả nổi tương ứng bình quân lãi suất tiết kiệm bốn ngân hàng lớn cộng thêm 4%/năm. 

Thực tế, các ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành trái phiếu
Thực tế, các ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành trái phiếu

Một số DN phát hành trái phiếu đều được ngân hàng bảo lãnh phát hành nên gần đây, khách đến ngân hàng đều được nhân viên mời mua trái phiếu. Tại Ngân hàng V., chúng tôi được mời chào mua trái phiếu của một DN bất động sản có trụ sở tại tỉnh Long An, do ngân hàng này bảo lãnh phát hành. Lãi suất trái phiếu là 7,5%/năm, tương đương tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng nhưng kỳ hạn trái phiếu chỉ 3 tháng. Đến Ngân hàng S., chúng tôi được nhân viên chào mua trái phiếu cố định của một tập đoàn xây dựng với lãi suất 9%năm, số tiền mua tối thiểu là 200 triệu đồng, được trả lãi 6 tháng/lần. 

Mập mờ thông tin bảo lãnh

Khi giới thiệu trái phiếu DN, các nhân viên ngân hàng đều quảng cáo đó là các DN uy tín, đã phát hành trái phiếu nhiều đợt, lần nào cũng trả gốc và lãi đúng hạn, DN đã được ngân hàng thẩm định; người mua trái phiếu cũng không cần gặp DN vì mọi thủ tục từ trả lãi, gốc, đáo hạn đã có ngân hàng lo. 

Khi mời chào khách hàng mua trái phiếu, nhân viên của các DN đều cam kết có ngân hàng bảo lãnh. Nhiều khách hàng nghe cụm từ này sẽ nghĩ, ngân hàng đứng ra bảo lãnh khi DN phát hành trái phiếu gặp rủi ro nên có thể không đọc kỹ hợp đồng. Thực tế, các ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành (công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng bảo lãnh), tức là các công ty chứng khoán chỉ đứng ra tư vấn và chịu trách nhiệm thẩm định tính chính xác về hồ sơ phát hành của DN; ngân hàng cũng chỉ là đơn vị cố gắng phát hành hết trái phiếu cho DN chứ không phải bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư khi DN gặp rủi ro. Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng bảo lãnh thanh toán với trái phiếu DN, nhằm ngăn chặn tín dụng trá hình qua kênh này.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế - việc các DN bất động sản phát hành trái phiếu là vấn đề nóng trong năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục “nóng” trong năm 2020. Trong năm 2019, DN nói chung phát hành trái phiếu đạt khoảng 245.000 tỷ đồng, dự báo trong năm 2020 tăng khoảng 300.000 tỷ đồng. Trong đó, các DN bất động sản phát hành trái phiếu chiếm 34,5%. Trái phiếu DN giúp cho DN đa dạng hóa các kênh huy động vốn, giảm áp lực cho vay của các ngân hàng, giúp thị trường tài chính phát triển hơn. 

Tuy nhiên, ngoài mặt lợi ích, trái phiếu DN chứa nhiều rủi ro. Trong một cuộc tọa đàm mới đây do Trường đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức, tiến sĩ Trương Văn Phước - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định, phát hành trái phiếu là điều DN nên làm, là vấn đề tất yếu trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, mức độ minh bạch thông tin của nhiều DN hiện nay không cao. 

Nhiều DN ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng. Họ thường chỉ công cố những thông tin tốt đẹp. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu DN gặp vấn đề thì nhà đầu tư coi như mất trắng. Ở nước ngoài, DN muốn phát hành trái phiếu cũng phải được một đơn vị độc lập xếp hạng tín nhiệm. Có những nước mất hàng chục năm để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm. “Tôi cho rằng, phải xếp hạng tín nhiệm của các DN để tất cả mọi vấn đề được phô bày, để chúng tôi nhìn vào và quyết định mua trái phiếu hay không. Hiện nay, nhà đầu tư có muốn tìm hiểu về DN, cũng không có thông tin” - tiến sĩ Trương Văn Phước nói. 

Mới đây, Bộ Tài chính đưa cảnh cáo về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu DN. Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu DN chỉ vì lãi suất cao; nếu mua, cần nắm rõ do DN nào phát hành, mục đích phát hành là gì, có tài sản đảm bảo hay không, cam kết của DN, kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi, tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của DN… 

Theo báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2019, có 598 DN bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 36,8% so với năm 2018; có 686 DN giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018. Mới đây, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng bất ngờ thông báo chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như cam kết ban đầu (12%/năm). 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI