Tản mạn quanh mâm cơm ngày tết

20/01/2020 - 07:00

PNO - Bữa cơm ngày Tết ngoài ý nghĩa sum vầy đoàn tụ còn thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và tổ tiên đã mất.

Trên bàn thờ đèn nhang nghi ngút, từ những khung ảnh ông bà, cha mẹ đang tươi cười trong làn khói tỏa lung linh. Bên dưới bàn thờ, trên chiếc bàn hình chữ nhật, mâm cơm cúng được dọn lên với những món ăn truyền thống, quen thuộc.

Nhà nào dù khá giả hay nghèo khó, những ngày tư ngày Tết không phải mâm cao cỗ đầy gì cũng dâng lên trên ba mâm cúng các món: món mặn, món xào, món canh. Này là món thịt kho nước dừa vàng tươi, thơm phức, kế bên là dĩa mì xào hải sản hay nấm rơm xào thịt nạc, tim, gan. Cuối cùng là tô canh khổ qua hầm xanh mướt với ý nghĩa “khổ tận cam lai”. Có nhà là canh giò hầm xương đậu phọng hay món gà tiềm ngũ quả ngọt lừ, béo ngậy.

Mâm cơm tất niên của miền Nam
Mâm cúng tất niên kiểu miền Nam

Ngoài ra cũng không thể thiếu bánh tét hoặc bánh chưng. Những khoanh bánh tròn nếp xanh mướt bên ngoài, nhân thịt mỡ bên trong của miền Nam hay những lát bánh chưng vuông vức ôm trong lòng những hạt nếp dẻo là thịt mỡ, tôm khô, lạp xưởng của miền Bắc đều là những biểu tượng của trời đất, của lòng biết ơn của con người đối với mẹ thiên nhiên đã rộng lòng nuôi sống chúng ta…

Mỗi nhà mỗi kiểu, ai thích gì cúng này rồi thành tập quán của từng nhà. Điều quan trọng chính là sự trang nghiêm, đầy đủ của ba mâm cúng đất đai vương trạch, cửu huyền thất tổ và mâm cúng rước ông bà ngày cuối chạp này để ông bà về ăn Tết với con cháu trong mấy ngày Tết. Ngoài ra nhiều người khi cúng kiếng còn lưu ý đến ý nghĩa của các món ăn như thịt kho hột vịt thể hiện không khí hòa thuận sum vầy, giò chả tiêu biểu cho phúc lộc đầy nhà hay con gà luộc cho thấy sự sung túc, dồi dào…

Ở thành phố bây giờ, thường mọi nhà dọn cơm cúng vào trưa ba mươi hay trưa hai chín Tết (tùy năm), khác với ở nhiều vùng quê, mọi người còn theo tục lệ cũ, cúng rước ông bà cũng trong ngày này lúc con nước lớn đổ vào sông rạch chứ không theo giờ giấc gì. Tưởng như ông bà sẽ về theo con nước vậy đó.

Dĩ nhiên mỗi năm vào cái thời khắc quan trọng này, con cháu phải tựu về đầy đủ để thắp nhang bàn thờ chúc Tết ông bà, cầu xin ông bà phù hộ cho may mắn năm mới… Những kẻ ở xa không về được chắc hẳn sẽ có nhiều nhớ tiếc, bâng khuâng trước giờ phút của năm tàn, tháng lụn mà thiếu vắng niềm vui sướng của sự đoàn viên.

Đúng vậy, khi ba tuần trà đã xong, nhang thắp đã tàn, mâm cơm cúng trên bàn thờ được dọn xuống chính là lúc bữa cơm ngày Tết được bắt đầu. Một bàn tròn cháu con quấn quýt, nói cười rôm rả, cầm đũa lên mời nhau ăn món ngon ngày Tết để cùng nhau cảm nhận không khí ấm cúng, niềm vui đoàn tụ sum vầy của gia đình, há chẳng hạnh phúc sao? Bởi có những người thân có khi cả năm ta mới được gặp, ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự, chưa ăn mà lòng đã no tiếng cười, no niềm vui sướng lâng lâng. Rồi từng câu chuyện ấm nồng, từng ánh mắt rưng rưng, ta lại cùng nhau “ôn cố tri tân” mà hồn trí cứ như bay bổng, như trở về với kỷ niệm đẹp đẽ êm đềm.

Bữa cơm tất niên là nét đẹp truyền thống của người Việt
Bữa cơm tất niên là nét đẹp truyền thống của người Việt

Chưa hết, bữa cơm ngày Tết ngoài ý nghĩa sum vầy đoàn tụ còn là sự thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và tổ tiên đã mất. “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống trở về cội nguồn từ xa xưa phải chăng là một nét đẹp của đạo lý làm người của chúng ta? Qua mâm cơm cúng, con cháu mong muốn ông bà về vui với cháu con ngày cuối năm để hòa vào không khí đoàn viên và cùng nhau tiễn năm cũ đi, mừng năm mới đến.

Bởi vậy sau khi mâm cơm cúng trời đất và rước ông bà dọn xuống là cả nhà bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ để đón giao thừa. Nhà quét phải thiệt kỹ, thiệt sạch vì ba ngày Tết không được quét nhà. Khạp gạo, hũ muối trong nhà phải được đổ đầy, lu nước phải đầy ắp để gia đình đủ đầy, sung túc suốt năm… Nhìn lại thì những “đất lề quê thói” giờ chắc chẳng còn giữ được bao nhiêu, có thể mọi thứ chỉ còn trong hồi ức của một số người mà thôi.

Dẫu sao cũng còn những điều không thể quên như tục cúng giao thừa trong đêm nay. Cái thời khắc giao thoa giữa năm cũ, năm mới ấy thiêng liêng là vậy, đẹp đẽ là vậy làm sao bỏ được! Vậy là sắp sẵn ít bánh mứt, châm bình trà ngon cả nhà lại ngồi bên nhau đón năm mới. Cũng có lúc, cả nhà lại ngồi yên nghiêng tai lắng nghe. Tiếng chó sủa xa xa, tiếng mèo gào trên mái, tiếng chuột kêu rúc rích đâu đó dưới hộc bàn…

À, coi năm nay con nào ra đời đây nghe! Chuyện dân gian nửa hư nửa thực vậy mà vui vẻ, thú vị biết mấy!  Những giờ phút nồng ấm đó dù sau này có đi đâu về đâu lòng ta có thể nào quên!

Để rồi sáng mùng một, gỡ một tờ lịch mới thấy năm đã sang trang, mở rộng cửa nhà cho gió xuân tràn vào lồng ngực, cho hương nồng ngày Tết thơm ngát mũi, nhìn ra con phố thân yêu ta càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của buổi sáng Nguyên đán, buổi sáng trong lành mát mẻ đầu năm.

Mỗi năm một lần đón Tết, thấy thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”, thấy mùa xuân cuộc đời theo năm tháng phai tàn. Nhưng phải chăng những bữa cơm đoàn viên trong hương nhang thoang thoảng, những tấm lòng thơm thảo cùng hướng về nguồn cội và cái thời khắc đầy ý nghĩa của đêm giao thừa sẽ xanh tươi mãi trong tim ta?

Nguyễn Ngọc Tuyết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI