IPU-132 cam kết tăng cường sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em

01/04/2015 - 15:46

PNO - PN - Sáng 31/3, các đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) đã tập trung thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc giải quyết thách thức cơ bản nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, những gì đạt được trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em thời gian qua tuy có tiến bộ nhưng kết quả này đang bị đe dọa bởi những thách thức như: xung đột, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và di cư. Nếu việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em không được quan tâm nhiều trong thời gian tới, sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của các quốc gia.

Nói về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam cho biết: “Đối với Việt Nam, đánh giá lại mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực này thì chúng ta đã hoàn thành và trong khu vực, Việt Nam cũng là một trong số nước đứng đầu bảng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững sau năm 2015 đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thì Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng dân tộc ít người. Hội nghị này là cơ hội để có thể nghe những kinh nghiệm của các nước, có thể thay đổi biện pháp hoặc cách đầu tư cho hiệu quả hơn”.

Kết thúc buổi thảo luận, các đại biểu nhất trí, để vượt qua được những khó khăn hiện nay trong việc tăng cường sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, trọng tâm là phải duy trì các cam kết chính trị trong các nghị viện và các cơ quan giám sát IPU; đồng thời tăng cường hỗ trợ và hợp tác giữa các thành viên IPU và với các đối tác toàn cầu.

Trước đó, ngày 30/3, Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền đã hoàn chỉnh và thông qua Dự thảo nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.

Dự thảo đề cập ba nội dung quan trọng là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Dự thảo nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và coi luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia; các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề khẩn cấp “Hợp tác của các nghị viện trong việc chống lại nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram”.

Các đại biểu đã bày tỏ thái độ công phẫn đối với các hành động khủng bố, về việc cần tăng cường cảnh giác với các hình thức, lực lượng khủng bố mới đang ngày càng gia tăng; cho rằng để giải quyết vấn đề cần xác định rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng bố và đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường vai trò của nghị viện trong lập pháp và giám sát thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, từ chính trị, kinh tế, tài chính cho tới văn hóa, giáo dục, chính sách cho thanh niên, giúp những người trẻ tuổi tránh bị lôi kéo bởi các tổ chức khủng bố. Các ý kiến nhất trí cho rằng chống khủng bố cần sự hợp tác toàn cầu, trong đó có hợp tác phát triển. Cần biến những lời nói trong nghị quyết chống khủng bố thành hành động.

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu về tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam tại phiên họp toàn thể. Phó thủ tướng tái khẳng định lập trường của Việt Nam trong việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.

 B.T.L.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI