“Sức sống” sau màn hình của phim tài liệu

19/04/2023 - 07:20

PNO - Sự tồn tại của phim càng ý nghĩa hơn khi bản thân nó đem đến những giá trị tích cực “phía sau màn hình”.

Bộ phim tài liệu Tri âm: Người giữ thời gian của nữ ca sĩ Mỹ Tâm đã chính thức rời rạp từ ngày 16/4, sau 10 ngày công chiếu. Với doanh thu hơn 12,3 tỉ đồng, đây là bộ phim tài liệu ca nhạc ăn khách của điện ảnh Việt. Việc bộ phim được Mỹ Tâm chủ động rút khỏi rạp là quyết định gây bất ngờ với mọi người vì từ trước đến nay không nhà sản xuất nào tự chấm dứt vòng đời của phim tại rạp khi phim chưa chiếu đủ 2 tuần và doanh thu đang tốt.

Sự lan tỏa của bộ phim Những đứa trẻ trong sương giúp công việc bán hàng thổ cẩm online của Di (ảnh) ngày càng tốt hơn
Sự lan tỏa của bộ phim Những đứa trẻ trong sương giúp công việc bán hàng thổ cẩm online của Di (ảnh) ngày càng tốt hơn

Tri âm: Người giữ thời gian tuy rời rạp nhưng “sức sống” của phim chưa kết thúc khi Mỹ Tâm tuyên bố dùng toàn bộ lợi nhuận thu được để hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học. Chuyện nhà làm phim công bố làm từ thiện từ lợi nhuận không phải chưa từng có, nhưng đợi đến lúc phim ngưng chiếu mới công bố thông tin này thì chỉ có Mỹ Tâm. Số tiền đó sẽ giúp cho nhiều trẻ em nghèo hiếu học có cơ hội được đến trường. Đó cũng chính là ý nghĩa xã hội mà một bộ phim mang lại. 

Trong khi bộ phim Tri âm: Người giữ thời gian bất ngờ rời rạp, khán giả lại bất ngờ với sự trụ rạp của bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương. Ra rạp từ ngày 17/3, đến nay, sau 4 tuần, phim vẫn được chiếu dù trước đó đạo diễn Hà Lệ Diễm dự đoán phim chỉ “sống” được 1 tuần ở rạp. Dù doanh thu khiêm tốn (hơn 2,2 tỉ đồng), việc một phim tài liệu được các rạp chiếu sang tuần thứ năm là điều hiếm có. Tuy nhiên “sức sống” mạnh mẽ nhất mà bộ phim mang lại có lẽ chính là việc giúp cho cuộc sống của nhân vật chính Má Thị Di có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. 

Trailer phim Tri âm: Người giữ thời gian:

 

Di và mẹ Say đã kinh doanh online các mặt hàng quần áo, khăn, túi, ví bằng vải nhuộm chàm từ 4 tháng nay và nhờ sự lan tỏa của bộ phim, công việc bán hàng của cô diễn ra thuận lợi hơn. Di khoe: “Trước đây 1 tháng trung bình tôi bán chừng 4-5 cái áo, khăn thì hiện nay tôi đã bán được từ 10-15 món. Vừa rồi, những chiếc áo chàm của gia đình tôi làm được khách hàng bên Paris (Pháp) đặt mua và khi nhận hàng, họ khen nhiều. Tôi nảy ra ý định sản xuất sản phẩm thủ công nhuộm chàm vì tôi lo mọi người sẽ quên đi công việc thủ công nhuộm chàm độc đáo này, vì bây giờ cây chàm cũng ít còn được trồng”.

Phim tài liệu trong dòng chảy của điện ảnh Việt vẫn còn là món ăn kén khán giả. Chính vì vậy, việc một tác phẩm tài liệu giữ được sức hút khi ra rạp là điều đáng mừng. Sự tồn tại của phim càng ý nghĩa hơn khi bản thân nó đem đến những giá trị tích cực “phía sau màn hình”. Giá trị nhân văn của một bộ phim nhờ vậy được nhân lên bằng những hành động, việc làm cụ thể sau màn ảnh, tiếp tục mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân vật và cho những người khác. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI