Sự thật về phim "Cầu sông Kwai" được hé lộ sau hơn nửa thế kỷ

23/09/2020 - 07:53

PNO - "Cầu trên sông Kwai" - một tác phẩm về chiến tranh kinh điển đã bị cho là sự tưởng tượng của Hollywood hơn là sự thật lịch sử.

Bộ phim chiến tranh Cầu sông Kwai (The bridge on the river Kwai) của đạo diễn David Lean đã càn quét các giải thưởng, nhận được nhiều lời khen ngợi và được cho là một trong những bộ phim chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Nhưng nhiều tài liệu mới được công bố cho thấy bộ phim đã vấp phải sự chỉ trích.

Alec Guimess trong phim Cầu sông Kwai
Alec Guiness trong phim "Cầu sông Kwai"

Vào đầu thập kỷ 1970, Alec Guinness và  Philip Toosey được mời xuất hiện cùng nhau để nói về bộ phim Cầu sông Kwai. Guinness đã đóng vai một tù binh không chịu lùi bước, người giám sát việc xây dựng cây cầu; Toosey là sĩ quan ngoài đời thực được xây dựng thành nhân vật trong phim.

Toosey từ chối với lý do sức khỏe, nhưng cháu gái ông, Julie Summers đã cho biết: “Ông tôi từ chối vì  không đồng ý cách xây dựng nhân vật do Alec Guinness thể hiện trên phim”.

Văn phòng Chiến tranh đã không hài lòng với bộ phim, nhất là khi phim mô tả những người lính Anh hợp tác với những kẻ bắt giữ là người Nhật trên Đường sắt Miến Điện. Họ nhấn mạnh “Phim có một số điểm không chính xác, không miêu tả chân thực hành vi và ứng xử của các sĩ quan Anh”.

Bức thư của thiếu tá AG Close
Bức thư của thiếu tá AG Close

Trong các bức thư được lưu giữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia vừa được công bố, có bức thư của thiếu tá AG Close, một cựu tù binh làm việc trong Văn phòng Chiến tranh. Ông viết: “Bộ phim hầu như không đúng sự thật, chỉ trừ một vài chi tiết về thời điểm. Tôi đã làm việc ba năm rưỡi trên tuyến đường sắt đặc biệt này và nghĩ rằng bộ phim sẽ không được công chúng Anh đón nhận".

Trung tướng Arthur Ernest Percival, tướng chỉ huy Malaya, chủ tịch ủy ban Tù nhân Chiến tranh Viễn Đông (Fepow), đã viết: "Những tù binh chiến tranh sẽ vô cùng phẫn nộ trước việc trình chiếu bất kỳ bộ phim nào xuyên tạc và nói xấu cách ứng xử của họ".

Bức thư của trung tướng
Bức thư của trung tướng Arthur Ernest Percival

Đường sắt Miến Điện - hay còn gọi là "đường sắt Tử thần" dài 415 km, kết nối Miến Điện và Thái Lan để phục vụ cho quân đội Nhật Bản. Trong thời gian xây dựng, điều kiện làm việc tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của 12.500 tù nhân đồng minh và khoảng 85.000 lao động châu Á.

Bộ phim ra mắt 1957 dựa trên tiểu thuyết Le pont de la rivère Kwai của Pierre Boulle đã giành được bảy giải Oscar, trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Alec Guinness.

Phim kể câu chuyện về trung tá Nicholson (Guinness), người chịu trách nhiệm xây dựng chiếc cầu sau khi anh ta bị đưa đến trại tù binh Miến Điện. Nicholson từ chối việc bắt các sĩ quan của mình lao động - theo các quy định của Công ước Geneva. Điều này khiến Đại tá Saito (Sessue Hayakawa) tức giận. Saito nhốt Nicholson vào một cái hộp sắt cho đến khi Nicholson phục tùng. Nhưng không khuất phục được Nicholson, Saito đã mềm mỏng hơn. Nicholson nhận việc xây dựng cây cầu như cách để thể hiện niềm tự hào và chứng tính ưu việt, hiệu quả trong kỹ thuật xây dựng của Anh.

Julie Summers nói. “Lần đầu tiên xem bộ phim cùng mẹ tôi vào năm 1957, ông tôi đã nói đó là câu chuyện kể chứ không phải là sự thật”.

Saito và Nicholson trên phim
Saito và Nicholson trên phim

Trên thực tế, các tù nhân tù binh tại trại Tamarkan không sẵn lòng cộng tác vì niềm tự hào của người Anh. Họ đã xây dựng hai cây cầu, không phải một: 1 cầu gỗ và 1 cầu thép - bắc qua Mae Klong (tuyến đường sắt chạy dọc theo Kwhae Noi, có nghĩa là "con sông nhỏ", nay là sông Kwai). Các cây cầu cũng không bị nổ tung như trong phim.

Philip Toosey là một trong gần 40.000 sĩ quan, binh lính Anh và Úc bị bắt làm tù binh. Toosey được đưa đến Tamarkan, phía đông Mae Klong và phụ trách 2.500 tù nhân đồng minh là người Anh, Úc và Hà Lan. Các tù binh cùng với lao động châu Á làm nhiện vụ vận chuyển vật vật liệu trong khi các kỹ sư Nhật Bản thi công kỹ thuật. Thực tế, những kỹ sư Nhật cũng bị bộ phim xúc phạm. Họ không cần chuyên môn của người Anh và họ đã lên kế hoạch cho tuyến đường sắt từ năm 1937.

Summers nói: “ Ông tôi kể người Nhật là những kỹ sư xuất sắc. Ông cũng không cố gắng xây một cây cầu tốt mà ở  chỉ đó để bảo vệ người của mình. Ông tôi coi nhiệm vụ quan trọng nhất là có thể đưa người của mình về nhà an toàn nhiều nhất trong khả năng có thể”.

Trailer phim Cầu sông Kwai:

 

Khi Toosey nhìn thấy Alec Guinness đối đầu với Saito trong phim, ông nói: “Không bao giờ có thể đối đầu với người Nhật và khiến họ mất mặt. Nếu làm điều đó tôi đã không thể sống sót”.

Cây cầu gỗ được hoàn thành vào tháng 2/1943 và cây cầu thép hoàn tất tháng 5/1943. Cầu gỗ đã bị đánh bom 9 lần và đều được xây dựng lại ngay sau đó. Cây cầu thép bị không quân Mỹ đánh vào năm 1945 và cũng được xây dựng lại. Nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Toosey qua đời tháng 12/1975, ở tuổi 71. Năm 1984, Saito đến Anh và thăm mộ của Toosey. “Anh ấy đã thay đổi triết lý sống của tôi”- Saito nói về Toosey.

Trung tướng Percival từng mong muốn bộ phim bị cấm phát hành. Các tù binh chiến tranh ở trại Tamarkan yêu cầu các nhà làm phim nói rõ bộ phim dựa trên một quyển sách chứ không phải câu chuyện có thật. Nhưng các nhà làm phim đã không làm như vậy.

Phương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI