Sao Việt làm show chiếu mạng: Hài hước thắng thế

12/02/2022 - 12:24

PNO - Gần đây, các chương trình do diễn viên, ca sĩ tự sản xuất phát trên YouTube xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng. Trong đó, những chương trình đậm tính hài hước dễ dàng thu hút sự chú ý của khán giả.

Đa màu, đa sắc

Chỉ trong thời gian ngắn, MC Trấn Thành, diễn viên Trường Giang, diễn viên Lan Ngọc, ca sĩ - diễn viên Jun Phạm, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, ca sĩ - diễn viên Trương Thế Vinh… đã cho ra mắt nhiều chương trình giải trí phát trên YouTube.

Các chương trình được phân thành hai phong cách rõ rệt. Đầu tiên là những sản phẩm đậm tính hài hước, giải trí cao, chiếm phần lớn các chương trình. Chẳng hạn với Lục cơm nguội, Trấn Thành kết hợp với một khách mời trong mỗi tập, mời họ vào bếp cùng anh nấu ăn, tạo nên tiếng cười nhờ sự giao lưu hài hước.

Trường Giang và khách mời trong Muốn ăn phải lăn vào bếp
Trường Giang và khách mời trong Muốn ăn phải lăn vào bếp

Cũng lấy chủ đề nấu nướng, Muốn ăn phải lăn vào bếp của Trường Giang được xây dựng theo mô hình trải nghiệm thực tế. Mỗi tập, anh và khách mời tìm đến những địa phương khác nhau, tham quan cảnh đẹp, trải nghiệm mò cua, bắt ốc… để thực hiện những món ăn.

Lại nhà Nọc chơi của diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc vừa lên sóng hai tập cũng mang đến nhiều tràng cười sảng khoái cho khán giả, thông qua sự tương tác của các khách mời với chủ nhà. Mỗi tập là một trải nghiệm khác nhau như: cắm hoa, nấu ăn, trang điểm… xen vào đó là phần trò chuyện, tự sự của họ về nhiều chủ đề khác nhau.

Nếu yêu thích sự hài hước, vui nhộn, khán giả có thể đón xem thêm: Ăn ké cùng Lâm do diễn viên Lê Dương Bảo Lâm sản xuất, Cốc cốc Sam ơi do diễn viên - MC Sam làm “chủ xị”, hay Ok lên xe với sự dẫn dắt của Trương Thế Vinh…

Nhà chỉ có một người - Jun Phạm:

 

 Phong cách còn lại là những chương trình mang màu sắc trầm lắng hơn. Ca sĩ Jun Phạm hiện đang cho phát sóng cùng lúc Nhà có một người Không trà thì bánh. Với chương trình đầu tiên, anh thuật lại những thói quen sống, truyền năng lượng, kinh nghiệm tích cực cho người xem. Không trà thì bánh như cuộc trò chuyện giữa những người bạn, từ đó cũng cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng sống thú vị.

20g mỗi thứ Năm hằng tuần, khán giả lại được đồng hành cùng MC Liêu Hà Trinh trong Nghe cùng Trinh. Mỗi câu chuyện được kể ra sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó có thể là sự đồng cảm, thấu hiểu, hay thương cảm cho số phận của những nhân vật đời thường. Nữ MC còn có Tự tình lúc 0h, trò chuyện, tâm sự cùng khách mời về những chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Xuân Lan có Chuyện ngại nói, Nam Thư có Chuyện đời là được tổ chức theo hình thức talk show, nói về các vấn đề đang được quan tâm.

Phạm và Liêu Hà Trinh trong tập 1 Không trà thì bánh
Phạm và Liêu Hà Trinh trong tập 1 Không trà thì bánh

Chủ động tạo ra cơ hội

Việc duy trì kết nối với khán giả là một trong những yêu cầu bức thiết đối với ca sĩ, diễn viên… trong bối cảnh làng giải trí đang phát triển như vũ bão. Trong đó, môi trường mạng đang có sự chi phối rất mạnh vì nhiều lý do: tạo ra cơ hội cho ca sĩ, diễn viên; thu hút thêm khán giả; không bị hạn chế về mặt phát hành; tạo nguồn thu từ quảng cáo trên YouTube... Vì thế, việc đầu tư cho nội dung số là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Game show truyền hình cũng đang ở giai đoạn bão hòa. Vì thế, việc tìm cái mới để tiếp cận khán giả là điều cần thiết. Nếu như thời gian trước, ca sĩ, diễn viên phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất, thì nay họ có thể chủ động tạo ra cơ hội cho chính mình. Chi phí sản xuất, huy động nhân lực nằm trong khả năng của ca sĩ, diễn viên. Những sản phẩm này do họ làm chủ hoàn toàn, mang đậm màu sắc, thương hiệu cá nhân, không chịu sự chi phối của bất kỳ ai. 

Chẳng hạn, diễn viên Trường Giang có khiếu nấu nướng, nên phát triển chương trình gắn với ẩm thực rất thành công. Tương tự, ngoài việc ứng biến linh hoạt trên sân khấu, MC Trấn Thành cũng có thế mạnh về việc bếp núc, nên chọn đây làm nguyên liệu cho chương trình của mình. Trong khi đó, MC Liêu Hà Trinh, ca sĩ Jun Phạm có khả năng ăn nói, thích đọc sách, tìm hiểu văn hóa… nên phát triển các chương trình gắn liền với sở thích của họ…

“Hiện tại, chúng tôi chủ động về mọi thứ như: vốn đầu tư, nhân lực… cho các sản phẩm này, được tự do quyết định nội dung, cách thể hiện theo mong muốn. Tôi mong mọi người có thể nhìn thấy những góc cạnh khác của mình, là bức chân dung trọn vẹn hơn. Trước đây, mọi người có thể biết tôi là ca sĩ, diễn viên, tác giả sách… nhưng nay, họ còn thấy tôi có khả năng dẫn chương trình, hay những quan điểm sống của tôi. Đó cũng là điều thú vị trong thế giới do mình xây dựng nên”, ca sĩ Jun Phạm chia sẻ.

Trích đoạn Lại nhà Nọc chơi tập 2:

 

Không khó để nhận thấy những chương trình mang tính hài hước dễ dàng thắng thế. Mỗi tập phát sóng của Muốn ăn phải lăn vào bếp, Lại nhà Nọc chơi, Lục cơm nguội… thu về từ hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu lượt xem mỗi tập. Đó cũng là xu hướng chung của nội dung giải trí trên môi trường số. Trong khi đó, những chương trình chia sẻ về những vấn đề cuộc sống, kinh nghiệm sống… như Nhà có một người, Không trà thì bánh, Nghe cùng Trinh… có lượt xem khiêm tốn hơn. Dù hình thức thể hiện mới lạ, nhưng về mặt nội dung, chắc chắn vẫn khó thể cạnh tranh so với yếu tố hài hước thời thượng. Tuy vậy, điều đó không làm giảm ý nghĩa, giá trị nội dung của nhóm chương trình này.

Nghe cùng Trinh chia sẻ niềm đam mê đọc sách, truyền năng lượng tích cực, rèn luyện cảm xúc cho khán giả. Nhà có một người cũng là thương hiệu thành công của Jun Phạm. Hàng trăm bình luận cho mỗi tập phát sóng đều cho biết chương trình mang đến cho họ cảm giác bình yên, dễ chịu, tìm thấy sự cân bằng sau những bộn bề trong cuộc sống.

MC Liêu Hà Trinh chia sẻ: “Có những sự đầu tư mà lợi nhuận không thể đo đếm được bằng những con số, hay giá trị kinh tế. Chỉ cần khán giả xem, đồng cảm, tạo ra sự thay đổi tích cực bên trong họ từ những gì chúng tôi làm, đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Đó cũng là điều đáng quý, cho chúng tôi động lực để tiếp tục làm những nội dung  ý nghĩa”.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI