Phụ nữ dân tộc Thái hợp sức làm du lịch

09/09/2023 - 06:12

PNO - Không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, việc thu hút khách du lịch về trải nghiệm các phong tục, tập quán của người Thái cổ còn giúp nhiều chị em người Thái ở vùng cao Nghệ An có thêm nguồn thu nhập.

Kích thích sự tò mò của du khách

Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là một trong những bản Thái cổ ít ỏi còn lại ở miền Tây xứ Nghệ với 100% đồng bào người Thái sinh sống bên dòng sông Hiếu thơ mộng.

Đến đầu bản, du khách đã cảm nhận rõ nét xưa cũ của bản làng bởi hàng trăm chiếc guồng nước đủ kích cỡ đang quay đều đưa nước về ruộng đồng. “Những guồng nước này giờ không chỉ để lấy nước lên ruộng mà còn trở thành điểm tham quan, check-in thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài khi đến bản chúng tôi” - chị Sầm Thảo Trang giới thiệu.

Chị em trong Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến hướng dẫn du khách dệt thổ cẩm
Chị em trong Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến hướng dẫn du khách dệt thổ cẩm

Chị Trang là 1 trong 7 gia đình hiện đang làm du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến. Theo chị, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần, các làn điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp, khắc luống và cả tục làm vía của người Thái nay không chỉ vẫn diễn ra trong sinh hoạt hằng ngày mà còn được “lưu truyền”, “lưu diễn” để phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy mà du khách đã tìm về bản để trải nghiệm ngày một nhiều hơn, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Kiểm tra lại chiếc khung dệt thổ cẩm để chuẩn bị đón đoàn du khách Nhật Bản, chị Trang bảo, khách nước ngoài khi đến bản họ rất tò mò.

Thấy tấm vải thổ cẩm, họ luôn thắc mắc nó được làm ra như thế nào! Bởi vậy, những năm gần đây chị Trang liên kết với nhiều chị em trong bản mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm để vừa phục vụ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa phục vụ “tour du lịch dệt thổ cẩm”.

Đây cũng là một trong những trải nghiệm thu hút nhiều du khách nhất ở Hoa Tiến. “Tùy vào nhu cầu, du khách có thể trải nghiệm thực tế các khâu để làm ra một tấm vải thổ cẩm, bắt đầu từ hái lá dâu cho tằm ăn, se tơ, hái lá cây làm thuốc nhuộm vải, dệt vải…” - chị Trang nói.

Khi màn đêm buông xuống, những làn điệu nhuôn, xuối… của chị em lại vang lên. Bên ánh lửa hồng, du khách vừa thưởng thức các món ăn truyền thống vừa xem chị em biểu diễn những làn điệu.

Chị Trang cho biết, những đêm như thế sẽ có cả thầy mo đến làm vía cho du khách. Làm vía là một tập tục cổ xưa của người Thái vẫn được nhiều gia đình lưu giữ như một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. Già làng Cầm Bá Mừng là một thầy mo có tiếng ở bản Hoa Tiến cho biết, làm vía thực chất là sự cầu an, động viên, khích lệ để người ta phấn chấn vượt qua những tai ương trong cuộc sống.

Từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất 2 lần được làm vía. Với người Thái, việc làm vía phải chọn ngày, thì với du khách lại được “du di” vì thời gian lưu trú ở bản có hạn. Làm vía thường kéo dài khoảng 20 phút. Làm xong, thầy mo sẽ buộc chỉ vào cổ tay người được làm với ý nghĩa mang đến sự may mắn, tốt lành.

Những guồng nước bên suối trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách
Những guồng nước bên suối trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách

Cần phải liên kết lại 

Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm ở huyện Quỳ Châu. Những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo từ bao đời là thứ không thể tách rời trong đời sống tinh thần, tình yêu với nghề truyền thống của phụ nữ nơi đây.

Bà Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến - cho biết, nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến đang dần hồi sinh mạnh mẽ nhờ mở rộng được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là việc bán hàng trực tiếp cho khách du lịch. Hợp tác xã hiện có 60 phụ nữ tham gia, họ luôn sẵn sàng trình diễn, hướng dẫn du khách dệt thổ cẩm và cung cấp các sản phẩm lưu niệm như túi thổ cẩm, khăn piêu, váy các loại.

Theo bà Bích, trực tiếp bán hàng cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, ngay tại bản không chỉ giúp chị em tăng thu nhập mà còn là cơ hội để họ quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với du khách thập phương, là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của người Thái ra thế giới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Và điểm hấp dẫn nhất đối với du khách khi đến Hoa Tiến là được hòa mình vào đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp với người dân bản địa. Nhiều người trong bản đã sắm thêm xe trâu để chở khách đi thu hoạch mùa vụ, làm thêm bè nứa để chở khách đi đánh bắt cá nơi khe suối…

Chính quyền xã cũng đang vận động chị em trong bản khôi phục các món ăn truyền thống như hò mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, cá lam, cá nạp, các món chẻo, vườn rau sạch… để sẵn sàng phục vụ khi khách yêu cầu. 

Ông Sầm Văn Túc - Phó chủ tịch UBND xã Châu Tiến - cho biết, cách làm du lịch của phụ nữ bản Hoa Tiến không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn bước đầu tạo ra sinh kế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Xã Châu Tiến cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, phấn đấu thu hút khoảng 120 khách du lịch đến tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, để tất cả người dân trong bản có thể “sống khỏe” bằng du lịch thì cần phải liên kết họ lại. “Ví dụ như việc hái măng, đánh bắt cá… nếu người dân liên kết với nhau để cung ứng cho khách du lịch thì sẽ có thu nhập cao hơn” - ông Túc nói.

Hiện bản Hoa Tiến cũng đã thành lập nhiều tổ văn nghệ, mỗi tổ có 5-10 phụ nữ tham gia tập luyện để biểu diễn phục vụ du khách. Mỗi tối biểu diễn, mỗi người sẽ được trả công 200.000 đồng.

Để thực hiện được kế hoạch “dài hơi” về phát triển du lịch, bản Hoa Tiến cũng đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái. Đây là nơi giao thoa giữa các thế hệ cha ông và lớp trẻ.

Thông qua những buổi sinh hoạt, các nghệ nhân trong bản sẽ truyền dạy tiếng Thái cổ, nghề dệt thổ cẩm cũng như các nét văn hóa của người Thái cho các em học sinh trong bản. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI