Phim "Thương ngày nắng về": Cách Việt hóa vừa dễ chịu, vừa khó chịu

05/08/2022 - 06:53

PNO - Đó là tâm trạng của rất nhiều khán giả sau khi xem 87 tập phần 1 lẫn phần 2, bộ phim “Thương ngày nắng về” (đạo diễn Bùi Tiến Huy - NSƯT Vũ Trường Khoa).

Phim đã có một cái kết viên mãn dành cho các nhân vật. Có thể nói, sau Về nhà đi con, Thương ngày nắng về là bộ phim lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về gia đình, đạo hiếu.

Được chuyển thể từ phim Hàn Quốc Con gái của mẹ, nhưng Thương ngày nắng về có nhiều thay đổi để phù hợp văn hóa, tâm lý người Việt hơn. Thay đổi lớn nhất và được lòng người xem nhất là cái kết dành cho bà Nga.

Câu chuyện phim Thương ngày nắng về lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình mẫu tử, đạo hiếu
Câu chuyện phim Thương ngày nắng về lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình mẫu tử, đạo hiếu

Ở bản gốc, nhân vật tương tự bà Nga bị ung thư phổi qua đời. Còn trong Thương ngày nắng về, nhân vật này đã có một cái kết khá “cổ tích” nhưng nhân văn, được lòng người xem, vì người tốt xứng đáng được hưởng phước. Ngoài cái kết cho nhân vật chính, phim còn thêm thắt, thay đổi hoặc lược bỏ vài chi tiết nhằm làm đậm chất nhân văn. Chẳng hạn bà Nga không yêu cầu bà Nhung chăm sóc hai con của mình để trả ơn chuyện nuôi Vân Trang như ở bản Hàn, mà chỉ mong bà Nhung lo cho Vân Trang khi bà qua đời.

Tinh thần tốt đẹp “làm ơn không phải để được trả ơn” truyền tải rất đắt qua chi tiết nhỏ này. Ngoài ra, trong bản Hàn, lần đầu tiên sang nhà bà Nga xin nhận lại con, bà Nhung thậm chí còn quát mắng việc bà Nga giành con, nhưng ở bản Việt, bà Nhung tỏ ra ăn năn day dứt và cảm kích bà Nga. Diễn biến tâm lý này hợp với truyền thống đạo lý biết ơn của người Việt.

Bên cạnh những chỉnh sửa đem lại hiệu quả tích cực, phim vẫn có nhiều thay đổi gây khó chịu, lộ ý đồ tạo kịch tính quá đà.

Nổi bật nhất là phần 2 của phim tạo ra quá nhiều bi kịch cho nhân vật Vân Khánh. Như việc thêm nhân vật Thương - chị chồng của Khánh - và những việc làm xấu xa của Thương đôi khi phi lý, vượt ngưỡng cửa đạo đức.

Mô típ mẹ chồng cay nghiệt với nàng dâu của phim cũng không mới, thậm chí vài câu thoại còn giống y phim Sống chung với mẹ chồng. Và mặc dù tạo liên hoàn “drama”, nhưng cách hạ màn lại khá chóng vánh. Sự trả giá của nhân vật bà Hiền mẹ chồng Khánh và Thương được khắc họa chủ yếu bằng lời thoại.

Phim cũng gây mất thiện cảm khi hai lần dùng cái chết của các nhân vật khác (bạn của Duy và ông Long) để tạo ra bước ngoặt trong mối quan hệ Trang - Duy. Điều người xem quan tâm là quá trình nhận mẹ con của bà Kim Nhung - Vân Trang và câu chuyện sóng gió gia tộc trong công ty Hoàng Kim lại diễn tiến khá chóng vánh.

Trailer phim Thương ngày nắng về:

 Bản Việt đẩy tiến độ hai mẹ con nhận nhau, nhưng sau đó quá trình cả hai đối đầu với ông Long - chủ tịch công ty Hoàng Kim - không được miêu tả tập trung, mà bị chi phối bởi chuyện căn bệnh mất trí nhớ của bà Nga, chuyện tình Vân - Phong, chuyện nhà Vượng - Mơ.

Điều duy nhất giữ chân người xem dù ức chế với sự tham “drama”, đầu voi đuôi chuột này là diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên. NSƯT Thanh Quý đã có một vai diễn để đời, lấy nước mắt người xem. Về cuối phim, khi bà Nga trở nên mất trí nhớ và hoang tưởng, biểu cảm ánh mắt của chị càng khiến người xem rùng mình.

Diễn xuất của các diễn viên Lan Phương, Phan Minh Huyền, Ngọc Huyền và hai diễn viên nhí Bảo Linh (vai Sam), Tuấn Phong (vai So) cũng tương tác tốt với NSƯT Thanh Quý, tạo nên sự cộng hưởng mạnh về mặt cảm xúc. NSND Minh Hòa (vai bà Kim Nhung) cũng nhập vai, nhưng hơi tiếc là lối diễn nắn nót của chị khiến nhân vật bà Kim Nhung ít bùng nổ cảm xúc.

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI