Phát triển kinh tế số - chuyển đổi mang tính chiến lược của đất nước

26/01/2021 - 11:23

PNO - Là đại biểu khách mời, doanh nhân trẻ Lê Anh Tiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 - đã chia sẻ tâm đắc, kỳ vọng về Đại hội XIII của Đảng.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cùng 2 đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Lễ tiếp kiến Lãnh đạo cấp cao ASEAN.
Doanh nhân trẻ Lê Anh Tiến (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Lễ tiếp kiến Lãnh đạo cấp cao ASEAN

* Tham dự Đại hội Đảng XIII, anh quan tâm nhất đến điều gì? Tại sao? 

Doanh nhân Lê Anh Tiến: Phát triển kinh tế số - điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là điều mà tôi quan tâm nhất. Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Ở các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược.

Từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế hơn và đây cũng là lĩnh vực mà tôi triển khai, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam.

Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.

Mặt khác, phát triển kinh tế số - chuyển đổi mang tính chiến lược, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới.

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam.

* Anh có kỳ vọng gì về Ban Chấp hành khóa mới? 

Tôi kỳ vọng, đại hội Đảng là đại hội của sức mạnh đoàn kết, thống nhất và dân chủ. Đại hội sẽ bầu ra những người có đủ năng lực, trình độ, đạo đức, trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân để đưa đất nước tiến lên vững chắc, lập nên những thành tựu vẻ vang trong giai đoạn phát triển mới. 

Trong Đại hội Đảng lần này, chúng ta sẽ có dịp tổng kết và nhìn lại chặng đường phát triển 5 năm đầy ý nghĩa, đồng thời cũng sẽ thấy được phương hướng cho nhiệm kỳ 2021-2025.

Tôi tin tưởng rằng nền khởi nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội, chủ động thích ứng, vượt qua mọi thức thách trở thành quốc gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Một mục tiêu tăng trưởng tương đối tham vọng sẽ mang lại những sức ép nhất định lên nhiều thành phần khác như hạ tầng, con người, nhân sự, trình độ, môi trường sống.
Doanh nhân Lê Anh Tiến cho rằng: "Một mục tiêu tăng trưởng tương đối tham vọng sẽ mang lại những sức ép nhất định lên nhiều thành phần khác như hạ tầng, con người, nhân sự, trình độ, môi trường sống"

* Về chính sách phát triển kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ mới, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đất nước được đưa vào văn kiện, theo anh, có chỉ tiêu nào quá tầm không? Có cần điều chỉnh gì?

Tôi đồng tình với đánh giá về những thành tựu, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học chủ yếu qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Dự thảo văn kiện viết đầy đủ, rõ ràng, trong đó phân tích rất kỹ những kết quả, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những những hạn chế, yếu kém.

Dự thảo văn kiện cũng đã đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XIII sát và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần đánh giá về hạn chế, yếu kém liên quan đến các chương trình khoa học và công nghệ, kinh tế đổi mới sáng tạo còn chưa được rõ ràng, đúng cho mọi thời điểm và đề nghị phân tích sâu hơn, đánh giá sát thực tế. 

Về kinh tế, bản dự thảo có đề ra mục tiêu “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người”.

Tăng trưởng 7%/năm có nghĩa là Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch COVID-19 trong dài hạn, và giữ nguyên những lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực, tài nguyên, đất đai, cũng như lợi thế so sánh với các nước đang phát triển khác cho tới năm 2030. Một mục tiêu tăng trưởng tương đối tham vọng sẽ mang lại những sức ép nhất định lên nhiều thành phần khác như hạ tầng, con người, nhân sự, trình độ, môi trường sống.

Tôi nghĩ GDP nên tăng chậm hơn, tăng chậm mà bền vững, vào khoảng 4-5%/năm, mà vẫn giữ được tổng nhu cầu của nền kinh tế đã tăng gấp rưỡi vào năm 2030, như vậy mới đủ đảm bảo được các chỉ tiêu đề ra trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.

* Xin cảm ơn anh.

Diễm Chi (thực hiện)

 
TIN MỚI