Phải thật tâm muốn làm

15/07/2025 - 07:09

PNO - Nếu chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam tương đương các nước tiên tiến, chi phí lại rẻ hơn, phục vụ niềm nở, tại sao khách Âu, Mỹ lại không đến Việt Nam chăm sóc sức khỏe và làm đẹp? Khó hay dễ tùy chính người trong cuộc. Thật tâm muốn là được.

Dịch vụ y tế - bao gồm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp - là một phần tất yếu của ngành du lịch ở các nước phát triển. Những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc, đạt nhiều thành tích đáng nể. Trong vòng 10 năm, du lịch Việt đã vươn lên tốp 3 của Đông Nam Á, chỉ xếp sau Thái Lan và Malaysia.

Gần đây, đã có nhiều hội thảo và chỉ đạo đẩy mạnh du lịch y tế, biến TPHCM thành trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trong những năm tới. Ai cũng đồng tình với mong muốn hợp lý đó, nhưng cách làm vẫn còn lúng lúng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự liên kết và phối hợp đồng bộ ngay trong ngành du lịch, ngành y tế và giữa các ngành liên quan.

Đây là thị phần cao cấp, chi tiêu cao, thường lưu trú dài ngày, kết hợp du lịch với chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Giống như các ngành khác, du lịch y tế giữa các nước cũng đang cạnh tranh gay gắt. Tiềm năng du lịch y tế Việt Nam có thừa, có nhiều bác sĩ chuyên khoa giỏi, trang thiết bị hiện đại, các nhà đầu tư không thiếu tiền.

Bài toán tưởng đơn giản nhưng rất khó. Muốn là một chuyện, làm được hay không và kết quả thế nào lại là chuyện khác. Nguồn nhân lực không thể dựa vào tay nghề của số ít chuyên gia hàng đầu mà phải có tháp tam giác lao động, đào tạo bài bản và căn cơ, theo lộ trình cụ thể. Muốn làm gì cũng phải có kế hoạch khả thi với thông tin và số liệu chi tiết.

Đáng tiếc là những thông tin về du lịch y tế Việt Nam rất mù mờ. Năm 2024, không có thông tin. Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế với “khoảng 300.000 khách du lịch y tế (57.000 khách điều trị nội trú), trong đó TPHCM chiếm hơn 40%, chủ yếu từ thị phần Campuchia” (nguồn: nhandan.vn).

“Năm 2022 (các năm khác không có thông tin), có hơn 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài du lịch y tế, chi tiêu khoảng 2 triệu USD” (theo nld.vn). Thống kê này hết sức vô lý. Chỉ cần mỗi người chi 1.000 USD (thực tế, có người chi hàng trăm ngàn USD để chữa bệnh nan y), con số này đã lên tới 40 triệu USD. Ước tính hiện nay, hằng năm, người Việt bỏ ra không dưới 300 triệu USD để qua Thái Lan và Hàn Quốc chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, qua Singapore và Nhật Bản để chữa bệnh.

Để TPHCM và Việt Nam trở thành trung tâm du lịch y tế của khu vực, cần ngay “4 có”: có thông tin minh bạch, có số liệu chi tiết, có cách làm hiệu quả, có người chịu trách nhiệm cụ thể. Từ đó mới lập kế hoạch, có lộ trình và mục tiêu tương xứng. Việc này không thể duy ý chí, ngày một ngày hai mà làm được.

Cần ngay những chính sách đồng bộ như ưu tiên thị thực du lịch y tế - nhất là điều trị nội trú, cần ưu đãi vốn vay, miễn giảm thuế, đưa sản phẩm có chất lượng vào chương trình du lịch quốc gia, có chiến lược marketing phù hợp, tận dụng tối đa nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, kết hợp kỹ thuật đông và tây y, cộng thêm tinh thần phục vụ tận tâm, niềm nở, thân thiện.

Trước khi nghĩ đến việc đón khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ, cần khẩn trương nâng chất dịch vụ y tế để người trong nước tin dùng. Nếu người Việt chưa tin thì không thể thuyết phục khách quốc tế, dù giá dịch vụ y tế ở Việt Nam cực rẻ so với nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.

Nếu chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam tương đương các nước tiên tiến, chi phí lại rẻ hơn, phục vụ niềm nở, tại sao khách Âu, Mỹ lại không đến Việt Nam chăm sóc sức khỏe và làm đẹp? Khó hay dễ tùy chính người trong cuộc. Thật tâm muốn là được.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Lửa Việt Tours

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI