Nuôi heo bán đi Trung Quốc như... đánh bạc

03/08/2016 - 12:47

PNO - Vài ngày gần đây, giá heo hơi lại bất ngờ giảm xuống còn 42.000-44.000đ/kg và có dấu hiệu còn tiếp tục giảm.

Cách đây khoảng 10 ngày, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai khoe với chúng tôi, giá heo hơi đã tăng thêm 3.000đ/kg, lên 46.000đ/kg, vì các xe tải về Thống Nhất mua gom heo đưa đi Trung Quốc tăng trở lại. Hầu hết người nuôi heo đều phấn khởi vì một lượng lớn heo đến ngày xuất chuồng tồn đọng trong hơn một tháng trước có cơ hội được tiêu thụ. Với lượng xe về gom heo tăng như vậy, ông Trung còn cho rằng có thể xảy ra tình trạng khan hiếm heo trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vài ngày gần đây, giá heo hơi lại bất ngờ giảm xuống còn 42.000-44.000đ/kg và có dấu hiệu còn tiếp tục giảm. Người nuôi lại bất an vì sau tết Nguyên đán, thương lái đẩy mạnh thu mua heo đưa đi Trung Quốc khiến giá heo tăng chóng mặt, lên mức 57.000-58.000đ/kg, nhiều hộ đã tăng đàn, giờ đàn heo đã đến kỳ xuất chuồng việc mua bán lại gián đoạn.

Nuoi heo ban di Trung Quoc nhu... danh bac
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nuôi heo bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc được nhiều người xem như đánh bạc vì cách mua hoàn toàn không như trong nước. Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, phía Trung Quốc chỉ chuộng loại heo ngoại cỡ, có trọng lượng từ 120kg trở lên, có tỷ lệ mỡ nhiều chứ không phải loại heo khoảng 90- 100kg như thị trường trong nước. Loại heo lớn, mỡ nhiều này một khi không xuất được cho thương lái, sẽ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước vốn chuộng heo nhỏ hơn, tỷ lệ nạc nhiều hơn. Người nuôi rất sợ không bán được loại heo này vì trọng lượng lớn, heo tiêu thụ thức ăn nhiều, chi phí chăn nuôi cao…

Theo một số người nuôi heo, với việc mua heo lớn, nhiều mỡ như thế, phía Trung Quốc có thể tránh được các lô heo được tạo nạc siêu tốc bằng các loại chất cấm như salbutamol. Thực tế nhiều vụ vi phạm cho thấy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng heo có tỷ lệ thịt nạc cao của người tiêu dùng trong nước, thương lái gian lận thường chọn loại heo lớn, nhiều mỡ cho ăn chất tạo nạc trước từ 7-15 ngày trước khi giết mổ.

Anh Chiến, một tài xế thường chở heo thuê từ Đồng Nai ra các cửa khẩu phía Bắc để xuất đi Trung Quốc cho biết, việc vận chuyển không gặp vấn đề gì từ cơ quan chức năng vì hầu hết các trạm kiểm dịch thú y dọc Quốc lộ 1A chỉ kiểm tra bằng mắt thường và xem giấy kiểm dịch rồi cho qua. Heo lại được tiêm thuốc an thần để vận chuyển cho dễ. Theo tài xế này, chuyện heo bệnh hay rơi khỏi xe chết dọc đường là thường xuyên. Những con heo này sẽ được bán cho chủ quán cơm, lò mổ thủ công, tài xế chỉ giữ lại đuôi hoặc tim heo để làm bằng chứng với chủ hàng. Nhiều lần được hỏi về trách nhiệm quản lý đối với việc buôn bán heo, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, chỉ có thể khuyến cáo người dân thận trọng việc tăng đàn hay nuôi heo có trọng lượng lớn bán đi Trung Quốc. Trách nhiệm của Sở là chỉ quản lý về mặt con giống, dịch bệnh chứ không can thiệp được vào đầu ra và thị trường tiêu thụ.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, việc kiểm soát nguồn thực phẩm, đặc biệt là nguồn thịt gia súc gia cầm và các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu tại TP đã có những thay đổi tích cực. Sáu tháng đầu năm, Sở kiểm tra 74 hộ/cơ sở chăn nuôi gia súc tại sáu quận huyện (9, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Bình Tân), qua kiểm tra nhanh 18 mẫu nước tiểu/13 cơ sở chăn nuôi heo nghi ngờ tại quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi đều thấy kết quả âm tính.

Việc lấy mẫu nước tiểu cũng được tiến hành tại các cơ sở giết mổ, kết quả cho thấy, 1.225 mẫu từ 551 lô heo tại các cơ sở giết mổ có 38 lô (6,89%) với 116 mẫu (9,47%) dương tính với chất cấm họ Beta-agonist (salbutamol). Các mẫu này là heo được nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Với những lô heo được vận chuyển, giết mổ trái phép, tỷ lệ vi phạm cao hơn, cụ thể lấy 48 mẫu trên 25 lô heo, phát hiện 5/25 lô (10 mẫu) dương tính với salbutamol (20%).

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI