Nếu hiển linh, thánh cũng khuyên ở nhà trong đại dịch

25/03/2020 - 08:07

PNO - Nếu hiển linh, chắc thánh thần cũng khuyên tín đồ của mình ở nhà, hạn chế tụ tập, để khỏi phải mang tiếng chính họ đã tạo ra những “ổ phát tán” virus gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Tối 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết; các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người, thì 24/3, như chưa từng có gì xảy ra, dù phủ đóng cửa, khóa rào, lượng người đổ về dâng lễ tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vẫn… đông như thường; thậm chí, khấn vái lúc nửa đêm ở... ngoài cổng.

Thông báo đóng cửa của Phủ Tây Hồ cũng không ngăn được dòng người đổ về hành lễ  tối ngày 24/3 - Ảnh: An Vũ
Thông báo đóng cửa của Phủ Tây Hồ cũng không ngăn được dòng người đổ về hành lễ tối 24/3 - Ảnh: An Vũ

Hiện tượng này cho thấy, từ Hàn Quốc, Bangladesh, Malaysia… cho đến Việt Nam, dù theo loại hình tổ chức tôn giáo nào đi chăng nữa, ta cũng thấy “trồi” lên những gương mặt u mê… không lối thoát.

Có một sự giống nhau đến lạ kỳ ở đây, cho dù giữa họ có những đường biên giới quốc gia ngăn cách, dù họ thờ vị thánh thần nào đi chăng nữa. Đó là, sự cuồng tín của họ đã và đang trở thành một nguy cơ gây hại (có thể thấy rõ) cho cộng đồng.

Khi cả thế giới đang nỗ lực dập dịch, họ ở đây, cúi lạy, quỳ rạp bên nhau, bất chấp những cảnh báo từ chính phủ. Thay vì ở nhà, hạn chế ra ngoài, không tụ tập chốn đông người để tránh lây nhiễm; họ ở đây, không ngại trở thành nguy cơ của kẻ khác và cho kẻ khác, mặc sức để virus lây lan, tỏa đi khắp nơi sau đó.

Do có barie chắn nên những người đến cúng chỉ có thể đứng bái vọng từ bên ngoài. Càng về đêm, lượng người tập trung càng đông, lên tới hơn trăm người - Ảnh: An Vũ
Càng về đêm, lượng người tập trung càng đông, lên tới hơn trăm người - Ảnh: An Vũ

Không một chính phủ nào cấm cản tự do tôn giáo. Cũng không có ai hỏi tội những người có lòng mộ đạo. Tuy nhiên, khi mộ đạo trở thành mê tín, dị đoan, bất chấp, thậm chí là bất tuân, đi ngược lại những giá trị, tiêu chuẩn của cộng đồng, gây nguy hiểm cho cộng đồng, đặc biệt ở một thời điểm cực kỳ cam go, nhạy cảm, đó là chống dịch như chống giặc – thì rõ ràng, không ai có thể tha thứ.

Tôn giáo là vấn đề thuộc về đức tin, nhưng cũng là vấn đề của xã hội, vì thế tôn giáo cũng có giới hạn. Và nếu đức tin là thực thể của điều mình hy vọng, là bằng cớ của điều mình chưa thấy; thì với một loài virus chủng mới hữu hình, đang vây lấy toàn xã hội, đặt các quốc gia vào một thử thách chung, sao lại là điều chưa thấy?

Cho tới sáng 25/3, COVID-19 đã “đặt chân” tới 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mốc 400.000 ca nhiễm, trong đó, hơn 18.000 ca tử vong. Riêng ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng vừa ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 vào tối 24/3, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 134 bệnh nhân.

Nếu các số liệu trên không phải là thực, thì cái gì mới là thực?

Tại một sự kiện tôn giáo kéo dài từ 27/2 -1/3 ở Malaysia, khoảng 16.000 tín đồ ngồi sát nhau, nắm tay nhau, trong đó có khoảng 1.500 người nước ngoài đến từ Canada, Ấn Độ, Úc, Nigeria, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Việt Nam...

Đến nay, khoảng 2/3 trong số 673 ca bệnh COVID-19 ở nước này có liên quan tới sự kiện trên; trong đó, một người đàn ông Malaysia 34 tuổi đã tử vong hôm 17/3. Hai bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 61, 67 của Việt Nam cũng trở về từ đây, khiến cả thôn Văn Lâm 3 (Ninh Thuận) với 900 hộ (gồm 5.600 khẩu) bị phong tỏa, cách ly. 

Tuy nhiên việc tập trung nơi đông người vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến xấu lại đi ngược khuyến cáo của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội - Ảnh: An Vũ
Việc tập trung nơi đông người vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến xấu đi ngược khuyến cáo của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội - Ảnh: An Vũ

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Seoul đã đề nghị khởi tố hình sự với người đứng đầu giáo phái Tân Thiên Địa, cùng những người có liên quan về tội giết người khi hàng ngàn ca bệnh tại nước này có liên quan tới các sự kiện của nhà thờ giáo phái này tổ chức, buộc chính quyền xét nghiệm toàn bộ tín đồ giáo phái.

Ngày 18/3, hơn 25.000 tín đồ Hồi giáo ở Bangladesh đã tụ tập tại một cánh đồng để cầu xin Thánh Allah cứu vớt qua khỏi đại dịch COVID-19. Và ở Việt Nam, ngày 24/3, dòng người vẫn đổ về hành lễ tại Phủ Tây Hồ.

Nếu Thánh Allah ở Bangladesh, Chúa Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ có hiển linh, chắc hai vị cũng khuyên tín đồ của mình ở nhà, hạn chế ra ngoài, kẻo hai vị lại mang tiếng là tội đồ, tạo ra những “ổ phát tán virus”, những zombie COVID-19 gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Thánh thần nào mà chẳng mong muốn cứu nhân độ thế. Chỉ vì lòng tham, ngu si, mê muội của con người mà giờ các vị bị gọi tên, cũng tội nghiệp và oan ức cho các vị quá!

Đậu Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Thế Kỷ 26-03-2020 23:23:35

    Chắc chắn những người này đến đây để cầu Mẫu cho mình thoát khỏi dịch nCoV , không mắc Covid - vậy há chả tốt sao - danh sách người mắc Covid 19 sẽ ngắn lại - nhà nước đỡ tốn nhân lực , tài lực , vật lực để phục vụ họ - tốt quá còn gì !?

  • Thế Kỷ 26-03-2020 23:18:47

    Chắc những người này đến để cầu Mẫu phù hộ cho thoát khỏi dịch nCoV đây mà ! Thế cũng tốt chứ sao - ít nhất thì họ cũng sẽ không mắc Covid , con số bệnh nhân sẽ ít đi - chả tốt quá sao !?

  • K Dũng 25-03-2020 10:34:09

    Bài viết rất hay, đầy đủ, súc tích chỉ ra những thực trạng đáng buồn, chỉ vì lòng tham, ngu si, mê muội của một bộ phận, một số người mà gây nguy hiểm cho cả cộng đồng, cần phải lên án mạnh mẽ và phải trừng phạt nghiêm khắc chứ không thể để tái diễn hết lần này đến lần khác, hết nơi này đến nơi khác!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI