Mò mương bắt hôi, mang về… cả rổ ký ức

24/01/2020 - 07:35

PNO - Con lóc “khủng” vẫn còn ục mạnh cuối con mương ngầu đục; ven bờ, vài bụi cây hoang đơm hoa tím ngắt. Bao mùa rồi, mình không về quê bắt hôi?

Bắt hôi là bắt mót tôm cá trong mương của nhà hàng xóm. Gia đình chủ mương sẽ dàn hàng ngang mò bắt tôm cá, lực lượng bắt hôi sẽ ở phía sau và tiến dần theo dấu chân chủ mương đã qua. Chủ nhà chặn mương, tát gàu, các “hôi anh, hôi em” cũng xung phong luân phiên tát phụ để nước cạn trơ đáy rồi cùng nhau mò tôm cá. Thời nay, nhà nào có máy cô le bơm nước ra thì đỡ công tát và nhanh hơn, cho kịp con nước ròng.

Bắt hôi vui, rộn ràng và đậm đà tình làng nghĩa xóm, cũng là “hôi” nhưng không hề… vô liêm sỉ như những vụ hôi của – hôi bia, hôi vịt, hôi trái cây khi có sự cố lật xe tải, người dân bu ra tranh nhau giật về những thứ rơi rớt của khổ chủ.

Nhờ tát mương được tôm cá kha khá, nhà thím Chín (Bờ Dừa) ăn tết ấm.
Nhờ tát mương được tôm cá kha khá, nhà thím Chín (Bờ Dừa) ăn tết ấm

Bắt hôi ăn Tết, ai có còn nhớ không, nhất là dân miền Tây mình? Vào những ngày cận tết hoặc mùng Hai, mùng Ba tết, người nông dân thường tháo mương. Vì cần tổng lực nên hễ vợ giận chồng, bà nhạc giận con rể thì cũng mau mau làm lành để cùng phối hợp khui “cái ống heo dưới nước”. Mương được chủ nhà đắp đập và canh chừng cả năm để dành rút bọng vào dịp tết.

Mương ai ở ruộng rẻo, xa đường đi, hoặc xa nhà thì sợ nhất là những tay xiệt điện lén vào chích hết tôm cá, quơ cả cá trưởng thành lẫn cá nhi đồng khiến nguồn sản vật suy kiệt. Mương ai được quản lý kỹ và chủ gia siêng năng liệng thức ăn xuống cho tôm cá như cơm dừa bị chuột khoét, khoai, mì, đầu cá bằm nhỏ… thì ngày tát mương lắm khi vô tiền triệu chứ hổng chơi.

Thím Chín rộng tôm ở mương nước trong bên cạnh để tôm không bị chết ngộp
Thím Chín rộng tôm ở mương nước trong bên cạnh để tôm không bị chết ngộp

Giá tôm càng tự nhiên loại nhứt ở quê tôi – xã An Thạnh, H. Mỏ Cày Nam, Bến Tre - tết này khoảng gần 400.000 đồng/ ký, giá tôm sô cũng được hai trăm mấy chục ngàn đồng. Thường mương có lục bình nhiều là “thiên đường” mát lành của cá lóc, mà tôm càng và cá lóc hông hiểu sao “khéo là ghét nhau” nên để bội thu, không chỉ chờ trời thương mà gia chủ cũng phải chăm chút, tém vén mương nhà mình.

Không ít gia đình quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả, chỉ đủ ăn, đợi tát mương Hai chín, Ba mươi Tết được vài ký tôm đem ra chợ bán, băng qua nhà lồng lựa vội mấy bộ đồ cho sấp nhỏ cũng kịp thời xanh xanh đỏ đỏ chúc tết ông bà và du xuân với con nhà người. Thường tôm cá bự dành bán cho vựa, cho khách sang, dân thành phố, phần tép bạc lột, giã, dồn khổ qua. Lớn nhỏ chỉ là sang nhiều hay sang ít, chứ tôm tép tự nhiên thì thịt luôn thơm, dai, ngọt ngon hết sẩy. Phần cá nhỏ khô tiêu, nếu quá nhiều thì phơi khô để dành chiên, nướng nhậu đã.

Cá tôm mới bắt tươi roi rói
Cá tôm mới bắt tươi roi rói

Bắt hôi ăn Tết, ai có còn nhớ không? Vui ơi là vui! Mờ sáng, mấy đứa nhỏ cụ bị rổ rá, giỏ đựng tôm cá và lời căn dặn không thể thiếu của ba mẹ: “Nhớ đi bắt hôi phải đi phía sau, đừng leo lên phía trước, chủ nhà đập què giò nhen con”. Bỏ hết bằng cấp, sang hèn, bỏ hết thiết bị công nghệ, ai tuột xuống mương, trầm mình trong đống bùn đen thì chỉ hơn thua nhau ở tài bắt cá.

Quần bùn một hồi, áo đỏ vàng hay xanh rồi cũng nhuộm một màu đồng phục – đồng phục của ruộng đồng. Gõ bàn phím lâu ngày, bắt cá không quen, tôi bị vuột nhiều tôm cá, lòng tiếc hùi hụi. “Con lòng tông mới để đây đâu mất tiêu rồi?”- tôi loay hoay kéo cái giỏ đựng lại rồi tìm không ra con cá lòng tông đá mới “cất tạm” trong bập lá.

Lũ bắt hôi phá lên cười vì tôi vụng về, mãi mới vớt được một con mà lại làm mất. Lát về chắc phải lạng ra chợ mua thêm cho khá khá để khè với người nhà. Cánh đàn bà con gái lại thêm bị trai làng chọc ghẹo rằng đừng mê mò cá quá mà… tuột quần mất tiêu giống vợ thằng Đậu. Đám bắt hôi chọc ghẹo, hò hát, cười giỡn, rồi bắt tranh, cãi lộn chí chóe om sòm cả một góc quê.

Anh Hiếu nhanh tay tóm được con cá lóc đồng
Anh Hiếu nhanh tay tóm được con cá lóc đồng

Bắt hôi ăn Tết, ai có còn nhớ không? Tôi “bỏ nghề” lâu quá nên bắt hôi không lại ai, chứ thật ra ngày xưa tôi cũng thuộc hàng… bét nhất xóm Bờ Dừa. Tôi chậm chạp và tính hay mơ màng, thơ thẩn nên bắt hôi cơ bản chỉ giải quyết khâu “ham vui”. Coi vậy chớ có lần trời thấy tôi chậm chạp, lù khù nên thương tình, ban cho một con cá lóc thiệt bự. Số là tôi lội bùn đuối quá không tiến nổi, bị tụt phía cuối mương và vô tình thấy anh lóc ục mạnh. Một, hai, ba, tôi nín thở, tập trung lùa ảnh vào rổ.

Thành công rồi! Ảnh đã nằm gọn trong vỏ trái bầu rỗng ruột của tôi. Tôi reo lên trong lòng, không dám la thành tiếng bởi thân là thân bắt hôi, sợ chủ phát giác sẽ tiếc của mà đòi lại, rồi thêm đám nhóc kia nhiều chuyện sẽ ganh tỵ, đồn rần. Rối rắm, căng thẳng, tính tới tính lui, tôi bèn cáo đau bụng, về sớm. Leo lên bờ, tôi hi hí mở nhìn anh lóc và thích chí với kế hoạch đem ra chợ bán ảnh, thế nào cũng sắm được cái kẹp tóc nhung đỏ. Về đến nhà, réo ba mẹ, tôi xổ ra rổ thì…

Một mớ tôm cá lụng vụng chừng vừa một nồi kho và con cá lóc chỉ bự bằng hai ngón tay tôi thuở ấy tuổi 12. Sốc, tôi trách mình sao không coi kỹ, để về sớm uổng, trong khi lũ thằng Tí, con Ngọc mò trọn buổi, bắt được quá chừng. “Thôi kệ, mấy đứa bắt cá giỏi thường học dốt lắm”, tôi tự an ủi và vui vẻ tắm rửa, gội đầu, lấy bàn chải chà phèn ở móng chân sửa soạn đón tết.

Mấy cậu bé say mê bắt hôi quên cả giờ cơm
Mấy cậu bé say mê bắt hôi quên cả giờ cơm

Bắt hôi ăn tết, hỏi ai còn nhớ không? Trở lại dòng sông xưa, những con mương ở xóm Bờ Dừa ngày cũ, bỏ thiết bị điện tử, trầm mình bắt hôi nhà chú Chín, cô Mười, tôi mang về một rổ nặng ký ức thuở đầu trần chân đất, thuở nhà không mua nổi đồng hồ, phải canh giờ bằng bóng nắng. Con lóc “khủng” vẫn còn ục mạnh cuối con mương ngầu đục; ven bờ, vài bụi cây hoang đơm hoa tím ngắt. 

Bao mùa rồi, mình không về quê bắt hôi? Chắc từ thời đại học. Dễ ợt, chỉ một phép tính trừ là ra, vậy mà tôi cứ mãi thẫn thờ…                                                       

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI