Nỗi đau bắt nạt học đường

Làm sao biết con bị bạn bắt nạt, tẩy chay?

08/04/2021 - 13:14

PNO - Chiều 30/3, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết đã cứu kịp thời một bé gái 13 tuổi uống thuốc diệt cỏ tự tử. Theo lời cha của bệnh nhi, N. là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, N. bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt “hội đồng” trên mạng xã hội.

Tự tử vì cảm giác bế tắc, bị bỏ rơi

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, tại Việt Nam ước chừng 8-29% trẻ trong độ tuổi vị thành niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 2-3% tự tử do bế tắc trong các mối quan hệ giao tiếp bạn bè, áp lực học hành, thiếu sự cảm thông và chia sẻ từ gia đình… Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tính riêng năm 2020, có 11 ca khám tâm lý ngoại trú và 20 ca khám nội trú do tổn thương sau tự tử.

Gần đây nhất là trường hợp của nữ bệnh nhi tên P.T.N., học lớp Chín, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM. N. được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu sau khi nhảy từ lầu hai của trường, bị đa chấn thương vùng hông, gãy chân. Sau khi bệnh nhi được xử trí ổn định các tổn thương thực thể, bác sĩ Đinh Thạc đã điều trị tâm lý cho ca này.

N. chia sẻ với bác sĩ rằng, lớp mình có nhiều học sinh cá biệt, các bạn chia bè phái, N. bị bạn bè cô lập, nói xấu. Em đã nhiều lần xin bố cho chuyển trường. Bố em đã đến gặp giáo viên chủ nhiệm và được cô giáo khuyên đây là năm học cuối cấp, còn vài tháng nữa là hết năm nên chuyển trường sẽ không có lợi cho học sinh. Vì vậy, bố N. đã khuyên con hãy cố chịu đựng. Cảm thấy bế tắc, đang giờ học, N. xin cô giáo cho đi vệ sinh và leo lên lầu hai nhảy xuống đất. N. đã khóc, nói với bác sĩ đừng kể gì với bố mình, bởi theo em, mọi chuyện mình chia sẻ bố đều không đưa ra được giải pháp thỏa đáng, có nói với bố cũng như không. 

Những nút thắt tâm lý không được giải quyết kịp thời ở giai đoạn khủng hoảng chính là mầm mống dẫn đến việc trẻ có hành vi tự tử - Ảnh: internet
Những nút thắt tâm lý không được giải quyết kịp thời ở giai đoạn khủng hoảng chính là mầm mống dẫn đến việc trẻ có hành vi tự tử - Ảnh: internet

Cuối năm 2020, tương tự N., một trường hợp khác cũng chọn nhảy lầu để giải quyết bế tắc: em N.C.T., học lớp Bảy, ngụ Cần Thơ. Em T. ở với ông bà nội do cha mẹ ly hôn. Em học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên hay bị bạn bè chọc ghẹo, đưa ra làm đề tài bàn tán. Một hôm, đi học về, em lên lầu đóng cửa phòng, bà nội gọi xuống ăn cơm thì không nghe tiếng trả lời nên tưởng cháu ngủ quên. Khoảng 20 phút sau, hàng xóm gọi cửa, ông bà mới biết cháu gái ngã từ trên lầu xuống đất, vội vàng đưa đi cấp cứu. Bệnh nhi may mắn không bị chấn thương sọ não nhưng gãy chân, ảnh hưởng vùng bụng. 

Bé gái tên P.L.P., học lớp Tám, ngụ TP.HCM mới được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cách đây chưa lâu cũng xuất phát từ nguyên nhân bị bạn bè chọc ghẹo, cô lập. P. có nền bệnh trầm cảm, đang điều trị bằng thuốc. Thành tích học tập của P. xuất sắc và em nằm trong ban cán sự lớp. P. có anh trai học rất giỏi, đang du học. Dù gia đình không hề tạo áp lực học hành cho em nhưng chính bệnh nhi lại tự đặt mục tiêu quá cao. Trong một lần làm bài kiểm tra, điểm số không được như mong muốn, cộng thêm bị bạn bè châm chọc, khích bác, P. đã về nhà tự tìm thuốc trầm cảm và uống quá liều.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự làm tổn thương

Theo bác sĩ Đinh Thạc, để giải quyết những nút thắt về tâm lý cho các em, cần một thời gian dài cũng như sự quan tâm, hợp tác từ gia đình và nhà trường. Nếu không xử lý triệt để những tổn thương tâm lý, hành vi tự tử rất dễ tái phát và không phải lần nào cũng may mắn cứu sống được trẻ. 

Nếu trẻ đã nói ra các khúc mắc của mình, cha mẹ và nhà trường cần nghiêm túc lắng nghe, tìm ra giải pháp hữu ích nhất để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi. 

Không phải đứa trẻ nào cũng mở lòng chia sẻ khó khăn của mình cho người thân và thầy cô. Các dấu hiệu như sau là những gợi ý cho thấy trẻ có xu hướng tự làm tổn thương mình: ít giao tiếp, kết quả học tập giảm sút, về tới nhà chỉ vào phòng đóng cửa, hay nói về cái chết, mất hứng thú với cuộc sống, dễ cáu gắt. Lúc này, người lớn cần có hành động can thiệp ngay tức khắc, cùng ngồi lại bàn cách giúp đỡ trẻ, thậm chí đưa trẻ đi khám tâm lý để có được lời khuyên cũng như cách xử trí hiệu quả nhất.

Những học sinh nào hay bị bạn bè cô lập?

Theo kinh nghiệm cá nhân, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - cho biết, học sinh bị bạn bè bắt nạt, cô lập, tẩy chay ở trường thường do hai nguyên nhân. Thứ nhất, do những học sinh này quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, tự kiêu hay tỏ vẻ coi thường bạn bè, trong các mối quan hệ với bạn bè không biết cách nhún nhường nên không thể hòa hợp. Thứ hai, do đó là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ ly hôn, chịu nhiều áp đặt từ phía gia đình, bị bạo hành hoặc thường xuyên phải chứng kiến bạo hành trong gia đình. Những em này mang tâm lý nặng nề từ gia đình tới trường, khi đến lớp luôn trong tâm trạng u uất, không vui vẻ và không hòa hợp được với bạn bè. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác nhưng nhìn chung, hễ một học sinh có biểu hiện dị biệt thường dễ bị tẩy chay, cô lập.

Thông thường, khi trẻ đồng trang lứa chơi với nhau sẽ rất dễ dàng, vui vẻ, giận hờn đó rồi lại quên ngay. Nếu thấy học sinh nào không thể hòa hợp với tập thể thì phải nhìn nhận rằng, chính bản thân trẻ đang bị các rối loạn về mặt tâm lý. Khi ấy, phụ huynh và nhà trường cần kịp thời nhận diện vấn đề để phối hợp giải quyết triệt để. Chính những nút thắt tâm lý không được giải quyết kịp thời ở giai đoạn khủng hoảng chính là mầm mống dễ dẫn đến việc trẻ có hành vi tự tử. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuối năm 2020, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã kịp thời xử trí ổn thỏa trường hợp một học sinh lớp 11 bị bạn bè tẩy chay, cô lập ở lớp. May mắn thay, học sinh này đã tâm sự với bố mình, đồng thời nhắn tin chia sẻ với thầy hiệu trưởng. Sau khi tìm hiểu kỹ càng, nhà trường và gia đình đã nắm bắt được nguồn cơn sự việc. Ngay cả bản thân học sinh đó cũng thừa nhận mình bị tẩy chay là do hay tỏ ra là “đại bàng” trong lớp. Vì thế, em này đã bị các bạn xa lánh, thậm chí lên Facebook bàn tán, chế giễu.

Nhà trường đã cử giáo viên kỹ năng xuống lớp, thực hiện chuyên đề về bao dung và chia sẻ. Trong hôm đó, em học sinh kia cũng can đảm tự giác đứng lên xin lỗi các bạn. Kể từ hôm đó, các học sinh này đã chơi với nhau rất vui, không còn chuyện cô lập, tẩy chay nhau nữa.

Tổn thương về sức khỏe thể chất ở cả nạn nhân và thủ phạm 

Trẻ bị người khác bắt nạt có thể gặp vấn đề về mặt thể chất, tâm lý, vấn đề ở trường học. 

Trường hợp trẻ bị bắt nạt về thể chất (bị bạn đánh, đấm…), những tổn thương trên cơ thể rất dễ nhận thấy (trầy xước, thâm tím, chảy máu…). Sự tức giận dẫn đến nguy cơ mắc chứng tim mạch, giảm hiệu quả của hệ miễn dịch, mệt mỏi, kiệt quệ, tăng huyết áp, lưu lượng máu dồn lên não, căng cứng cơ, co thắt bao tử, rối loạn hệ thống thần kinh thực vật.

Trẻ có thể gặp phải các vấn đề tâm lý từ nhẹ đến nặng, tiêu biểu là các vấn đề như trầm cảm, lo âu, thu mình với các tương tác xã hội. Trẻ cũng có thể có những hành vi tự gây tổn thương cho bản thân. 

Trẻ khó tập trung chú ý, kết quả học tập giảm sút, nghỉ hoặc bỏ học. 

Kết quả từ các nghiên cứu cũng như thực tế cho thấy, việc bị bắt nạt hoặc bắt nạt người khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có hành vi tự tử.

Trẻ bắt nạt người khác có thể có các hành vi bạo lực, các hành vi nguy cơ khi trưởng thành. Trẻ đi bắt nạt thường phải đối mặt với các nguy cơ:

• Sử dụng, lạm dụng chất kích thích.

• Vi phạm kỷ luật trong trường học, vi phạm pháp luật, bỏ học.

• Có các hành vi bạo lực với người khác.

Ngoài ra, trẻ bắt nạt người khác khi ý thức được hành động của mình thường xấu hổ với thầy cô, bạn bè, ngại tham gia các hoạt động tập thể, bị bạn bè xa lánh. Trẻ bắt nạt cũng trải nghiệm cảm giác sợ hãi, lo sợ bị trả thù. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI