Kỹ sư điện tử viễn thông tái chế jeans để trả nợ cuộc đời

28/04/2021 - 08:30

PNO - Ngân thương mại hóa sản phẩm của mình cũng theo một cách rất khác: Chỉ nhận quần, áo cũ không mặc đến và chỉ tính tiền công tái chế.

 

Tám năm bền bỉ mang đến cho món đồ jeans bị bỏ đi một “kiếp sống” khác nhưng hai năm nay chị Bùi Thị Kim Ngân mới thương mại hóa sản phẩm của mình. “Khởi nghiệp từ rác”, “kiếm tiền từ rác thải”…những cụm từ xa lạ đó chưa bao giờ có mặt trong đời sống tái chế đồ jeans của chị. Chị nghĩ đơn giản: Cần phải hành động, dù là việc nhỏ nhất thì mới có thể nói đến chuyện bảo vệ môi trường, trái đất.

Chị Ngân đến với công việc tái chế đồ jeans cũ từ khi đứng giữa lằn ranh sinh tử
Chị Ngân đến với công việc tái chế đồ jeans cũ từ khi đứng giữa lằn ranh sinh tử

Từ phận người nghĩ về đời rác

“Xưởng” tái chế jeans - Renew Jeans của chị Bùi Thị Kim Ngân là một phòng trên tầng ba ngôi nhà gia đình chị đang sinh sống tại TP.Hà Nội. Hai máy may phục vụ chị Ngân và thợ. Một kệ bày những sản phẩm từ ba-lô, túi, ví đến bông tai - tất cả đều được làm từ nguyên liệu chính là đồ jeans bỏ đi. Hai kệ chất kín quần, áo jeans cũ do khách gửi đến nhờ tái chế theo yêu cầu. Khi nghe nhắc về việc ngành thời trang đã trút rất nhiều hóa chất ô nhiễm xuống đất, nước, sông ngòi; chị Ngân đã nói ngay: “Chất thải từ dệt may, thời trang là nguồn ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới”.

Trước Ngân và cùng giai đoạn làm đồ handmade với Ngân đã có không ít người chọn tái chế “rác”. Thế nhưng điều gì đã khiến một kỹ sư điện tử viễn thông rẽ ngang lối như chị? Lạ hơn, là suốt sáu năm chị bỏ công làm mới những món jeans bỏ đi chỉ để tặng người khác? Chị trả lời: “Tôi muốn những nhận thức của mình trở thành hành động, dù nhỏ bé thôi nhưng cũng thiết thực góp phần bảo vệ môi trường. Song đúng là câu chuyện làm mới jeans với tôi còn xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân”.

Lặng im một lúc khá lâu, giọng chị Ngân như nghẹn lại: “Chín năm trước tôi bị xuất huyết tiểu cầu, đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ đều không tìm được nguyên nhân. Tôi đã sống cùng chứng bệnh không rõ do đâu ấy đến tận bây giờ”. Ngày đó, hầu như sáng nào tỉnh dậy chị cũng thấy có vết máu trên gối, những trận chảy máu cam thì kéo dài hàng giờ đồng hồ. Chị nhập viện, trong người chỉ còn 8.000 tiểu cầu; trong khi số tiểu cầu ở người bình thường là 150.000 - 450.000.

Chị chưa bao giờ quên cái ngày vào phòng chọc tủy, chị đã suýt ngất khi nhìn thấy cây kim to dài. Một tuần nằm viện, chị Ngân tăng 5kg cùng chứng trầm cảm mất ngủ triền miên do tác dụng phụ của thuốc. “Đêm nào tôi cũng khóc, thậm chí còn nghĩ đến cái chết nhưng gia đình đã kéo tôi lại”.

Mẫu túi này, chị Ngân đã mất nhiều lần, nhiều năm chỉnh sửa lại sao cho có tính thẩm mỹ nhất
Mẫu túi này, chị Ngân đã mất nhiều lần, nhiều năm chỉnh sửa lại sao cho có tính thẩm mỹ nhất

Từng tuyệt vọng là vậy nhưng đó chưa phải là những ngày cam go nhất của chị Ngân cũng như của gia đình. Đầu năm 2013, chị lại nhập viện vì xuất huyết ổ bụng. Bác sĩ nói trong bụng chị có đến cả lít máu. Chính những ngày đó, chị nghĩ nhiều về ý nghĩa của cuộc sống. Kiếp người hữu hạn, một năm nữa, mà có khi chỉ một tháng nữa nếu chị không qua khỏi - bất ngờ như cái cách căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn tìm đến cuộc đời chị; thì sau đôi năm nữa, có ai - kể cả người yêu sau mấy lần chị đòi chia tay vẫn ở bên cạnh chị, còn nhớ đến chị không? Đó cũng là những ngày dự án tái chế đồ cũ hình thành trong tâm trí chị. Chị nghĩ đến sự quay vòng của thời trang, nghĩ đến những chiếc quần, áo jeans lỗi mốt sau vài năm “làm mưa làm gió”... 

Sức khỏe kém, những chuyến du lịch cùng cơ quan chỉ là giấc mơ. Chị nghĩ: Mình sẽ làm túi, làm ba-lô từ quần, áo jeans cũ, bỏ đi; để những chiếc túi và ba-lô ấy sẽ đi du lịch khắp nơi, thay mình. Thế là chị bắt đầu.

Thay đổi hành vi tiêu dùng quan trọng hơn tái chế

Tôi luôn nghĩ, những món đồ mà Ngân tái chế suốt những năm qua ít nhiều gắn với cuộc đời và giá trị mà chị nhận ra trong những ngày ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Lúc đầu, Ngân làm túi từ quần jeans cũ của mình, cho chính mình. Sau đó, chị “kêu gọi” bạn bè, chị em gần xa, ai có quần áo jeans cũ không mặc đến thì mang đổi - năm chiếc quần, áo cũ lấy một cái túi jeans. Người ta mang đồ đến, chị lại mất công lựa, những chiếc lành lặn, còn mặc được, chị gửi đi làm từ thiện. Chỉ những chiếc đã quá cũ chị mới sử dụng vào việc làm túi, ví… Bấy giờ, Ngân đang là nhân viên của một công ty, tranh thủ buổi tối cặm cụi làm đồ handmade. Không ai hiểu chị xót xa cho số phận của những cái áo, chiếc quần jeans cũng như gánh nặng rác thải mà trái đất đang oằn mình gánh chịu. Thương những món đồ còn tốt đã bị loại bỏ ấy như thương chính cuộc sống của mình, chị đã để ngoài tai những lời mỉa mai, tiếp tục mang lại cho jeans những đời sống mới. Dần dà, thấy đồ đẹp, tiện dụng, lại ý nghĩa; bạn bè, người quen liên tục nhờ Ngân “biến hóa” quần, áo jeans không mặc đến của mình.

Tái chế dù hữu ích nhưng chỉ là bước đường cùng. Quan trọng nhất vẫn là con người cần thay đổi hành vi tiêu dùng - mua sắm theo sở thích thay vì theo nhu cầu
Tái chế dù hữu ích nhưng chỉ là bước đường cùng. Quan trọng nhất vẫn là con người cần thay đổi hành vi tiêu dùng - mua sắm theo sở thích thay vì theo nhu cầu

Ngân thương mại hóa sản phẩm của mình cũng theo một cách rất khác: Chỉ nhận quần, áo cũ không mặc đến và chỉ tính tiền công tái chế. Giơ chiếc áo jeans hiệu rất cũ đã được cắt phần lưng, rồi lại cầm trên tay chiếc túi xách xinh xẻo, chị Ngân cười: “Nhìn túi, bạn có nghĩ nó được làm từ cái áo cũ sờn thế này không? Hay cái ba-lô xanh sáng kia chính là từ cái chân váy jeans đấy”. 

Trên bàn máy may, cái túi chéo với túi quần jeans đặc trưng được giữ lại làm một ngăn đựng đồ. Vết cào rách cùng vết dính thuốc tẩy lại trở thành điểm nhấn của túi. Có mẫu, cạp quần cùng đai đỉa, cúc, túi lớn, túi nhỏ phía trước của quần jeans chính là “mặt tiền”… Khách vừa bất ngờ trước diện mạo mới của sản phẩm tái chế, vừa thấy thân quen khi nhìn vào những điểm nhấn đó. 

Ban đầu, nhìn những sản phẩm được Ngân biến hóa từ quần áo cũ, tôi đã nghĩ chị học chuyên ngành thời trang hay chí ít cũng là công việc nào đó liên quan đến may mặc. Nhưng không, chuyên ngành của chị là điện tử viễn thông và chị từng học chuyên toán. Những gì liên quan đến công việc đã gắn bó suốt tám năm qua, đều là chị tự học. Lý do thật đơn giản: “Tôi muốn tái chế triệt để, từ cái đai quần đến cụm khóa kéo. Cái áo lúc nãy đã cắt phần lưng, vẫn còn sử dụng được rất nhiều bộ phận nữa”.

Trong rất nhiều chiếc túi tote ra đời từ tay Ngân, không ít cặp cùng “tái sinh” từ một chiếc quần. Hay có những chiếc túi được ráp lại từ nhiều miếng vải jeans với màu sắc khác nhau, đúng “tôn chỉ” tận dụng triệt để. Thậm chí có những chiếc, Ngân còn tỉ mẩn ngồi cắt, tháo chỉ ở phần gấu để “khoe” khéo phần không bị bạc màu trên món đồ được chị trao cho đời sống mới. Bất giác Ngân bảo: “Tái chế giúp hạn chế rác thải. Nhưng, như bạn thấy, tôi vẫn phải dùng nhựa dẻo để định hình cho sản phẩm, vẫn phải dùng chỉ để may. Điều quan trọng nhất là con người cần thay đổi hành vi tiêu dùng - mua sắm quá nhiều theo sở thích chứ không phải theo nhu cầu. Tôi tin, mỗi người thay đổi một hành vi, góp một hành động nhỏ thôi là môi trường - sự sống của chính chúng ta cũng sẽ thay đổi tích cực”. 
 

Uông Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI