Không vào lớp 10 công lập, vẫn còn nhiều lối rẽ cho học sinh lựa chọn

28/04/2022 - 06:12

PNO - “Sau lớp 9, con sẽ đi con đường nào?” - thật sự là câu hỏi không dễ trả lời cho các bậc cha mẹ. Ở lứa tuổi 15, trong suy nghĩ của bậc phụ huynh, các con chưa đủ khả năng để vào đời. Nhưng, nếu để học tiếp mà sức học có hạn, chắc chắn có nhiều hơn một lựa chọn để khi không vào được lớp 10 công lập thì vẫn thênh thang tương lai phía trước.

Chọn loại hình, phương pháp giáo dục phù hợp với con

Đó không chỉ là lời khẳng định suôn của các nhà sư phạm, những người làm công tác phân luồng học sinh sau THCS. Không vào được trường công lập cũng chẳng hề gì khi mà hệ thống giáo dục phổ thông đa dạng loại hình như hiện nay. Cô Hoàng Thị Hiền, một trong những giáo viên tại TPHCM tiên phong và thành công trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và hiện trở thành người tập huấn cho giáo viên trên cả nước, đã lựa chọn cách “từ chối” trường công cho con mình bởi con cô đã từng… học dốt. 

Su, 10 tuổi, từng là học sinh lớp 4 trường công lập, học tiếng Anh toàn dưới trung bình, học toán toàn làm sai. Thế là mẹ thường xuyên nghe nhắc nhở và thực sự bé bị mất căn bản. Mẹ cho nghỉ học tự dạy lại từ lớp 1 để con lấy lại căn bản. Hai mẹ con mất gần một năm để con nói tiếng Anh như người bản ngữ và làm toán như trẻ em Singapore. Đầu năm nay, con đã quay lại học ở một ngôi trường phù hợp hơn và rất hứng thú học. Bây giờ, con đi học trở lại, ngày nào về cũng ríu rít kể chuyện vui, tự đọc sách nước ngoài tới khuya bằng niềm vui khám phá.  

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An với nhiều hoạt động trải nghiệm - ẢNH: PV
Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An với nhiều hoạt động trải nghiệm - Ảnh: PV

Cô Hiền lấy câu chuyện của con mình để lý giải cho những phụ huynh có con chuẩn bị học hết lớp 9 đang đứng trước ngưỡng cửa phân hóa sau THCS. Cô nói: “Đi học là phải vui và mở rộng thế giới quan chứ không phải để lo lắng áp lực và mang tiếng học dở. Tại sao phải quyết liệt thi vào lớp 10 công lập khi con mình không phù hợp? Quan điểm của tôi khi làm thầy là không có học sinh dốt, chỉ có học sinh chưa được dạy đúng cách và giáo viên chưa được đào tạo để dạy phân hóa học sinh trong từng giờ học, lớp học. Vì thế, không nên khoán con cho nhà trường hoặc phải đi con đường mà số đông đi để áp đặt lên con em mình. Phù hợp trong giáo dục mới là chìa khóa thành công sau này cho một đứa trẻ”. 

Hay như chị Nguyễn Thị Châu (quận 3) luôn chủ động từ bỏ trường công để chọn con đường giáo dục phù hợp với khả năng của con mình. Năm rồi, ngay từ đầu, gia đình chị đã không đăng ký cho con thi lớp 10 công lập để con vào học trường tư thục tại quận 10 để con không phải áp lực. Bởi, chị biết sức con mình không phù hợp để cạnh tranh ở những ngôi trường công. Vì là trường tư ở nội thành nên khá chật, không có sân chơi, hơn nữa vẫn dạy 13 môn, trong đó có những môn con không hứng thú khi học. Vậy là chị đang tìm hiểu loại hình giáo dục thường xuyên (GDTX), manh nha chuyển con vào học tiếp lớp 11 để con có thêm thời gian tập trung học các môn có hứng thú, “loại bỏ” bớt những môn không cần thiết. 

Theo cô Hoàng Thị Hiền, khi các loại hình giáo dục trở nên đa dạng, phụ huynh có thể chủ động lựa chọn loại hình và phương pháp giáo dục phù hợp với năng lực, sở thích của con và điều kiện của gia đình. 

Những ngã rẽ dẫn lối thành công

Ở thời điểm này, những học sinh lớp 9 tại các thành phố lớn đang gấp rút hoàn thành học kỳ II và chuẩn bị cho cuộc ôn luyện để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Tại TPHCM, cuộc vượt vũ môn này dự kiến sẽ có khoảng 100.000 sĩ tử cạnh tranh và chỉ có khoảng 70.000 em sẽ về đến đích. Rõ ràng, áp lực sẽ đè nặng lên số thí sinh không vào được trường công lập, nhưng thực tế đó không phải là con đường duy nhất để tiếp tục việc học. Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5), cho biết: Có rất nhiều ngã rẽ sau THCS, hệ thống giáo dục đa dạng là để người học lựa chọn. Ở mỗi loại hình đều có ưu - nhược điểm, phù hợp cho từng đối tượng phát triển. Nếu để học tiếp văn hóa, các em có thể học trường ngoài công lập; nếu muốn học văn hóa nhưng học ít môn thì vào GDTX; nếu thấy không hứng thú với học văn hóa thì có thể học nghề… Vấn đề là cha mẹ và học sinh phải xác định mình là ai và cần gì? 

Sinh viên Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn học văn hóa kết hợp học nghề
Sinh viên Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn học văn hóa kết hợp học nghề

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng GDTX Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, thông tin: “Học phí thấp, số môn học ít hơn và thời khóa biểu hợp lý hơn; trong quá trình học được hướng nghiệp và dạy nghề… là những ưu điểm của GDTX. Trong khi đó vẫn đảm bảo cùng một đầu ra với học giáo dục phổ thông. Nhiều năm nay, bằng tốt nghiệp THPT là như nhau, không phân biệt như trước đây nữa. Tôi cho rằng đó là một lựa chọn khá thông minh để vào đời. Thậm chí, nhiều học sinh có học lực giỏi cũng chủ động chuyển qua đây để tập trung ôn thi đại học và thực tế là các em đậu rất cao”. 

Còn tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, cho hay: Mỗi năm, có khoảng 20% chỉ tiêu của trường là học sinh vừa tốt nghiệp THCS vào học. Khi vào học, các em đã chứng minh được thế mạnh của mình đó là thích nghi tốt, thái độ học tập khá tích cực và ngoan hơn lứa lớn. Vì vào học, các em được học văn hóa kết hợp thực tiễn, đi trải nghiệm doanh nghiệp nên đỡ chán và quan trọng hơn là bớt áp lực điểm số như trong trường phổ thông nên thể hiện bản thân tốt hơn. Thực tế, các em học đến năm thứ ba là có việc làm thêm (lúc này đã có bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp), có em chọn đi làm luôn, có em học tiếp năm thứ tư để lấy bằng cao đẳng. Khi ra trường, những em học ngành công nghệ thông tin có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng, nhà hàng khách sạn khoảng 9 - 10 triệu. Ngoài ra, có nhiều em học liên thông lên đại học… 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI