Học sinh TPHCM có thể quay lại trường sớm hơn dự kiến

01/11/2021 - 06:16

PNO - Song song với việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, các cơ sở giáo dục được trưng dụng đã được bàn giao và gấp rút sửa chữa. Liệu học sinh tại TPHCM có thể đến trường sớm hơn kế hoạch dự kiến - tháng 1/2022?

Học sinh muốn sớm được đến lớp

Đó là mong mỏi của rất nhiều học sinh tại TPHCM thời điểm này. Sau gần hai tháng phải học trực tuyến, cộng thêm thời gian nghỉ phòng, chống dịch trước đó, học sinh TPHCM đã có gần 5 tháng xa bạn học, thầy cô, trường lớp. Ngày được trường gọi đi tiêm vắc xin, Khánh An, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), hớn hở: “Em rất vui vì đã được tiêm 
vắc xin sớm và hy vọng sẽ được sớm trở lại trường để học tập. So với việc ở lì trong nhà học online, em thích được đi học trực tiếp hơn. Em muốn gặp lại bạn và thầy cô”. 

 

 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đến trường tiêm vắc-xin - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đến trường tiêm vắc xin - Ảnh: Phúc Trần

Còn Lê Minh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (Q.3), cũng khấp khởi vui mừng vì được tiêm vắc-xin là dấu hiệu để em sớm quay lại trường gặp bạn bè, thầy cô. Hơn nữa, theo Minh Trang, học sinh cuối cấp học online gặp nhiều khó khăn hơn các khối lớp khác vì chưa quen với những kỳ kiểm tra trực tuyến, trong khi điểm số này ảnh hưởng rất lớn đến việc xét tuyển vào đại học trong tương lai. Đó là chưa kể, các em phải chuẩn bị rất nhiều cho các kỳ thi quan trọng cuối cấp mà chỉ học online trên lớp thì thật sự không đủ. Vì vậy, em hy vọng học sinh cũng sớm có “bình thường mới”. 

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn ngành giáo dục và TP.HCM sớm chuẩn bị đủ điều kiện an toàn để trẻ được đi học, phụ huynh an tâm đi làm. Những phụ huynh có con đang học mầm non và tiểu học đặc biệt lo lắng vì lứa tuổi này các con không thể tự ở nhà một mình, trong khi cha mẹ hết thời gian làm việc giãn cách. “Việc trẻ mầm non và tiểu học chưa được tiêm vắc-xin sẽ khó có khả năng sớm đến trường học trực tiếp. Giữ hai đứa nhỏ để vợ chồng đi làm đang là bài toán khiến gia đình tôi căng thẳng mấy ngày nay”, chị Thùy Linh, phụ huynh học sinh ở Q.8, cho hay.

Chuẩn bị nhưng không vội vàng

Đến thời điểm này, các cơ quan y tế, quận, huyện đang tiến hành bàn giao những cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành công tác trưng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Thống kê cho thấy, còn khoảng 250 cơ sở giáo dục ở TPHCM sẽ bàn giao trong tháng 11. Những cơ sở này sẽ được sửa chữa kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trực tiếp trở lại trong thời gian tới.

 

 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đến trường tiêm vắc-xin - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đến trường tiêm vắc xin - Ảnh: Phúc Trần

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.Thủ Đức, cho biết: Trên địa bàn có khoảng 60 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các cơ sở này đang được bàn giao, vệ sinh, sửa chữa. Tính đến cuối tháng 10, chỉ còn năm cơ sở chưa bàn giao xong. Ngoài ra, các quận, huyện khác cũng đang gấp rút rà soát lại trường lớp, bàn ghế, đồ dùng dạy học sau khi nhận lại trường, đồng thời đẩy nhanh việc phủ vắc-xin cho học sinh để chuẩn bị điều kiện an toàn. 

Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) vừa hoàn thành sứ mệnh làm bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vào cuối tháng 10. Trước khi bàn giao về trường, quận tiến hành phun khử khuẩn, chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên. Riêng lãnh đạo nhà trường cũng đã có văn bản xin cấp kinh phí để sơn mới, chỉnh trang lại một số phòng học, phòng chức năng. Sau khi sửa chữa hoàn tất mới có thể đón học sinh quay trở lại trường học.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khâu vệ sinh trường lớp sau khi xong nhiệm vụ phòng, chống dịch cần phải được thực hiện bởi đội vệ sinh chuyên nghiệp, có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện để đảm bảo an toàn. Toàn bộ cơ sở giáo dục này sẽ được khử khuẩn theo đúng quy định của ngành y tế. Một số cơ sở sẽ phải sửa chữa lại phòng ốc, cơ sở hạ tầng do bị chuyển đổi công năng sử dụng…

Anh Hồng Phong, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), bày tỏ: “Việc tổ chức dạy học trực tiếp cần cân nhắc kỹ càng, cần lấy ý kiến phụ huynh và chuyên gia dịch tễ. Thực tế, học online ở bậc tiểu học không hiệu quả, chưa kể những hệ lụy phát sinh từ việc sử dụng máy tính, điện thoại nhiều… Nhưng một khi chưa có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ thì việc mở cửa trường nên được cân nhắc thấu đáo, cẩn trọng”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, sau khi đánh giá cấp độ dịch, cùng với tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND TPHCM ưu tiên cho lớp 9 và 12 đã tiêm hai mũi vắcxin có thể đi học vào đầu tháng 12. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI