Hành trình đáng nhớ của những trái tim hướng về TPHCM

30/04/2025 - 05:21

PNO - Một lòng hướng về sự kiện lớn của dân tộc khiến những người vốn không quen biết nhau trở nên thân quen như người một nhà.

Ông Hồ Bắc bồi hồi ngắm pháo hoa rực nở nơi chiến trường xưa
Ông Hồ Bắc bồi hồi ngắm pháo hoa

Tuổi cao, sức yếu và mang trong mình nhiều chứng bệnh của tuổi già, nhưng cựu chiến binh Hồ Bắc (tỉnh Phú Yên) vẫn quyết định vào TPHCM để tận mắt chứng kiến lễ diễu binh mừng ngày đất nước thống nhất. Hiểu và thương nguyện vọng của cha, các con của ông cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho hành trình vào Nam của ông.

Những ngày qua, ông Hồ Bắc đã tham quan thành phố và dự một số sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đêm 29/4, ông cùng cháu về trung tâm thành phố tìm một vị trí có thể quan sát hình ảnh các đoàn diễu binh và chờ đợi trời sáng. Ông Bắc cho biết, thanh xuân của ông trải qua ở chiến trường miền Nam, vì vậy sự kiện lần này đối với ông có ý nghĩa rất đặc biệt.

“Tháng 2/1966, từ đơn vị trinh sát Quân khu 4, tôi nằm trong lực lượng quân giải phóng được cử vào miền Nam theo đường tàu biển từ Hà Tĩnh vào Rạch Giá (Kiên Giang). Nhiệm vụ chính của tôi là khảo sát các địa hình địch đóng quân, quan hệ với dân để nắm tình hình địch, tình hình đấu tranh trong lực lượng quần chúng. Với nhiệm vụ đó, phần lớn thời gian tôi sống ở các chùa từ Gò Công, Bến Tre đến Rạch Giá…” - ông Bắc kể.

Tháng 4/1975, ông Hồ Bắc cùng đơn vị đã khảo sát và đưa thông tin chính xác để bộ đội ta vào đánh sân bay Đồng Tâm (Mỹ Tho). Ngày 20/4/1975, sau khi sân bay Đồng Tâm được giải phóng, đơn vị ông rút về Bình Chánh đóng quân với nhiệm vụ giữ chân địch phía miền Tây, ngăn chặn địch về hỗ trợ lực lượng cho trận đánh đang diễn ra quyết liệt tại chiến trường Xuân Lộc (Đồng Nai). Trong trận đó, ông bị địch bao vây ở Bến Lức.

Nhờ du kích địa phương mở đường, giải vây và nhờ rừng dừa nước che chở, ông thoát chết. Ngày 27/4, mặt trận phía tây thành phố ngừng tiếng súng cho đến ngày 30/4, cả Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng.

Sau khi nước nhà thống nhất, ông Bắc lại tham gia chiến dịch biên giới Campuchia, đóng quân ở Mộc Hóa (Long An) để giữ chắc vùng biên giới. Năm 1978, sau hơn 12 năm sống và chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Hồ Bắc phục viên về quê, gắn bó với ruộng đồng.

Thế nhưng, những năm tháng tuổi trẻ góp sức cho đất nước vẫn sống động trong ông những ký ức hào hùng. Ông nghĩ rằng, được sống sót sau chiến tranh và được hòa mình cùng cả nước đón mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất là điều may mắn.

Những ngày qua, ông Bắc đều đặn gọi về quê, khoe những bức ảnh đã lưu lại cùng thành phố. Đó là đêm ông cùng hàng ngàn người ngồi bên bến Bạch Đằng ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời thành phố. Đó là buổi sáng ông phấn khởi tột cùng khi nhìn dàn trực thăng kéo cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh.

Ông phấn khởi chia sẻ: “Vào TPHCM gần một tuần nay, đi lại vất vả. Nhưng với tôi đây là hành trình đáng nhớ. Tôi thấy vui khi nhìn thành phố đổi mới nhiều, khác xa hồi mới giải phóng. Hồi đó bom đạn tàn phá, đường sá đi lại khó khăn lắm. Nay nhìn thành phố lớn mạnh mà mừng. Đây cũng là dịp hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ, để kể con cháu nghe cha ông ta đã có một thời như thế”.

“50 năm mới có một lần, biết đâu mình không còn cơ hội nào để nhìn ngắm, chứng kiến một sự kiện trọng đại như thế?” - suy nghĩ đó khiến chị Bùi Thị Thùy (TP Hà Nội) quyết định đưa 2 con nhỏ vào TPHCM sau nhiều ngày đắn đo.

Hành trình đáng nhớ của mẹ con chị Bùi Thị Thùy luôn có lá cờ tổ quốc
Hành trình đáng nhớ của mẹ con chị Bùi Thị Thùy luôn có lá cờ Tổ quốc

Quyết định diễn ra sát ngày lễ, nên vé máy bay không còn. Chị Thùy bấm bụng đặt vé tàu và lo lắng một mình không thể quản 2 đứa trẻ. Thế nhưng, điều không may đó lại mang đến cho 3 mẹ con chị những trải nghiệm tuyệt vời, bởi trên chuyến tàu vào Nam những ngày cuối tháng Tư, đa phần là các đoàn cựu chiến binh vào TPHCM mừng đại lễ.

“Bầu không khí hân hoan tràn ngập khắp các toa tàu. Suốt đêm không ai ngủ được. Lòng nôn nao, các bác cứ kể chuyện những ngày chiến đấu, rồi cùng nhau ca những bài ca cách mạng. Khi biết chồng mình cũng vào TPHCM kể từ sau tết Nguyên đán để phục vụ công tác tổ chức đại lễ, các bác càng yêu quý 3 mẹ con mình hơn” - chị Thùy hồ hởi kể.

Một lòng hướng về sự kiện lớn của dân tộc khiến những người vốn không quen biết nhau trên toa tàu trở nên thân quen như người một nhà. Giọng hòa ca vang lên những giai điệu hào hùng. Nhìn 2 con trai nhỏ không chút mệt mỏi, hào hứng trông ra khung cửa kính, tay vẫy lá cờ đỏ sao vàng khi chuyến tàu băng qua mọi miền của Tổ quốc, chị Thùy hiểu rằng, hành trình về với niềm tự hào của Tổ quốc sẽ là hành trình ý nghĩa và đáng nhớ trong cuộc đời chị và cả 2 con.

Nguyệt Minh

 
TIN MỚI