Hà Nội và Cần Thơ - “thỏi nam châm” hút ứng viên Gen Z trong tháng 3/2025

23/05/2025 - 10:04

PNO - Theo báo cáo Quý I/2025 của JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam), Hà Nội ghi nhận tỉ lệ Gen Z gần 50%, cao hơn trung bình toàn quốc là 39,7%. Không chỉ riêng Hà Nội, Cần Thơ cũng có lượng ứng viên trẻ đạt mức 45,1% cho thấy một xu hướng chung: lực lượng lao động trẻ đang ưu tiên tìm kiếm cơ hội tại các đô thị lớn, nơi hạ tầng kinh tế và dịch vụ phát triển mạnh.

Hà Nội và Cần Thơ - “Mảnh đất màu mỡ” cho Gen Z bứt phá sự nghiệp

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế, giáo dục và văn hóa của cả nước với sự phát triển vượt bậc ở các ngành dịch vụ như bán buôn bán lẻ, lưu trú - ăn uống. Đây cũng chính là những lĩnh vực vốn rất phù hợp với đặc trưng của Gen Z: yêu thích sự năng động, môi trường làm việc mở và linh hoạt. Bởi vậy, không quá ngạc nhiên khi lượng lao động trẻ tìm việc làm tại Hà Nội lên tới 48,3%.

Báo cáo kinh tế của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong quý I/2025, ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Điều này không chỉ kéo theo nhu cầu nhân sự tăng cao mà còn tạo ra nhiều mô hình công việc mới phù hợp với phong cách làm việc hiện đại mà Gen Z hướng đến.

Ngoài ra, Hà Nội với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng hàng đầu cả nước không chỉ là điểm đến học tập mà còn là “bàn đạp” cho sinh viên Gen Z bước vào thị trường lao động thành phố. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ chọn ở lại Hà Nội làm việc thay vì quay về quê nhà, càng gia tăng lượng Gen Z tại đây.

Cần Thơ cũng nổi bật là trung tâm kinh tế lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này không chỉ phát triển mạnh trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử mà còn bắt đầu thu hút đầu tư vào công nghệ và giáo dục. Sự đa dạng hóa nền kinh tế tại Cần Thơ đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, đặc biệt là với Gen Z. Bởi vậy, không quá khó hiểu khi có tới 45,1% ứng viên trẻ quan tâm đến các vị trí việc làm tại đây.

Các tỉnh miền núi và miền Trung tồn tại “khoảng cách” với Gen Z

Khi đất nước bước vào giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, các vùng kinh tế trọng điểm (như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ) trở thành nơi tập trung vốn đầu tư, nguồn lực phát triển, kéo theo nhu cầu nhân sự trẻ và chất lượng cao ngày càng lớn.

Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, lại có tỉ lệ ứng viên trẻ rất thấp. Điển hình như việc làm Gia Lai chỉ có 7,4% ứng viên thuộc Gen Z hay Lai Châu (6,5%), Quảng Bình (6,6%) và Hòa Bình (6,9%) cũng ghi nhận tỉ lệ ứng viên trẻ ở mức thấp.

Sự phân hóa rõ nét về tỉ lệ Gen Z ứng tuyển là một biểu hiện cho hiện tượng “chảy máu chất xám” khi những người trẻ có học vấn cao, sau quá trình học tập tại các thành phố lớn, không quay trở về địa phương làm việc do thiếu cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc kém năng động. Đây là lý do chính khiến lực lượng Gen Z dù đang ngày càng đông đảo trong xã hội nhưng ở các vùng kinh tế khó khăn, sự hiện diện của họ vẫn mờ nhạt.

Nhìn chung, sự phân hóa mạnh mẽ trong tỉ lệ ứng viên Gen Z giữa các thành phố lớn và các tỉnh thành khác không chỉ phản ánh sự chênh lệch về kinh tế, mà còn đặt ra bài toán về sự phát triển bền vững của các địa phương. Nếu không có những chiến lược cụ thể nhằm đa dạng hóa cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng sống và cải thiện cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành sẽ khó tránh khỏi tình trạng “khát” nguồn lao động trẻ trong dài hạn.

Châu Thanh

Nguồn: JobsGo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI