“Miếu chị Tuyết” và chiêu trò mê tính móc túi người xem

24/07/2025 - 07:39

PNO - Niềm tin chỉ có giá trị khi đi với hiểu biết. Trong một thế giới thuật toán có thể đạo diễn cảm xúc thì tỉnh táo phải là trách nhiệm công dân.

Không cần bảng tên chính thức, không cần nguồn gốc thờ tự rõ ràng, không cần xác tín văn hóa nhưng một “miếu” giữa hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát (xã Nhà Bè, TPHCM) vẫn có thể trở thành nơi hàng trăm người đổ về cầu cúng chỉ sau vài video TikTok lan truyền.

Cái tên “miếu chị Tuyết” được dựng lên như một biểu tượng tâm linh tự phát, gắn liền với những câu chuyện hư cấu nhưng giàu yếu tố cảm xúc rằng “chị” từng giúp người qua đường, từng linh ứng cứu mạng, nay hiển linh và… đặc biệt thích cà phê sữa đá cùng hoa hồng đỏ. Những ai đến cúng được khuyên nên dâng đúng “gu chị” thì điều cầu xin mới dễ được chấp thuận.

Nhưng điều đáng nói không nằm ở việc người dân thắp nhang hay tìm kiếm sự an ủi mà ở chỗ: một hệ sinh thái thao túng niềm tin đã được vận hành trơn tru như một chiến dịch tiếp thị, nơi người khấn là khách hàng, “chị Tuyết” là thương hiệu, và TikTok trở thành “kênh phân phối” niềm tin đại chúng.

Một mô hình tâm linh được thiết kế bằng kỹ thuật truyền thông số

Không khó để nhận ra cấu trúc vận hành phía sau “miếu chị Tuyết” là một mô hình tiếp thị bài bản: xây dựng hình tượng nhân vật (persona), kể chuyện cảm xúc (storytelling), định vị thương hiệu cá nhân hóa (brand humanization), và cuối cùng, chốt sale bằng dịch vụ cúng giùm, quay clip dâng lễ gửi lại cho người chuyển khoản.

TikToker - người loang tin về sự “hiển linh” nhanh chóng mở “dịch vụ dâng lễ online”, nhận tiền cúng từ người ở xa, rồi mặc đồ nghi lễ, quay lại toàn bộ quá trình cúng bái tại miếu như một gói dịch vụ trọn gói từ lễ vật, lời khấn cho người ủy thác. Không gian vốn thuộc về sự tĩnh lặng tâm linh giờ đây bị biến thành sân khấu cho một loại “nghi lễ biểu diễn” được số hóa và thương mại hóa tinh vi.

Cần nói rõ đây không còn là tín ngưỡng dân gian. Đây là một mô hình niềm tin được tạo dựng, đạo diễn, và lan truyền có chủ đích, lợi dụng khoảng trống nhận thức và cảm xúc bất an của xã hội để sinh lời.

(Phản ứng của cư dân mạng về hiện tượng Miếu Chị Tuyết thời gian gần đây)
Phản ứng của cư dân mạng về hiện tượng "Miếu Chị Tuyết" thời gian gần đây

Hiệu ứng đám đông và cơ chế lan truyền của thời đại số

Khác với các hiện tượng tâm linh truyền thống vốn hình thành qua thời gian, được cộng đồng xác tín và lưu truyền bằng lịch sử sống, “miếu chị Tuyết” là sản phẩm của thuật toán và thị hiếu cảm xúc. Các video khấn vái, kể chuyện linh ứng, gắn nhạc nền huyền bí… liên tục xuất hiện trong mục đề xuất của TikTok, dẫn đến hiệu ứng cộng hưởng.

Điều nguy hiểm không nằm ở một video đơn lẻ mà ở sức mạnh đồng thuận giả tạo (false consensus): khi hàng trăm người cùng chia sẻ “chị Tuyết linh lắm”, hàng ngàn người xem clip khóc khi cầu được ước thấy thì người sau khó lòng giữ được sự tỉnh táo. Niềm tin không còn là sản phẩm của hiểu biết mà trở thành phản xạ theo đám đông. Mỗi người không còn khấn nguyện cho riêng mình mà đang vô thức tham gia vào một kịch bản lan truyền niềm tin do người khác thiết kế.

“Miếu chị Tuyết” chỉ là lát cắt hiện tại của một bài toán cũ: mê tín dị đoan đội lốt tín ngưỡng. Năm 2010, dư luận từng chấn động với vụ “tượng Phật bật khóc” ở Hà Nội được xác minh là do ống dẫn nước ngụy trang. Giai đoạn 2018 - 2020, mạng xã hội từng tràn lan hiện tượng livestream gọi hồn, nhập xác, phán nghiệp, rao bán bùa chú. Tất cả dưới vỏ bọc “tâm linh” nhưng thực chất là mô hình kiếm tiền bằng nội dung gây ám ảnh.

Vụ việc nghiêm trọng nhất là “thỉnh vong chùa Ba Vàng” năm 2019, nơi các hoạt động thỉnh oán, giải nghiệp được thu phí hàng triệu đồng/lần đã buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền phải can thiệp. Tất cả đều cho thấy khi tín ngưỡng không còn được kiểm soát bằng đạo đức và luật pháp, nó dễ trở thành công cụ thao túng con người.

Câu hỏi đặt ra: Ai chịu trách nhiệm bảo vệ niềm tin cộng đồng?

Phản ứng gần đây của công an địa phương khi tháo dỡ bảng tên trái phép, kiểm tra hoạt động tại khu vực là cần thiết. Nhưng đó mới chỉ là phần ngọn. Bởi nếu không có một cơ chế giám sát tổng thể các hoạt động tâm linh tự phát trong không gian mạng, nếu tiếp tục để truyền thông xã hội vận hành niềm tin thay cho giáo dục, thay cho cộng đồng tôn giáo chính thống thì những “miếu chị Tuyết” khác sẽ tiếp tục xuất hiện - mỗi lần tinh vi hơn, viral hơn, khó kiểm soát hơn.

Quản lý tín ngưỡng không đồng nghĩa với đàn áp tôn giáo. Ngược lại, đó là hành động bảo vệ những giá trị tâm linh đích thực khỏi bị thương mại hóa và lạm dụng. Khi lòng tin bị xé nhỏ và rao bán dưới dạng clip dâng lễ quay sẵn, xã hội sẽ mất đi nền tảng văn hóa tinh thần, còn người dân sẽ mất khả năng phân biệt giữa thành tâm và ngây thơ.

Tâm linh là một phần căn cơ của văn hóa Việt, là điểm tựa đạo đức cho nhiều thế hệ. Nhưng tín ngưỡng nếu không có tri thức dẫn đường sẽ dễ bị thao túng thành mê tín. Khi người ta tin vào một “chị Tuyết” vô danh, không gốc tích chỉ vì thấy trên mạng có nhiều người tin thì niềm tin đã bị lập trình hóa.

Cầu an là nhu cầu chính đáng. Tìm chốn nương tựa tinh thần là điều tự nhiên. Nhưng dâng lễ theo công thức lan truyền, chuyển khoản để người lạ “cúng giùm” qua video TikTok, đó không phải là tín ngưỡng mà là sự phó mặc nguy hiểm.

Đã đến lúc chúng ta cần khẳng định: niềm tin chỉ có giá trị khi nó đi kèm với hiểu biết và minh triết. Và trong một thế giới đầy biến ảo, nơi thuật toán có thể đạo diễn cảm xúc thì tỉnh táo phải là trách nhiệm công dân, là đạo đức xã hội, là sự trưởng thành văn hóa.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI