Giá xăng dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao

18/07/2022 - 07:40

PNO - Khi giá xăng dầu tăng mạnh, giá nhiều mặt hàng lập tức tăng theo. Thế nhưng, hiện nay dù giá xăng dầu vừa được điều chỉnh giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng lại không giảm theo.

 

Giá nhiều mặt hàng ở chợ Hòa Hưng hiện vẫn đứng ở mức cũ - ẢNH: T.HOA
Giá nhiều mặt hàng ở chợ Hòa Hưng hiện vẫn đứng ở mức cũ - Ảnh: T.Hoa

Chỉ dầu ăn, bột ngọt giảm giá

Ở TPHCM, dù giá xăng đã được điều chỉnh giảm đến hơn 3.000 đồng/lít nhưng hầu hết mặt hàng ở các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống hiện vẫn ở mức giá cũ, trừ dầu ăn, bột ngọt. 

Chị Nhi - chủ tiệm tạp hóa Thiện trong chợ An Đông, Q.5 - cho biết thời gian qua, dầu ăn tăng giá mạnh nhất. Hiện hầu hết hãng sản xuất dầu ăn đều giảm giá 2.000-3.000 đồng/lít khi cung ứng cho các đại lý. Theo đó, giá dầu Simply và Neptune giảm 2.500 đồng/lít, xuống còn 62.500 đồng/lít; dầu Orchid giảm 2.000 đồng/lít, còn 40.000 đồng/lít;  dầu Meizan Gold giảm 2.000 đồng/lít, còn 48.000 đồng/lít; dầu Cái Lân giảm 3.000 đồng/lít, còn 40.000 đồng/lít. 

Một số loại bột ngọt cũng giảm giá 1.000 đồng/kg: giá bột ngọt Ajinomoto hạt nhỏ giảm còn 60.000 đồng/kg; bột ngọt Vedan hạt lớn còn 59.000 đồng/kg. “Trừ dầu ăn và bột ngọt, mọi mặt hàng gia vị, nước chấm, đồ hộp, đồ khô, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm trước đó tăng giá từ 1.000-7.000 đồng/sản phẩm tùy loại; trong đó, bột mì, đường cát tăng 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện các sản phẩm này vẫn đứng giá, chưa giảm, nhưng đại lý được nhà sản xuất tặng sản phẩm đi kèm. Ví dụ, khi nhập một thùng nước tương, đại lý được tặng một chai nước tương nhỏ; khi nhập các loại bột nêm thì được tặng chén dĩa” - chị Nhi nói. 

Chị Kim Duyên - chủ sạp tạp hóa Kim Duyên trong chợ Tân Định, Q.1 - cho hay dù giá dầu ăn và bột ngọt có giảm nhưng mức giảm chưa nhiều so với mức tăng trước đó. Chẳng hạn so với năm 2020 và 2021, giá dầu ăn Cái Lân vẫn cao gấp đôi, giá dầu ăn các nhãn hiệu khác tăng từ 30 - 45%. Do đó, sức mua hàng hóa vẫn còn khá thấp. Chị Duyên cho rằng giá dầu ăn giảm là do giá dầu cọ thế giới giảm chứ không phải do giá xăng giảm. 

Một số tiểu thương kinh doanh rau, củ ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, giá một số loại rau từ tỉnh Lâm Đồng đã giảm nhẹ do chi phí vận chuyển giảm theo giá xăng dầu. Thường thì giá rau, củ ở các chợ lẻ giảm chậm hơn so với chợ đầu mối.

Giá hàng hóa phụ thuộc nhiều yếu tố 

Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào giá xăng dầu. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, người ta quy kết sự tăng giá các mặt hàng là do giá xăng dầu tăng. Thực ra, giá xăng dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này. Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%.

Đối với những sản phẩm có tỷ trọng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cao thì khi giá nguyên liệu tăng, cước vận tải tăng, giá sản phẩm mới bị tác động nhiều. Chẳng hạn, giá dầu ăn đang giảm là do giá nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật trên toàn cầu đã giảm gần 30% từ khi Indonesia cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ trở lại từ ngày 23/5. Hiện 90% nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật phải nhập khẩu, giá nguyên liệu giảm thì giá dầu cũng giảm. Không chỉ có dầu ăn, hiện phần lớn nguyên liệu sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu, khoảng 300 tỷ USD/năm, tương đương gần 100% GDP (GDP năm 2021 đạt 362 tỷ USD). Thời gian qua, giá nhập khẩu tăng từ 5 - 7%, giá cước vận chuyển đường biển cũng tăng 30 - 40% nên giá nhiều mặt hàng phải tăng theo. 

Ông Vũ Đình Ánh phân tích: “Giá hàng hóa không thể tăng, giảm theo kiểu 1-1, tức giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa cũng giảm theo. Điều này chỉ diễn ra trong nền kinh tế tập trung. Nền kinh tế hiện nay là kinh tế thị trường, sự tăng giảm giá là theo chuyển động của thị trường. Giá hàng hóa trên thế giới bắt đầu tăng từ năm 2020-2021. Ở Việt Nam, giá hàng hóa bắt đầu tăng từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 là do tiền đồng Việt Nam vẫn lên giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác, giúp giảm áp lực tăng giá trong nước. Hiện nay, do tác động từ nhiều phía nên giá hàng hóa phải tăng để bù vào giá nhập khẩu. Khi giá nguyên liệu trên thế giới chưa ổn định thì giá các mặt hàng trong nước vẫn tiếp tục biến động”. 

Còn theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), thời gian qua, đã có sự “ăn theo” giá xăng dầu để tăng giá bán hàng hóa nhằm tăng thêm lợi nhuận và neo luôn mặt bằng giá mới, không chịu giảm theo giá xăng dầu: “Giá hàng hóa neo cao một phần là do người tiêu dùng vẫn chấp nhận mức giá đó, tạo điều kiện cho người kinh doanh tăng giá. Người tiêu dùng cần có sự chuyển biến trong nhận thức tiêu dùng, thay vì chọn sản phẩm khan hiếm, có giá cao thì nên chọn sản phẩm có giá phù hợp. Có như vậy, các đơn vị tăng giá hàng hóa “ăn theo” giá xăng phải điều chỉnh giá”.

Ông Ngô Trí Long cho rằng, bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về giá nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát. 

Giá xăng có thể giảm thêm 3.000-4.000 đồng/lít
Giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh trong những ngày qua có thể giúp giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm mạnh trong đợt điều hành giá xăng dầu ngày 21/7 tới.

Theo Bộ Công thương, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cuối tuần qua liên tục giảm. Cụ thể, giá xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5RON92) bình quân 114,45 USD/thùng; giá xăng RON95 là 120,55 USD/thùng, giảm bình quân gần 20 USD/thùng. Theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, dựa theo diễn biến giá thế giới, ở kỳ điều hành tới, nếu cơ quan quản lý không trích lập quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng có thể giảm 3.000 - 4.000 đồng/lít. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI