Đừng để quần áo trở thành rác thải

07/01/2023 - 18:36

PNO - Cuối năm, nhiều người bắt đầu dọn dẹp tủ quần áo và rủ nhau mua đồ mới. Quần áo cũ được đem đi cho, gửi đến các tổ chức từ thiện hoặc vứt bỏ khiến lượng rác thải thời trang gây hại cho môi trường tăng nhanh.

Khi dọn dẹp  tủ quần áo,  cần cố gắng phân loại quần áo thành  4 nhóm: tặng cho, bán lại, tiếp tục sử dụng và cuối cùng mới là vứt bỏ -  ẢNH: GETTY IMAGES
Khi dọn dẹp tủ quần áo, cần cố gắng phân loại quần áo thành 4 nhóm: tặng cho, bán lại, tiếp tục sử dụng và cuối cùng mới là vứt bỏ - Ảnh: Getty Images

Theo trang Earth.org, trong số 100 tỉ sản phẩm may mặc được sản xuất mỗi năm, 92 triệu tấn được đưa đến các bãi chôn lấp. Nghĩa là mỗi giây lại có 1 chiếc xe chở đầy quần áo đổ về các bãi rác. Nếu xu hướng tiếp tục, số lượng rác thải thời trang nhanh dự kiến sẽ tăng vọt lên tới 134 triệu tấn mỗi năm vào cuối thập niên này.

Katrina Caspelich - Giám đốc tiếp thị của Remake, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu ủng hộ trả lương công bằng và công lý về khí hậu trong ngành may mặc - cho biết: “Mọi người thường mua rất nhiều quần áo và nghĩ rằng họ sẽ quyên góp chúng nếu không còn sử dụng. Nhưng điều đó không đúng”.

Trên thực tế, một phần lớn quần áo quyên góp thường không phù hợp để người khác mặc. Những bộ quần áo không dùng đến có thể trở thành vấn đề đối với môi trường nếu chúng được vận chuyển ra nước ngoài hoặc tệ hơn là đốt, chôn lấp như rác thải.

Tại bãi biển Chorkor gần Thủ đô Accra của Ghana - một trong những nhà nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới - từng lớp quần áo cũ xuất xứ từ các quốc gia giàu có dồn đóng thành một bức tường cao hơn 2m. Ông Solomon Noi - người đứng đầu bộ phận quản lý chất thải của thành phố - cho biết, 40% quần áo đã qua sử dụng cập cảng Accra không được tái sử dụng hoặc tái chế mà chỉ trở thành rác.

Ông nói: “Chính phủ Ghana không có tiền và cơ sở hạ tầng để xử lý rác thải từ nước ngoài”. Đó là một thảm họa tích lũy qua nhiều thập niên, khi quần áo ngày càng trở nên rẻ hơn, phong phú hơn và dễ bị bỏ đi hơn.

Đầu năm 2013, H&M trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên bắt đầu chương trình thu gom quần áo đã qua sử dụng trên toàn cầu, thiết lập các thùng rác tại hàng ngàn cửa hàng ở hơn 40 quốc gia. Các chuỗi thời trang nhanh lớn khác như Mango, Primark và Zara cũng noi theo với các chiến dịch của riêng họ.

Nhưng điều không chiến dịch nào thừa nhận là thực tế, ngành công nghiệp tái chế hàng dệt may đã qua sử dụng thành quần áo mới hoàn toàn không tồn tại. Theo quỹ Ellen MacArthur - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh trên toàn cầu, chưa đến 1% quần áo đã qua sử dụng thực sự được làm lại thành quần áo mới.

Mark Burrows Smith - Giám đốc điều hành của Tổ chức Dệt may tái chế quốc tế - nhận xét: “Tất cả hàng dệt may, dù mới hay tái chế, cuối cùng sẽ bị đưa vào bãi rác. Vì vậy, điều quan trọng là giữ cho quần áo được sử dụng càng lâu càng tốt”.

Đối với người tiêu dùng, hãy đảm bảo quần áo của bạn ở tình trạng tốt nhất có thể trước khi quyên góp và có ý thức về môi trường khi mua sắm. Đồng thời hãy nhớ rằng, quyên góp không phải là cách duy nhất để tăng vòng đời của quần áo mà cần nhiều cách khác. Ví dụ, nếu một chiếc áo phông bắt đầu trông xỉn màu, bạn có thể mặc nó như một chiếc áo ngủ hoặc áo khoác làm việc ngoài trời. Khi không thể mặc được nữa, bạn có thể tận dụng nó như một miếng giẻ lau. 


Linh La (theo Washington Post, SCMP, Guardian, Stuff)

\

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI