Đưa sách báo về tận khu dân cư

24/02/2016 - 18:06

PNO - Phòng đọc sách cộng đồng P. Bình Trưng Tây, Q.2, TP. HCM trở thành ngôi nhà chung của nhiều chị em hội viên, phụ nữ và học sinh trên địa bàn.

Dua sach bao ve tan khu dan cu
Rất đông cán bộ, hội viên P.Bình Trưng Tây, Q.2 đến phòng đọc sách cộng đồng vào cuối tuần

Đầu sách phong phú, cộng với sự nhiệt tình, tận tâm của những "nhân viên không lương" đã đưa phòng đọc sách cộng đồng P. Bình Trưng Tây, Q.2, TP. HCM trở thành ngôi nhà chung của nhiều chị em hội viên, phụ nữ (HV, PN) và học sinh trên địa bàn.

"Mừng quá trời!"

Sáng cuối tuần, hơn 20 dì, chị HV và các em học sinh chăm chú ngồi đọc sách trong căn phòng rộng rãi, thoáng mát tại Trung tâm Học tập cộng đồng P.Bình Trưng Tây, Q.2. Một chị chìa tờ báo Phụ Nữ hồ hởi gợi chuyện: “Chị em đọc thử mấy bài này nè, tui thấy có nhiều ý kiến đáng quan tâm lắm”. Các dì, chị chụm đầu lại cùng đọc, bàn luận rôm rả.

Chị Nguyễn Thị Lý (SN 1962, HV Chi hội PN khu phố 3) chia sẻ : “Thay vì đọc sách, báo ở nhà một mình, chúng tôi thích ra đây để chia sẻ cùng nhau, nhờ đó mà “bỏ túi” nhiều kinh nghiệm hay trong mua sắm, nấu nướng. Phòng đọc có báo và nhiều đầu sách về nữ công gia chánh, trưa nào tôi cũng ghé đọc để có thêm kiến thức”. Cụ Trần Thị Phụt (SN 1932, HV Chi hội PN khu phố 4) cho biế t: “Có phòng đọc này, tôi mừng quá trời. Tôi thích nhất sách lịch sử và thơ. Mắt còn tốt nên tuần nào tôi cũng ra đây ba-bốn ngày, ngồi đọc tới chừng nào cô quản lý đóng cửa mới về”.

Bé Nguyễn Ngọc Phương Nhi (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2) có mặt trước cửa phòng đọc sách cộng đồng khi đồng hồ mới điểm 7g sáng. Tranh thủ ngày Chủ nhật, có ba ở nhà chăm sóc em nên Nhi chạy một mạch ra đây dù chưa kịp ăn sáng. Nhà Nhi nghèo, mẹ đi bán khoai lang, ba là nhân viên bảo vệ. Nhi bị bệnh vẩy nến từ nhỏ, nhưng cô bé hòa đồng với bạn bè và học rất giỏi. Sau giờ lên lớp, Nhi thay mẹ chăm sóc cậu em trai mới tròn tuổi. Nhi bảo rất thích đọc sách, mê truyện tranh, truyện cổ tích.

Nhi kể : “Con không có tiền thuê hay mua sách nên thường mượn sách của bạn đọc ké. Cứ rảnh giờ nào là con chạy ra đây, muốn đọc bao nhiêu cũng được. Các cô, dì trong coi phòng đọc còn mua đồ ăn sáng, sữa cho con uống nữa”. Bé Đỗ Anh Thưởng học cùng trường, chia sẻ : “Trước đây, con nhịn ăn sáng lấy tiền thuê truyện đọc. Giờ thì hết phải nhịn rồi. Phòng nhiều sách lắm, lại có thêm chỗ tô tượng nên con rất thích”.

Ngôi nhà "n trong 1"

Tháng 10/2013, UBND và Hội LHPN P.Bình Trưng Tây khánh thành phòng đọc sách miễn phí tại Trung tâm Học tập cộng đồng của phường. Kinh phí xây dựng 55 triệu đồng do GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM tài trợ. Nơi đây được trang bị máy tính, máy lạnh, bàn, ghế ngồi đọc phù hợp với tầm mắt của từng lứa tuổi.

Trên các kệ có báo Phụ Nữ và khoảng 700 đầu sách với hơn 3.000 cuốn (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) về các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, tin học, khuyến nông, pháp luật… Dù theo lịch, mỗi ngày phòng mở cửa đến khoảng 17, 18g nhưng thường thì 20g vẫn còn người nán lại đọc.

Bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1953, Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 1), quản lý phòng đọc chia sẻ: “Tôi nhớ hoài hình ảnh những cụ bà lưng còng, đi lại khó khăn mà bữa nào cũng có mặt tại phòng đọc từ rất sớm, những em bé bán vé số mặt mày lấm lem bụi đất vẫn say sưa ngồi đọc sách vào giờ trưa.

Một số HV, PN tuy bận rộn chợ búa, buôn bán nhưng luôn nhiệt tình ghé phụ tôi sắp, xếp sách, báo, chuẩn bị nước, bánh kẹo. Làm không lương mà thấy mọi người tìm đến phòng đọc ngày càng đông và ai cũng say mê đọc sách, chúng tôi rất phấn khởi”.

Dua sach bao ve tan khu dan cu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI