Để “nhạc rác” không còn đất sống

15/05/2025 - 06:28

PNO - Nhạc Việt đang hiện diện khắp nơi - trên sân khấu lớn, tiệm cà phê, quán ăn, shop thời trang, các không gian công cộng khác và trong nhiều gia đình. Cùng với sự lan tỏa ấy là nỗi lo về việc ngày càng nhiều ca khúc có ca từ phản cảm.

Sáng tạo nghệ thuật cần tự do nhưng tự do không đồng nghĩa buông thả. Trong bối cảnh văn hóa đại chúng đang bị thị trường hóa mạnh mẽ, nghệ sĩ càng cần giữ vững bản lĩnh để không đánh đổi giá trị nghệ thuật chỉ vì hiệu ứng tức thời. Với nghệ sĩ, lòng tự trọng không chỉ là danh dự cá nhân mà còn là cam kết đạo đức với công chúng, đặc biệt là người trẻ. Một nghệ sĩ có trách nhiệm luôn biết đặt câu hỏi trước khi phát hành tác phẩm, chẳng hạn: “Tôi đang đưa ra điều gì? Ai sẽ nghe? Tác động xã hội của nó sẽ ra sao?”. Việc dễ dãi trong ca từ, chiều theo thị hiếu công chúng chỉ để câu view không thể được biện minh bằng lý do “muốn thể hiện cá tính”. Bởi lẽ, làm nghệ thuật đâu chỉ là thể hiện bản thân mà còn là tạo ảnh hưởng. Ở đó, mỗi câu chữ thiếu trách nhiệm đều có thể gieo mầm lệch lạc cho tâm hồn người nghe.

Ca khúc Sự nghiệp chướng bị chỉ trích do có ca từ phản cảm
Ca khúc Sự nghiệp chướng bị chỉ trích vì ca từ phản cảm

Nghệ sĩ trẻ là tương lai của nền âm nhạc. Hành trình của họ còn dài và những bước đi đầu tiên sẽ quyết định họ đi được bao xa. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi 1 bản hit dễ dãi có thể mang lại ánh hào quang tạm thời, nhưng quan trọng hơn vẫn là thái độ làm nghề nghiêm túc, bản lĩnh và lòng tự trọng. Sự sáng tạo bền vững chỉ có được khi nghệ sĩ biết rèn luyện tư duy và đặt ra những câu hỏi đạo đức trước mỗi sản phẩm. Một ca khúc có thể đạt hàng triệu lượt xem nhưng điều gì sẽ còn lại sau đó? Khán giả có thể quên nhanh 1 bản hit nhưng sẽ nhớ lâu về những nghệ sĩ tử tế, trách nhiệm và dám trưởng thành cùng âm nhạc. Làm nghệ thuật là hành trình dấn thân và cũng là hành trình giữ gìn. Giữa vòng xoáy thị trường, chỉ lòng tự trọng mới giúp nghệ sĩ đứng vững, giữ cho nghệ thuật không bị biến thành thứ hàng hóa rẻ tiền.

Đối diện với sự lan tràn của “nhạc rác”, công chúng không thể mãi im lặng hay tiếp tục đổ lỗi cho “gu giới trẻ”. Mỗi lượt nghe, mỗi lượt chia sẻ, mỗi lần nhấn vào một ca khúc dung tục đều là sự tiếp tay, dù vô tình. Đã đến lúc chúng ta cần trở thành người nghe có trách nhiệm. Nhiều bậc phụ huynh, nhà giáo dục và chuyên gia văn hóa không ít lần cảnh báo về hệ lụy của thứ âm nhạc lệch chuẩn: thẩm mỹ lệch lạc, cảm xúc bị bạo lực hóa, ngôn ngữ trở nên cộc cằn và trẻ nhỏ ngày càng khó phân định đúng - sai trong đời sống tinh thần. Không thể phủ nhận những ca khúc gây tranh cãi thường có giai điệu bắt tai, dễ nhớ. Chính điều đó khiến nhiều người dễ bỏ qua lời hát, chỉ đơn giản “nghe cho vui”. Nhưng, một cú “nhấn play” vô tư có thể góp thêm một con số vào bảng xếp hạng, đưa ca khúc lên “top trending” và vô tình củng cố chỗ đứng cho thứ âm nhạc đáng lo ấy.

Nghe nhạc là quyền cá nhân nhưng nó cần được sử dụng bằng nhận thức. Khi nhạc rác tràn lan, xã hội cần nhiều hơn những người nghe tỉnh táo, vì một nền âm nhạc tử tế. Trong bối cảnh luật pháp chưa đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn các sản phẩm lệch chuẩn, công chúng là hàng rào đầu tiên và quan trọng nhất. Một khi người nghe mạnh dạn nói “không”, dám yêu cầu gỡ bỏ, dám từ chối chia sẻ, “nhạc rác” mới không còn đất sống.

Ngọc Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI