Đàn ông không chỉ xây nhà…

18/12/2020 - 07:01

PNO - Trước sự thay đổi của thời đại, sự biến thiên của xã hội, gia đình với các mối quan hệ và giá trị truyền thống đã thay đổi nhanh chóng, nhất là khi công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ.

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình phát triển tốt thì xã hội tốt. Trước sự thay đổi của thời đại, sự biến thiên của xã hội, gia đình với các mối quan hệ và giá trị truyền thống đã thay đổi nhanh chóng, nhất là khi công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ. 

Những thay đổi đó đặt ra nhiều thách thức cho việc giữ vững nền tảng gia đình, cũng là nền tảng xã hội, mà nếu đánh mất sẽ là hệ lụy khó lường. Đó cũng là những vấn đề đặt ra trong hội thảo khoa học “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 17/12 với mong muốn cùng nhìn nhận lại những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, cũng như tìm ra giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Càng hiện đại càng cách xa

Theo ông Trần Thanh Phương (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM), có một nghịch lý là xã hội càng tiện nghi, càng hiện đại thì mối quan hệ ứng xử trong gia đình lại càng kém bền chặt. Người lớn cứ mải miết chạy theo công việc, sự nghiệp, thăng tiến và mở rộng các mối quan hệ xã hội để tìm cơ hội cho bản thân. Những chuyến công tác, những buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ… ngày càng nhiều, nhiều hôm về đến nhà thì mọi người trong gia đình đã ngủ. Mọi việc trong nhà đã có người giúp việc quán xuyến. Gia đình vô tình trở thành “quán trọ” và các thành viên là “khách trọ”. Những “khách trọ” này đôi khi cũng không muốn quay về vì nơi đó thiếu hơi ấm gia đình.

Những năm qua, TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động phát huy gia đình truyền thống
Những năm qua, TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động phát huy gia đình truyền thống

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng phân tích về những tác động của lối sống hiện đại đến mô hình gia đình truyền thống: “Gia đình ngày nay ít người hơn, không phổ biến kiểu tam đại, tứ đại đồng đường như trước mà thường là gia đình hạt nhân. Các bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên cũng thưa vắng dần và quan hệ gia đình lỏng lẻo hơn. Không ít người lớn tuổi lâm vào tình cảnh cô đơn trong ngôi nhà của mình. Cũng không ít trẻ nhỏ ở trường suốt ngày, về nhà thì lại dán mắt vào màn hình, giao tiếp ảo ảnh hưởng tới giao tiếp thật”.

Bên cạnh gia đình hạt nhân thì những gia đình khuyết thiếu thành viên với những ông bố, bà mẹ đơn thân, thậm chí gia đình chỉ có “ta với ta” của những người theo “chủ nghĩa độc thân” cũng ngày càng phổ biến. Bà Đặng Hồng Linh - nguyên Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho rằng đã đến lúc có đánh giá và nhìn nhận toàn diện về cấu trúc kiểu gia đình này để có phương hướng tuyên truyền phù hợp, phát huy mọi thành phần cùng tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc.

Phải là sự cộng hưởng, sẻ chia

Người ta thường nói “đàn ông xây nhà - đàn bà xây tổ ấm”, nhưng trong xã hội hiện đại không ít phụ nữ có thể tự “xây nhà”, phải chăng vì thế mà vai trò của người đàn ông hiếm khi được đề cập đến trong các diễn đàn về xây dựng gia đình hạnh phúc? Và trong nhiều hội thảo về “xây dựng gia đình hạnh phúc…” cũng thiếu vắng những tham luận, những ý kiến phân tích cụ thể về vai trò, đóng góp của người đàn ông trong việc “giữ lửa” gia đình.

 

Xây dựng gia đình hạnh phúc cần sự cộng đồng trách nhiệm trước tiên của người chồng, người vợ và các thành viên trong gia đình
Xây dựng gia đình hạnh phúc cần sự cộng đồng trách nhiệm trước tiên của người chồng, người vợ và các thành viên trong gia đình

Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Trần Thị Diệu Bình (Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, mặc dù phụ nữ hiện đại giỏi giang và mạnh mẽ, nhiều người vẫn có thể “xây nhà” không thua kém các anh, nhưng: “Khi nhà đột ngột hư hỏng hay có sự cố gì lúc nửa đêm mà không có đàn ông thì rất cực cho người phụ nữ. Đôi khi không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Vấn đề nuôi dạy con cũng vậy, người phụ nữ chăm chút chuyện ăn uống, theo dõi chuyện học hành, dạy dỗ nết ăn nết ở thì phần rèn luyện bản lĩnh, cốt cách cho đứa con trưởng thành vẫn cần sự góp mặt của người đàn ông”.

Ông Lâm Hữu Đức - Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cho rằng hiện nay nhiều phụ nữ lựa chọn làm bà mẹ đơn thân, có thể tự tạo hạnh phúc cho mình, nhưng đổi lại người đàn ông sẽ rất khó vì thiếu những thiên chức chỉ có người phụ nữ có được. “Để có một gia đình trọn vẹn đúng nghĩa phải có bàn tay chăm sóc của phụ nữ, đó là sự vun vén, lo lắng, yêu thương vốn được quy định từ giới tính nữ mà người đàn ông dù có tài giỏi đến đâu vẫn không thể thay thế. Nhưng trách nhiệm của người đàn ông là phải gánh vác gia đình, tạo điểm tựa vững chắc cho người vợ. Điều đó không đồng nghĩa với việc anh chỉ biết kiếm tiền về đưa cho vợ là xong, mà phải có sự cộng hưởng, sẻ chia trách nhiệm trong mọi việc, kể cả việc trông con, phụ vợ làm việc nhà”, ông Đức nêu ý kiến.

Vai trò của người dàn ông cò n là sự dồng hành cùng người bạn dời trong mọi việc: trụ cột kinh tế, chia sẻ việc nhà và dặc biệt là nuôi dạy con cái!
Vai trò của người đàn ông còn là sự đồng hành cùng người bạn đời trong mọi việc: trụ cột kinh tế, chia sẻ việc nhà và đặc biệt là nuôi dạy con cái!

Bà Đặng Hồng Linh luôn đánh giá cao những đúc kết của người xưa, bên cạnh việc “đàn ông là trụ cột gia đình” còn có “đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn” thể hiện đầy đủ đặc trưng giá trị truyền thống gia đình phương Đông và Việt Nam. Ngôi nhà có hiện đại cỡ nào cũng phải có một cái “cột”, một cái “kèo” chống đỡ, làm điểm tựa cho mái nhà yên ấm.

“Mình không đả phá bà mẹ đơn thân nhưng giá như con cái có cha mẹ vẫn tốt hơn. Và trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc truyền tải được những giá trị cốt lõi truyền thống gia đình Việt Nam là trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ. Nếu người mẹ cho con sự bao dung dịu dàng, sự vị tha thì người cha sẽ cho con sự mạnh mẽ, đối mặt trước những thử thách và sự mạnh mẽ khẳng định vượt lên trong cuộc sống. Song song đó, càng phải chú ý vấn đề bình đẳng giới khi không phó mặc chuyện chăm sóc con cái cho người phụ nữ trong gia đình mà phải có sự tham gia của người đàn ông. Cha mẹ chính là hình mẫu con cái nhìn vào đấy để xây dựng gia đình của mình sau này, cho nên vai trò của người đàn ông cần có là sự đồng hành cùng người bạn đời trong mọi việc: trụ cột kinh tế, chia sẻ việc nhà và đặc biệt là nuôi dạy con cái!” - bà Đặng Hồng Linh bày tỏ.

 Tam Bình 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI