Đặc sản vùng miền vào mùa tết

11/01/2022 - 06:13

PNO - Dù giá nguyên vật liệu tăng, sức mua giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các nhà sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì số lượng khá nhiều mặt hàng đặc sản với hy vọng sức mua sẽ tăng cao vào cận tết.

Bà Hồ Thị Ái Hóa - Tổng Giám đốc Công ty Hoa Doanh (chuyên sản xuất, kinh doanh các đặc sản vùng miền) - cho biết tết năm nay, công ty vẫn duy trì khoảng 50 chủng loại đặc sản vùng miền, như chả cá chiên, chả cá hấp Quy Nhơn; chả ram tôm đất, chả cốm, chả ốc Hà Nội; thịt cua đồng Đồng Tháp; cá dứa một nắng... Nhiều sản phẩm được thay đổi về kiểu dáng để phù hợp với ý nghĩa năm mới. Chẳng hạn, sản phẩm chả cá chép (sử dụng thịt cá ba sa tạo hình cá chép) năm trước bán khá tốt dịp lễ cúng ông công ông táo nên năm nay, sản phẩm này được tạo thêm hình đồng tiền, thêm chủng loại chả tam sắc gồm chả cá, chả cốm, chả bắp. 

Đại diện nhiều siêu thị, cửa hàng nhận định, sức mua của người dân ở TP.HCM bắt đầu tăng dần và sẽ tăng mạnh vào dịp cận tết
Đại diện nhiều siêu thị, cửa hàng nhận định, sức mua của người dân ở TPHCM bắt đầu tăng dần và sẽ tăng mạnh vào dịp cận tết

Ông Trần Bá Luận - Chủ cơ sở chế biến cá kho Trần Luận (tỉnh Hà Nam) - cho biết trước nay, cơ sở ông sử dụng cá trắm đen làm nguyên liệu chính cho sản phẩm cá kho Vũ Đại nhưng năm nay, cơ sở sử dụng thêm cá bống, rô đồng, chạch đồng, cá quả, cá diếc… để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn. Cơ sở dự báo, sức tiêu thụ trong nước sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, kênh xuất khẩu cũng gặp khó khăn do việc đi lại giữa các nước vẫn bị hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cao. Cơ sở đã giảm sản lượng từ 12.000-15.000 niêu vào các năm xuống còn 10.000 niêu. “Hiện chỉ mới có vài chục đơn đặt hàng nhưng có thể sức mua sẽ tăng vào dịp cận tết” - ông Trần Bá Luận nhận định.

Theo các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản vùng miền, năm nay, chi phí đầu vào của rất nhiều sản phẩm đều tăng nhưng sức mua được dự báo sẽ giảm nên đa số sản phẩm được giữ nguyên giá bán. Theo bà Hồ Thị Ái Hóa, các nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10% nhưng công ty vẫn giữ nguyên giá bán như tết năm trước. Giá các sản phẩm chả cá tạo hình dao động từ 45.000-55.000 đồng/gói 250 - 300g; chả cá chép gói 200g, 400g có giá lần lượt 55.000, 90.000 đồng/gói. Để tăng doanh số bán hàng, công ty bán khắp cả nước thay vì chỉ tập trung vào thị trường miền Trung, miền Nam. 

Bà Ái Hóa nhận định: “Tết này, sức mua ở TPHCM sẽ tăng bởi người dân sẽ hạn chế về quê, ở lại thành phố đón tết và mua thực phẩm nhiều trong dịp tết. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ cân nhắc chi tiêu, chọn sản phẩm có giá hợp lý. Do đó, nếu tăng giá, sẽ khó tiêu thụ hàng”. 

Cơ sở sản xuất đặc sản Tầm Vu Kim Huệ (tỉnh Long An) là nơi có hơn 70 năm sản xuất lạp xưởng. Bà Kim Huệ - chủ cơ sở - cho biết dịp tết này, cơ sở sản xuất thêm nhiều mặt hàng như nem chua, chả lụa, nem thủ, giò thủ, chả gân. Đơn đặt hàng các sản phẩm hiện tăng hơn 30% so với ngày thường. Bà cho rằng, việc giữ nguyên giá bán sẽ giúp cơ sở tăng doanh số. 

Phân phối đặc sản khắp cả nước, chị Phương Huyền - Chủ cửa hàng Cao Nguyên Đá (tỉnh Hà Giang) - cho biết hiện lượng khách đặt hàng đặc sản tết đang tăng dần. Các sản phẩm như rượu ngô, rượu tam giác mạch, mật ong hoa bạc hà hay các loại thịt trâu, bò, ba chỉ heo, lạp xưởng gác bếp đều bán khá chạy. Nhiều địa phương cũng có miến dong, măng khô, nấm hương, nấm mèo nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng các sản phẩm đến từ các tỉnh vùng cao phía Bắc dù giá một số loại năm nay tăng 10 - 15%: giá thịt trâu gác bếp từ 750.000 tăng lên 800.000 đồng/kg, đồ khô các loại từ 280.000 - 300.000 đồng/kg tăng lên 350.000 đồng/kg... 

Bà Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (tỉnh Kiên Giang) - cho biết lượng sản phẩm khô chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp tết Nhâm Dần là 3 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Dù giá nguyên liệu không tăng nhưng chi phí vận chuyển tăng khá mạnh nên giá toàn bộ mặt hàng khô đều tăng nhẹ từ 5 - 10%. 

Bà Kim Thoa lạc quan: “Hầu hết các gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Các loại đồ khô có giá bình dân, số lượng nhiều, dự trữ được lâu, chế biến được nhiều món nên luôn hút khách.

Người tiêu dùng rục rịch mua sắm đồ tết

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết hệ thống GO! & Big C ghi nhận nhu cầu của khách hàng đang tăng dần, không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt mà còn ở những dòng sản phẩm mùa vụ tết: đồ khô, kẹo, mứt tăng trưởng vượt trội. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống được hệ thống dự đoán sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái và hệ thống này đang đa dạng hóa các loại trái cây ngày tết tùy theo từng đặc điểm vùng miền để phục vụ người tiêu dùng. 

Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam - cho biết đến nay, người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng khi mua sắm, lượng khách hàng và sức mua đều chưa bằng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, với một số dấu hiệu tích cực của thị trường, ông nhận định, sức mua sẽ tăng dần trong thời gian tới, đặc biệt vào giai đoạn cận tết. Bằng chứng là ở khu vực phía Nam, lượng khách đến các trung tâm và siêu thị tăng đều qua từng tuần. Trong dịp tết sắp tới, người dân cũng chưa đi du lịch nhiều mà chủ yếu dành thời gian cho gia đình, đến các khu trung tâm mua sắm, các địa điểm trong hoặc gần TPHCM. Từ các cơ sở đó, AEON Việt Nam sẽ tăng lượng hàng lên khoảng 15%, tập trung vào nhóm thực phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc sản vùng miền, các loại bánh chưng, bánh tét, giỏ quà tết… 

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI