Cơn ác mộng của những nghệ sĩ hàn lâm

16/10/2020 - 11:47

PNO - Đại dịch COVID-19 ập đến khiến cả thế giới lao đao. Trong cơn bão dịch bệnh, những nghệ sĩ hàn lâm mất hàng chục năm khổ luyện, tưởng chừng bắt đầu chạm tay vào ước mơ, bất ngờ bị cuốn vào vòng xoáy với bao mối lo toan thường nhật.

Cô Julia McLean đã mất hàng chục năm theo đuổi bộ môn âm nhạc, trải qua hàng ngàn giờ khổ luyện, căng mình với hàng trăm cuộc thi tài lớn nhỏ.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim", cô đã đón nhận niềm hạnh phúc tột cùng khi nhận được thư chấp thuận cho vị trí nhạc công chơi đàn vĩ cầm chính thức tại Dàn nhạc Giao hưởng Indianapolis vào những ngày đầu năm 2020.

Sau nhiều năm khổ luyện, cô Mclean đã được nhận vào làm việc tại một dàn nhạc giao hưởng lớn hồi đầu năm - Ảnh: Kayana Szymczak/WSJ
Sau nhiều năm khổ luyện, cô Mclean đã được nhận vào làm việc tại một dàn nhạc giao hưởng lớn hồi đầu năm nay. Ảnh: Kayana Szymczak/WSJ

Dù vẫn chưa kịp tốt nghiệp Nhạc viện danh giá Juilliard ở New York, thế nhưng “đột nhiên tôi được ngồi trong dàn nhạc và chơi cùng những cây đa cây đề nổi tiếng, thu nhập hậu hĩnh, khán phòng lộng lẫy, và một tương lai nghệ thuật rộng mở” - cô McLean hồi tưởng.

Và rồi, một ngày tháng Ba không mong đợi đã đến. “Bùm… Tôi tưởng mình đã có mọi thứ. Rồi đột nhiên, tất cả chợt tan biến như bong bóng xà phòng chỉ trong một thời gian ngắn” - cô thở dài, sự tiếc nuối và thất vọng hiện rõ trong ánh mắt.

Cơn sóng COVID-19 đã nhấn chìm mọi loại hình nghệ thuật xuống tận đáy sâu của sự khủng hoảng, âm nhạc cũng không là ngoại lệ. Trước khi xảy ra dịch, ước tính có hơn 630.000 công việc ở Mỹ dành riêng cho giới hành nghề âm nhạc như nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, DJ, nhạc công,... Thế nhưng giờ đây, một nửa trong số họ buộc phải nhìn đống nhạc cụ phủ lớp bụi dày trong bất lực.

Con đường tương lai cho đam mê nghệ thuật của cô McLean tưởng như đã rộng mở cho đến khi COVID-19 tấn công - Ảnh: Jack Halverson/WSJ
Con đường tương lai cho đam mê nghệ thuật của McLean tưởng như đã rộng mở cho đến khi COVID-19 tấn công. Ảnh: Jack Halverson/WSJ

Với âm nhạc cổ điển, tình hình càng trở nên u ám hơn khi tất cả các buổi biểu diễn đều phải hoãn theo các quy định giãn cách xã hội. Thậm chí nhiều nhà hát còn chưa có lịch mở cửa cho đến tận cuối năm 2021, đồng nghĩa với hàng ngàn nhạc công như McLean trở thành những kẻ “bơ vơ không nơi nương tựa” với chính nghề nghiệp của mình.

“Các nhạc công sống bằng đam mê chơi nhạc phục vụ công chúng. Thế mà giờ đây họ bị buộc phải im lặng. Đó là một nỗi đau quá lớn cho tinh thần của họ bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền” - một giám đốc nhà hát chia sẻ.

Để có thể tồn tại qua ngày đoạn tháng trong tình cảnh chênh vênh hiện nay, rất nhiều người trong số họ đành phải chấp nhận tìm kiếm những công việc tay chân nặng nhọc, vốn xa lạ đối với những người lâu nay chỉ biết nâng niu trau chuốt từng dây đàn phím nhạc. Thế nhưng, ngay cả những việc bán sức lao động cũng không hề đơn giản kiếm được khi hàng người lao động thất nghiệp vẫn dài ra mỗi ngày.

Những nghệ sĩ trẻ đành phải tạm rời xa nhạc cụ yêu quý của mình để lo cho cơm áo gạo tiền  hàng ngày - Ảnh: Rita Valverde/WSJ
Những nghệ sĩ trẻ đành phải tạm rời xa nhạc cụ yêu quý của mình để lo chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày. Ảnh: Rita Valverde/WSJ

Quá lo lắng cho những hóa đơn tiền nhà, tiền sinh hoạt đang dày lên mỗi ngày, Jon Carroll, một tay kèn người Pháp chuyên chơi cho các nhà hát quanh thành phố New York sôi động trước đó, đã bật dậy lúc 2 giờ sáng, bật máy tính, rải tổng cộng 25 bộ hồ sơ xin việc đi khắp nơi, từ phụ bán hàng trong tiệm tạp hóa, khuân vác trong các nhà kho, cho đến chặt thịt ở tiệm thực phẩm,... nhưng không hề nhận được bất cứ hồi âm nào.

Anh Paris Myers, 24 tuổi, đã tốt nghiệp khóa thạc sĩ ở nhạc viện hồi đầu năm nhưng chưa kịp nhận việc với một vị trí trong bộ gõ tại nhà hát giao hưởng thì COVID ập đến. Giờ anh tạm hài lòng với nghề lắp bóng đèn trong một xưởng cơ khí nhỏ. “Như thế này cũng đã là quá may mắn cho tôi rồi” - anh bộc bạch.

Vẫn đang có vài tia hy vọng le lói cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật khi một số nhà hát đang cố gắng xoay xở thử nghiệm vài phương thức mới ngay cả trong mùa dịch để mong được tái sinh, dù chỉ ở quy mô nhỏ.

Một ban nhạc phải chuyển ra chơi bên ngoài công viên thay vì ở trong nhà hát - Ảnh: ESO
Một ban nhạc phải chuyển ra chơi bên ngoài công viên thay vì ở trong nhà hát. Ảnh: ESO

Tổ chức các buổi hòa nhạc ở công viên nơi có khoảng không rộng thay vì ở trong khán phòng kín mít, biểu diễn cho những nhóm khán giả nhỏ thay vì cả đại nhạc viện với hàng trăm khán giả, những người mộ điệu ngồi thưởng thức âm nhạc với khẩu trang thường trực trên miệng. Thậm chí có nhà hàng còn thiết kế các ô nhỏ có khung kính bao quanh nhằm đảm bảo sự an toàn cho khán giả… Đó là những gì mà các nhà hát đang làm trong những ngày này.

Thế nhưng, mọi thứ vẫn chỉ là tạm thời. Và ánh đèn sân khấu ảo diệu cùng những âm thanh tuyệt vời từ nhạc cụ do các bàn tay ma thuật tạo nên vẫn đang ở đâu đó xa vời phía trước.

Nguyễn Thuận (theo WSJ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI