 |
Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng đoàn công tác khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh do tác giả cung cấp |
Chọn sống tử tế, giản dị và trách nhiệm
Trong ký ức của nhiều người từng cộng tác hoặc có dịp tiếp xúc, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người đàn ông đặc biệt không phải vì những phát ngôn gây chú ý hay những quyết định đình đám, mà bởi cách ông sống và làm việc: lặng lẽ, trung thực, kiên cường, và tận tụy.
Ông không nói nhiều, không tạo dấu ấn bằng những phát biểu ồn ào. Nhưng cách ông lắng nghe, cách ông đặt câu hỏi và dấn thân cho các vấn đề dân sinh lại khiến người khác kính phục. Trong hồi ức của những người từng đồng hành, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người đàn ông chọn sống tử tế, giản dị và trách nhiệm những giá trị bền lâu mà bất kỳ ai đều có thể đặt niềm tin.
Ở ông có một phẩm chất ngày càng hiếm: tử tế trong suy nghĩ, khiêm nhường trong hành xử, và bản lĩnh trong công việc. Với tôi, ký ức về ông là chuỗi những lần đối thoại ngắn nhưng sâu sắc, từ chuyện nước non đến một ván cờ tướng đầy ẩn ý.
Vị Chủ tịch nước lặng thầm giữa thời cuộc chuyển mình
Tôi gặp Chủ tịch nước Trần Đức Lương lần đầu tại Văn phòng Chủ tịch nước nhưng ấn tượng nhất vào năm 2000, khi ông đang dẫn đầu đoàn công tác đến Đồng bằng sông Cửu Long nơi vừa trải qua một mùa lũ lịch sử. Trong đoàn có nhiều lãnh đạo cấp cao, nhưng điều khiến tôi nhớ mãi là khoảnh khắc bất ngờ: thuyền của Chủ tịch nước dừng lại giữa dòng, và tôi được mời sang ngồi cạnh ông để giải thích một vấn đề chuyên môn đang được tranh luận sôi nổi.
Ông liên tục hỏi, rất cụ thể, rất sâu từ thủy văn đến địa chất, từ địa hình đến phương án khắc phục. Không ai có thể “trả bài” qua loa. Cách ông lắng nghe không chỉ để hiểu, mà còn để hành động. Tối hôm đó, trong cuộc họp tại Tỉnh ủy Kiên Giang, ông kết luận gọn gàng, rõ ràng, thể hiện một sự chuẩn bị nghiêm túc và quyết đoán.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ sau này từng nói: “Ông Lương có một cách nghe rất đặc biệt, nghe để nghĩ, để nhớ, để làm, chứ không phải nghe cho có”. Tôi tin, đó là lý do vì sao những người từng làm việc cùng ông luôn dành cho ông sự tôn trọng sâu xa, dù ông chưa bao giờ đòi hỏi điều đó.
Một ván cờ và một phong cách làm việc thẳng thắn
Sau buổi họp, Chủ tịch nước rủ tôi đánh cờ tướng. Không khí nhẹ nhàng, không mang màu sắc chính trị. Nhưng chính ở đó, tôi cảm nhận được nhiều điều.
Ông không phải người thích được nhường. Tôi cũng không phải người hay “đi nước mềm” với cấp trên. Trận cờ diễn ra sòng phẳng, đôi bên đều căng sức. Kết quả tôi thắng với tỉ số 3-2. Khi tôi kể lại, có vị lãnh đạo cấp cao cười: “Ông ấy chẳng thích ai thua cho phải phép đâu. Càng chơi thật, ông càng quý”.
Đó không chỉ là cách chơi cờ. Đó là cách ông làm việc, không màu mè, không xu nịnh, càng không chấp nhận sự giả tạo. Những ai từng làm việc với ông đều hiểu rằng, chỉ cần anh trung thực và có năng lực, ông sẽ lắng nghe và đồng hành.
Trăn trở từ những điều nhỏ nhất cho dân sinh
Có lần, ông gọi điện cho tôi, hỏi: “Liệu chúng ta có thể lót đáy hồ bằng vải địa kỹ thuật để giữ nước ngọt cho người dân vùng đất chua phèn không?”. Đó không phải một mệnh lệnh hành chính. Đó là một câu hỏi đầy suy tư và trách nhiệm.
Ông có thói quen gọi điện cho chuyên gia, đặt câu hỏi ngắn nhưng gợi mở sâu. Những trăn trở đó đã khơi nguồn cho nhiều ý tưởng, nhiều hướng đi mới trong quy hoạch và bảo vệ tài nguyên cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông từng là kỹ sư địa chất. Cái gốc ấy dường như rèn cho ông cách làm việc tỉ mỉ, kỹ trị và cẩn trọng, không bị cuốn theo dư luận, cũng không bị lay động bởi những “làn sóng truyền thông” nhất thời. Báo chí quốc tế từng gọi ông là “người đàn ông trầm lặng góp phần đưa Việt Nam hội nhập”.
Giá trị ông để lại: không phải danh tiếng, mà là nhân cách
Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng nhận xét: “Anh Lương ít nói, nhưng lời nói chắc chắn. Anh không bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì gọi ông là “một trong ba vị phó tướng đắc lực nhất” trong những năm chèo lái đất nước qua thời kỳ nhiều biến động.
Dưới góc nhìn của người làm chuyên môn như tôi, ông Trần Đức Lương thuộc mẫu lãnh đạo hiếm có: đề cao tri thức, khuyến khích phản biện, không cần tâng bốc mà cần sự thẳng thắn. Ông là người biết sống đủ sâu để hiểu, đủ chậm để không vội vàng, đủ điềm tĩnh để không mắc sai lầm.
Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống, không ồn ào, nhưng đủ để khiến những ai từng làm việc cùng ông thấy nặng lòng.
Nếu hỏi điều gì khiến tôi nhớ nhất về Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thì đó chính là sự tử tế, từ trong suy nghĩ đến hành động. Ông không chạy theo bề nổi, không cần ai tán dương. Nhưng ai từng gần ông, dù chỉ một lần, cũng đều hiểu: ông là người chọn sống sao cho đúng, chứ không phải sống sao cho nổi.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người không lớn tiếng nói về tình yêu đất nước, nhưng từng bước đi của ông đều vì đất nước. Một người không cần được ngợi ca, nhưng luôn khiến người khác phải nhớ đến khi đã đi xa.
Xin tiễn biệt ông - vị lãnh đạo sống thầm lặng, làm việc tận tụy, không ồn ào, nhưng để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách, trong tinh thần và trong ký ức của những người từng đồng hành cùng ông.
Tiến sĩ Tô Văn Trường