'Chung sống' với mạng xã hội?

08/11/2017 - 07:39

PNO - Liên quan đến giải pháp để có thể “chung sống” với mạng xã hội, trong thời bùng nổ của hình thức “báo chí công dân” này, ông Lâm Thiếu Quân - nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM đã chia sẻ với bạn đọc Báo Phụ Nữ...

PV: Ông nghĩ thế nào về sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay?

Ông Lâm Thiếu Quân: Mạng xã hội là một hình thức giao tiếp mới, nơi mỗi người có thể chủ động chia sẻ với mọi người những suy nghĩ, tâm sự, kinh nghiệm sống hay những kế hoạch riêng của mình. 

Do thường không đề cập đến một đối tượng cụ thể, nên những chia sẻ đó đôi khi dẫn tới sự cường điệu trong cách thể hiện, đưa ra những nhận xét thiếu căn cứ hoặc viết những comment kiểu “chơi cho vui” nhưng vô tình làm tổn thương người khác.

'Chung song' voi mang xa hoi?
 

* Từng là nạn nhân của mạng xã hội, ông có thể chia sẻ về những ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, công việc... của mình khi bị “tấn công”?

- Hiện trên mạng xã hội xuất hiện những người được người khác gọi nôm na là “tỷ phú thời gian”. Họ có thể dành rất nhiều thời gian để online bình “loạn” về mọi vấn đề trong đời sống, từ kinh tế, chính trị, xã hội đến giáo dục trong khi bản thân lại không đủ thông tin, kiến thức về các vấn đề đó.

Để lấy tiếng, để được nhiều người theo dõi, câu like... họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, không từ cả việc công kích người khác, nói xấu, nói sai sự thật, comment một cách ác ý, vô trách nhiệm...

Nhiều lần, do nhiệt tình trong việc góp ý về cách thức tổ chức giao thông, tôi đã phải nhận không ít comment mang tính phỉ báng, cả những bài viết công kích cá nhân với những thông tin hoàn toàn sai lệch.

Đã vậy, trên mạng xã hội còn có vô số những thế lực luồn lách lợi dụng các quảng cáo, dùng tài khoản giả mạo... để truyền bá những thông tin sai lệch về tình hình xã hội, nói xấu chế độ, kích động sự bất mãn, chia rẽ trong cư dân mạng, vì biết đó cũng chính là một thành tố của cộng đồng dân tộc, quốc gia.

* Theo ông, có giải pháp nào tương đối hữu hiệu để cải thiện tình trạng trên?

- Khi gặp những phiền toái này, ở phạm vi cá nhân, chúng ta nên tận dụng chính những chức năng của mạng xã hội như xóa comment trên trang của mình, dùng công cụ báo cáo (report) cho admin của trang mạng biết về những hoạt động mang tính xúc phạm hoặc chia rẽ của đối tượng.

Tôi nghĩ, việc này tuy đơn giản nhưng mọi người đều có thể góp tay làm ngay được để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực mà các thông tin độc hại đó gây ra. Do đa số các mạng xã hội hiện nay đều đặt máy chủ ở nước ngoài; sự hiểu biết về ngôn ngữ và tình hình xã hội của các admin chắc chắn hạn chế, không thể sâu sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng trang mạng của mình để làm việc xấu.

Cách triệt để nhất để “bắt được cọp” là phải “vào hang cọp”. Bộ Thông tin và Truyền thông phải tham gia tích cực hơn nữa vào mạng xã hội. Cán bộ của bộ có thể lập tài khoản để tiếp nhận báo cáo của cư dân mạng về tình hình vi phạm quyền cá nhân hoặc tổ chức thông qua mạng xã hội, như cách bộ đã và đang giám sát báo chí truyền thống hiện nay. 

Nam Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI