Chữa “mẹo” khi trẻ hóc dị vật, nuốt hóa chất gây hậu quả khôn lường

22/05/2025 - 12:03

PNO - Các "mẹo vặt" sơ cứu khi hóc dị vật, nuốt nhầm hóa chất có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của trẻ.

Làm loãng và thải độc bằng cách uống nhiều nước?

Thực tế đáng báo động là trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội về chăm sóc con cái, không ít phụ huynh vẫn vô tư chia sẻ những kinh nghiệm sơ cứu mang tính chủ quan, thiếu kiểm chứng.

Chẳng hạn, một bà mẹ tên N.K.X. nói rằng khi trẻ bị hóc xương cá thì mẹ hãy xoay mâm cơm hoặc chén cơm trước mặt trẻ. Chị X. tin làm như vậy, mảnh xương sẽ tự động trôi xuống bụng. Một bà mẹ khác sốt sắng chia sẻ, khi con hóc đồ chơi thì cần lập tức móc họng để gây nôn. Lúc này, đồ chơi vẫn còn ở cuống họng nên bé có thể ói ra kịp thời.

Nghiêm trọng hơn, một bà mẹ khác kể rằng con mình 4 tuổi đã tự ý uống hết nửa chai thuốc có vị ngọt. Thay vì đưa con đi cấp cứu, người mẹ đã sơ cứu bằng cách cho bé uống thật nhiều nước, với suy nghĩ nước sẽ làm loãng thuốc và giúp đào thải nhanh hơn qua đường tiểu.

Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ huynh khác còn hưởng ứng, cho rằng đây là cách hay và có thể áp dụng khi bé ăn hoặc uống nhầm các chất độc hại khác: "Trước tiên phải cho uống thật nhiều nước, móc họng cho ói ra rồi hãy chở đi cấp cứu".

Những phương pháp sơ cứu tự phát này chẳng những không hiệu quả, mà còn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường, dẫn đến những hệ lụy sức khỏe cho trẻ.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò, ưa khám phá nhưng chưa nhận thức được sự nguy hiểm. Chính vì thế, tai nạn bị hóc dị vật rất dễ xảy ra (ảnh Freepik)
Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò, ưa khám phá, nhưng chưa nhận thức được sự nguy hiểm. Chính vì thế, tai nạn bị hóc dị vật rất dễ xảy ra - Ảnh Freepik.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thủy Thủy - Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, đơn vị mình thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ nuốt phải dị vật, hóa chất, lâm vào tình trạng nặng nề hơn do người nhà xử trí sai lầm.

Các loại dị vật thường gặp có thể kể đến như đồng xu, pin, tăm xỉa răng, vỉ thuốc… Bên cạnh đó, hóa chất trẻ hay uống nhầm thường là chất tẩy rửa, chất dùng trong công nghiệp thực phẩm như nước tro tàu, giấm và đôi khi là thuốc của người lớn sơ ý để ở vị trí không an toàn…

Nhiều cha mẹ chưa nhận diện được tình huống nào là khẩn cấp, cần đưa con đi cấp cứu ngay lập tức. Bệnh viện từng ghi nhận trường hợp trẻ nuốt viên pin nhưng không được đưa tới cấp cứu kịp thời dẫn tới đường tiêu hóa bị loét, hoại tử, phải làm phẫu thuật phức tạp mới cứu sống được bé.

Nhận diện được tình huống khẩn cấp và xử trí đúng cách

Thay vì loay hoay chữa mẹo, tự theo dõi tại nhà, cha mẹ cần hiểu rõ những tình huống nguy hiểm để giúp trẻ được can thiệp kịp thời.

Đối với dị vật đường thở, tuyệt đối không nên hoảng hốt tìm cách lấy dị vật, vì hành động này có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn, gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở. Đồng thời, không tìm cách gây nôn, tránh nguy cơ hít sặc ngược trở lại vào đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi hoặc tắc nghẽn.

Thay vào đó, nên để trẻ ở tư thế mà trẻ cảm thấy dễ chịu nhất, và quan trọng nhất là cần sơ cứu bằng kỹ thuật đẩy dị vật (như Heimlich maneuver đối với trẻ lớn hoặc vỗ lưng ấn ngực đối với trẻ sơ sinh), sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trường hợp nuốt phải dị vật có nguy cơ cao hoặc hóa chất độc hại, cần lập tức đưa trẻ đi cấp cứu: nếu dị vật có đầu sắc nhọn, kích thước lớn (đường kính hơn 2,5cm hoặc chiều dài hơn 2,5cm đối với trẻ dưới 5 tuổi; hơn 5cm đối với trẻ lớn), là polymer siêu thấm có thể nở ra trong cơ thể gây tắc nghẽn, chứa nồng độ chì cao, từ 2 nam châm trở lên (hoặc 1 nam châm kèm 1 vật có từ tính) có thể hút dính vào nhau gây thủng ruột, hoặc là các loại hóa chất có tính ăn mòn.

Uống nhiều nước hay các dung dịch nhằm pha loãng, trung hoà độc tố khi trẻ nuốt nhầm hoá chất là cách làm sai (ảnh Freepik)
Uống nhiều nước hay các dung dịch nhằm pha loãng, trung hoà độc tố khi trẻ nuốt nhầm hoá chất là cách làm sai - Ảnh: Freepik)

Khi trẻ uống phải hóa chất, sơ cứu bằng cách cho bé uống thật nhiều nước hay các dung dịch có tính trung hòa với hy vọng làm loãng nồng độ độc tố là hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt, nếu đó là hóa chất có tính ăn mòn, hành động này vô tình sẽ làm chất độc lan rộng ra, diện tích tiếp xúc vùng niêm mạc lớn hơn, gây tổn thương nghiêm trọng thêm cho đường tiêu hóa.

Khi hóc dị vật, uống nhầm hoá chất, tính mạng của trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu chậm trễ can thiệp. Thay vì tự xử lý tại nhà theo các mẹo vặt thiếu cơ sở khoa học, cha mẹ cần bình tĩnh, nhận diện đúng mức độ khẩn cấp, và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng cách.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI