Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm cấp nhà nước tới Lào từ 24-25/4

21/04/2025 - 17:35

PNO - Chuyến thăm theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith.

Chiều 21/4, Bộ Ngoại giao thông cáo:

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào từ ngày 24-25/4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Kaysone Phomvihane . Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Kaysone Phomvihane - Ảnh tư liệu

Lào có chung 2.337,507km đường biên giới với nước ta, núi liền núi - cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, sông liền sông - cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, tương đồng văn hóa, giàu lòng nhân ái, bang giao hữu nghị.

Quan hệ Việt Nam - Lào được xây dựng từ lâu đời, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, phát triển mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng.

Hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962.

Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập. Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các thế lực thù địch vẫn thực hiện chủ trương bao vây về mọi mặt.

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hợp tác và liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977 nhằm tăng cường tình đoàn kết, hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước, góp phần gìn giữ và củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới...

Thời gian qua, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa 2 nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, gắn bó, tin cậy; tiếp tục duy trì thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cả trên bình diện song phương và đa phương.

Hợp tác quốc phòng - an ninh giữa 2 bên tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Lễ ký hiệp định thương mại giữa hai nước Việt Nam-Lào tại Viêng Chăn. Ảnh: TTXVN
Lễ ký hiệp định thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào tại Viêng Chăn - Ảnh: TTXVN

Hiện Việt Nam có 267 dự án đầu tư vào Lào, với tổng vốn đăng ký là 5,63 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Hợp tác đầu tư chuyển biến tích cực, vốn đăng ký đầu tư sang Lào năm 2024 đạt 191,1 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương hai chiều 3 tháng đầu năm 2025 đạt 980,1 triệu USD, tăng 105,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 346,4 triệu USD, tăng 138,6%; nhập khẩu từ Lào đạt 633,6 triệu USD, tăng 91,1%.

Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỉ USD trong 2-3 năm tới.

Hợp tác giáo dục, đào tạo và văn hóa tiếp tục được quan tâm, tích cực thực hiện Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam - Lào giai đoạn 2022-2027 và Biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Hiện có khoảng 14.050 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục Việt Nam. Năm 2025, Việt Nam dành 1.160 suất học bổng cho cán bộ, học sinh, sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam (tăng 40 suất so với năm 2024) và tiếp tục cấp số lượng học bổng theo đề nghị của Lào nhằm gia tăng gắn kết giữa thế hệ trẻ hai nước và xây đắp mối quan hệ thủy chung, trong sáng, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới cũng tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào cụ thể, chiều sâu, toàn diện trên mọi lĩnh vực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Tuy nhiên, tình hình người Việt ở các địa phương giáp biên sang Lào lao động bất hợp pháp, bị lừa, bắt giữ đòi tiền chuộc và vi phạm pháp luật tại Lào vẫn diễn biến phức tạp.

Về hợp tác quốc tế, khu vực, tiểu vùng: Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng. Việt Nam đang tích cực ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công các vai trò quốc tế quan trọng trong năm 2025.

M. Tâm

 
TIN MỚI