Buổi chiều ở thị trấn ma

29/01/2020 - 18:23

PNO - Tôi ấn tượng ngôi nhà gỗ lưu giữ hành trình những tay cao bồi nổi tiếng, với những vật dụng thường ngày, nón, súng và những đôi ủng treo trên trần nhà.

Sau mấy ngày rong ruổi trên đất Mỹ, trước giờ chia tay, vợ chồng một người quen đưa tôi đi thăm “thị trấn ma” ở Arizona. Goldfield Ghost Town một thời thu hút các tay săn vàng từ nhiều nơi đổ về. Cơn lốc vàng cuốn con người vào cơn sát phạt đẫm máu. Họ sử dụng vũ khí thanh toán nhau mỗi ngày. Hơn 100 năm trước, nơi tôi đứng vô cùng nhộn nhịp, nở rộ những khu ăn chơi, sòng bạc, quán rượu. Giờ đây, nơi này đúng nghĩa là “thị trấn ma” với dấu tích ngôi nhà thờ, hầm đào vàng, đoàn xe lửa chạy trên đường ray nhỏ, nghe nói xưa kia là xe goòng chở quặng vàng. Chiếc xe lửa ấy giờ chở khách tham quan. Tôi ấn tượng ngôi nhà gỗ lưu giữ hành trình những tay cao bồi nổi tiếng, với những vật dụng thường ngày, nón, súng và những đôi ủng treo trên trần nhà.

Những ngày cuối tuần, “thị trấn ma” rất đông vui. Tôi mê mẩn trước những gian bán hàng lưu niệm, ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của những cây xương rồng hơn trăm tuổi đã trở thành bảo vật quốc gia. Nơi dừng chân cuối cùng là quán bar ngoài trời, nổi tiếng với món bánh mì kẹp thịt và bia. Không hẹn mà nơi đây quy tụ một ban nhạc đồng quê. Họ chơi nhạc cho nhiều người nhảy múa và cùng hát. Buổi chiều ở “thị trấn ma” thật ấn tượng trước những người địa phương vui tính và hiếu khách. Họ đeo thắt lưng to bản, đội mũ rộng vành giống như những cao bồi chinh phục miền Viễn Tây hơn trăm năm trước. Trong lúc tôi trò chuyện với bạn, chọn món ăn, một cựu chiến binh với chiếc mũ gắn chiếc lông là biểu tượng người da đỏ tiến đến. Ông nở nụ cười thân thiện, hỏi tôi có phải người Việt Nam. Tôi gật đầu nói “yes”. Ông vui mừng reo lên: “Tôi là một cựu binh Mỹ, từng ở Việt Nam”.

Ông Ron Eagle tặng chiếc lông biểu tượng người da đỏ, không nén được những bức xúc…
Ông Ron Eagle tặng chiếc lông biểu tượng người da đỏ, không nén được những bức xúc…

 

Tôi cũng rất mừng vì tìm được người để phỏng vấn cho một phim tài liệu về những cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam mà chúng tôi được gặp. Tôi đề nghị ghi hình ông. Ron Eagle cười hóm hỉnh: “Tôi đang làm chủ một khu đất có nhiều vàng ở đây nhưng gặp được các bạn, tôi mừng còn hơn bắt được vàng”. Và Ron Eagle trải lòng qua ống kính: “Tôi có nguồn gốc người da đỏ, mẹ người Scotland. Tôi gia nhập quân đội năm 17 tuổi và ở tuổi 19, tôi được gửi đến Việt Nam vào tháng 8/1965. Lúc đó, tôi phục vụ tại Sư đoàn Kỵ binh I. Tôi bị thương nhiều lần. Sau đó, năm 1966, tôi đã được gửi đến Ðức. Từ Ðức, tôi quay trở lại Việt Nam vào dịp tết 1968, ngày 30/1. Tôi trở về nước một tháng sau đó. Ngoài ra, tôi còn đến Campuchia vào tháng 4/1970. Tôi là một y tá phục vụ tại Ðại đội 41 ở Cần Thơ. Tôi từng làm việc tại Nha Trang trong dịp tết. Chúng tôi ở một trung tâm huấn luyện biệt động quân, được biết đến như những người cuối cùng đầu hàng trong chiến tranh Việt Nam. Họ là những người cuối cùng vì đã cạn kiệt đạn và quân dụng. Họ bị buộc phải đầu hàng vì lực lượng quá chênh lệch”.

 Chúng ta bây giờ là một gia đình lớn. Trước kia, chúng ta có ít người. Bây giờ, chúng ta đông hơn và chúng ta vẫn tin vào dân chủ, sự trung thực, tôn trọng và liêm chính đối với mọi người, bất kể màu da, chủng tộc hay tín ngưỡng.

Tôi hỏi ông những kỷ niệm về nghề y tá ở Việt Nam. Ron Eagle như được khơi nguồn ký ức: “Tôi rất tự hào về công việc của tôi. Tôi ghét giết chóc. Tôi ở đây để cứu người, không phải để cướp mạng. Tôi đỡ đẻ cho một bà mẹ. Tôi đã cứu mạng một em bé bị bắn bốn lần. Nếu có ai đó bị thương và ngã xuống, họ liền gọi y tá, bác sĩ. Thế là tôi đi. Công việc của tôi là như thế. Tôi chưa bao giờ hối tiếc. Tôi chỉ tiếc rằng, một nhóm nhỏ trong đất nước tôi, những người đã cố gắng nắm quyền lực quốc gia, không bao giờ đứng về phía cựu chiến binh Việt Nam. Chúng ta bây giờ là một gia đình lớn. Trước kia, chúng ta có ít người. Bây giờ, chúng ta đông hơn và chúng ta vẫn tin vào dân chủ, sự trung thực, tôn trọng và liêm chính đối với mọi người, bất kể màu da, chủng tộc hay tín ngưỡng. Tôi muốn cảm ơn bạn vì đã để tôi nói hết với bạn cảm xúc của tôi”.

“Ông có quay lại Việt Nam?”, tôi hỏi. Ron Eagl phấn khích tuôn một tràng: “Mới đây, tôi vừa trở về từ một chuyến đi 20 ngày. Chuyến đi cho phép tôi thăm cả miền Bắc lẫn miền Nam. Tôi về thăm căn cứ của chúng tôi ở Nam Việt Nam, tại Ðà Nẵng, thành cổ Huế và Dinh Ðộc Lập. Tôi kinh ngạc về sự tử tế của người Việt Nam, từ những đứa trẻ nhỏ đến người lớn đều đối xử với chúng tôi như người thân trong gia đình, giống như ta là những người anh em thất lạc nhau đã lâu. Tôi có một người bạn đạp xích lô tên Phong, tôi gọi anh ấy là Hank. Chúng tôi đạp xích lô vòng quanh Sài Gòn đến tận 5 giờ 30 sáng. Thật tuyệt! Lần trở lại Việt Nam này làm thay đổi toàn bộ góc nhìn của tôi về mọi thứ. Tôi thấy những phẩm chất của người dân Việt Nam đã có từ thời Hai Bà Trưng mà tôi khâm phục. Và bây giờ, nhiều người trẻ Việt Nam đang du học ở nước tôi, và họ sẽ bắt đầu nhìn tới nơi phù hợp với họ, những thủ lĩnh của thế giới mới này. Tôi hy vọng điều đó sẽ diễn ra bởi vì tôi từng đến thăm họ. Mỗi năm, chúng tôi có một dịp ăn mừng, một cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt kéo dài ba ngày tại Maricopa, Arizona, do đại tá Joseph Abodeli tổ chức. Ông là đại tá Kỵ binh thứ Bảy tại Khe Sanh. Chúng tôi là chiến binh nhưng không phải người của chiến tranh!”.

Cây xương rồng hơn trăm tuổi được bảo tồn ở Goldfield Ghost
Cây xương rồng hơn trăm tuổi được bảo tồn ở Goldfield Ghost

 

“Ông nói nhiều về chiến tranh, còn gia đình?”. “Gia đình chúng tôi rất gắn bó. Một anh của tôi phục vụ không quân, một anh khác ở thủy quân, hai anh khác cũng từng tham chiến ở Việt Nam. Tôi còn lưu giữ nhiều hình ảnh về Việt Nam”. Thấy ông vui, đạo diễn Nguyễn Hoàng đang quay phim dừng lại hỏi: “Ông có để lại mối tình nào ở Việt Nam không?”. Ron Eagle nghiêm mặt, nói rõ nguyên tắc sống của mình: “Tôi có nhiều bạn người Việt, nhưng chỉ là bạn thôi, không phải để lập gia đình. Chúng tôi rất thân thiết. Khi bạn chọn một người phụ nữ, bạn chỉ chọn một. Cho dù cô ấy trông như thế nào, chỉ chọn một người nếu bạn muốn sống cùng nhau. Phụ nữ rất quan trọng. Không có phụ nữ, không có tôi, không có cha tôi, các con tôi!”.

Rất đột ngột, Ron Eagle xoay sang đề tài giáo dục: “Tôi nghĩ giáo dục là chìa khóa mở trái tim con người. Tại sao phải dùng vũ khí? Thay vì đấu tranh, chúng ta phải làm việc cùng nhau. Và khi làm việc cùng nhau, tất cả chúng ta đều thắng”. Khi tặng tôi chiếc lông chim biểu tượng người da đỏ, Ron Eagle như móc ruột mình ra để nói: “Dân da đỏ của tôi vẫn sống trong các khu bảo tồn, và ta cần loại bỏ những khu bảo tồn không thực sự vì con người. Chúng tôi vẫn còn là những người bị giam cầm. Không có một doanh nghiệp lớn nào ở chỗ của chúng tôi. Chúng tôi không có gì cả vì đất của chúng tôi rất xấu. Ta thậm chí không thể trồng một cây nho hay cà chua hoặc bất cứ thứ gì khác nếu không dẫn nước lên. Chúng tôi không có bất cứ thứ gì trong khu bảo tồn”. Rồi Ron Eagle chỉ về phía ngọn đồi chìm dần trong hoàng hôn, mắt ánh lên: “Tôi hy vọng khai thác được vàng trên mảnh đất của tôi. Lúc đó, tôi sẽ email báo tin cho bạn. Có nhiều tiền chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt hơn. Việc đầu tiên là tôi sẽ trở lại Việt Nam”.

Buổi chiều ở “thị trấn ma” trôi đi lâu rồi nhưng buổi phỏng vấn người cựu binh da đỏ mang lại cho tôi niềm vui được trải lòng. Những người địa phương da đỏ kéo tôi cùng múa với họ trên nền nhạc đồng quê rộn ràng. Ðúng như Ron Eagle nói, khu đào vàng ở vùng quê Phoenix đã trôi đi trong quá khứ nhưng tôi đã gặp được những tấm lòng vàng, cởi mở và thân thiện.

Trầm Hương

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=