Bao giờ voi được… “nghỉ hưu”?

16/05/2022 - 06:36

PNO - Nghe những bước chân nặng nề của voi trên đường nhựa tại Hồ Lắk, nài voi không khỏi xót xa mong chờ đến ngày chúng được… “nghỉ hưu”.

Voi không đủ sức... nuôi thân

“Cưỡi voi” vốn là “đặc sản” du lịch tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, dịch bệnh khiến du lịch vắng khách, voi cũng “thất nghiệp”. Anh Y Vinh - một nài voi nổi tiếng tại Hồ Lắk - cho biết, nếu như trước đây, vào ngày đông khách, một con voi cũng chỉ làm ra khoảng 1 triệu đồng, tính trung bình cả tháng, tiền voi làm ra chỉ đủ tiền cho voi ăn. Cho nên, khi du lịch vắng khách đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của voi và cuộc sống của người dân Hồ Lắk. 

Hiện tại, những con voi ở Hồ Lắk vẫn đang bị nuôi nhốt và hằng ngày phải “mưu sinh”  trong môi trường khắc nghiệt
Hiện tại, những con voi ở Hồ Lắk vẫn đang bị nuôi nhốt và hằng ngày phải “mưu sinh” trong môi trường khắc nghiệt

Cũng theo anh Y Vinh, cả vùng Hồ Lắk hiện có 12 con voi nhà, một số đã được thả vào ven rừng để tự kiếm ăn, nhưng một số con vẫn được nuôi nhốt để làm du lịch. Chỉ một voi nhà đang đứng trong chuồng, anh Y Vinh nói: “Không có khách nhưng vẫn phải giữ voi ở đó. Không được đi lại tự do, lại thường xuyên thiếu nguồn thức ăn, phải nghe tiếng còi xe qua lại, khiến sức khỏe voi kém lắm”. 

Khi được hỏi về mong muốn trong thời gian tới, anh Y Vinh cho rằng, voi Hồ Lắk cũng giống voi Bản Đôn, cũng cần được nghỉ ngơi để cả voi và người nuôi voi bớt khổ. Là người đại diện cho các nài voi tại Hồ Lắk đi họp bàn về dự án giải cứu voi và định hướng du lịch voi trong thời gian tới, anh Y Vinh nói: “Họp nhiều lắm rồi mà không thấy có giải pháp nào”.

Được biết, vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chống bạo hành, triển khai mô hình thân thiện với voi nhằm không bắt voi thi đá bóng, thi chạy, diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa bỏng rát… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có voi tại Bản Đôn được… nghỉ ngơi. 

Voi Hồ Lắk mong được như voi Bản Đôn

Theo thỏa thuận hợp tác giữa AAF với UBND tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức các hoạt động làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi, bao gồm: du lịch cưỡi voi; các hội thi voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.

Về phía đơn vị hỗ trợ triển khai dự án, tiến sĩ Tuấn Bendixsen cho biết: “Chúng tôi sẽ chi trả kinh phí tương đương số tiền chủ voi nhà thu được khi phục vụ khách du lịch. Tất cả nài voi nhà cũng sẽ được tham gia chương trình tập huấn chăm sóc voi, được trả lương xứng đáng”. 

Cách nhau chỉ vài chục cây số nhưng hiện nay, những chú voi nhà tại Bản Đôn không còn phải phục vụ du lịch, được vào rừng sống tự do thì voi ở Hồ Lắk vẫn đang bị nuôi nhốt và “vất vả mưu sinh”. “Người dân cũng mệt mỏi lắm rồi, tất cả người nuôi voi Hồ Lắk đều đồng ý phối hợp để triển khai mô hình du lịch voi thân thiện như Bản Đôn” - anh Y Vinh nói khi được hỏi về dự án bảo tồn voi. 

Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi 231.000 USD để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2026. Trước đó, từ năm 2016 đến nay, AAF đã tài trợ 350.000 USD cho công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk. Riêng dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến AAF sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện AAF tại Việt Nam - cho biết, hơn 30 năm nay đàn voi nhà Đắk Lắk không hề sinh sản trong khi voi con vẫn xuất hiện trong các đàn voi hoang dã. Ông Tuấn Bendixsen mong muốn được hỗ trợ để đưa tất cả voi nhà Đắk Lắk vào mô hình du lịch thân thiện để voi được chăm sóc đúng cách, khôi phục sức khỏe và duy trì đàn.

Bảo Khang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI