Băn khoăn với đề xuất tăng mức dự phòng ngân sách lên tối đa 5%

14/05/2025 - 17:36

PNO - Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất nâng mức dự phòng ngân sách tối đa 5%, chưa phù hợp, ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong phân bổ, điều hành ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi lo ngại
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu nhiều ý kiến lo ngại về đề xuất tăng mức dự phòng ngân sách lên 5% - Ảnh: Media Quốc hội

Chiều 14/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đó, dự thảo bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời, dự thảo quy định thêm một số nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) gồm: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hoạt động quy hoạch...

Về ngân sách dự phòng, dự thảo điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% lên 5%; bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thời gian phải hoàn trả tạm ứng cho Quỹ dự trữ tài chính được nâng lên 12 tháng kể từ ngày tạm ứng.

Dự thảo Luật cũng quy định thẩm quyền Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương quyết định dự toán chi NSNN, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhưng không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quyết định phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị và địa phương chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay, Ủy ban cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi chi từ nguồn dự phòng, bao gồm cả chi cho đối ngoại cấp bách và chia sẻ rủi ro với các dự án PPP.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức dự phòng lên tối đa 5% là chưa phù hợp, đề nghị giữ như quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, do e ngại làm giảm tính linh hoạt trong phân bổ ngân sách.

Về vấn đề phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, theo ông Mãi, đa số ý kiến đồng tình với việc thay đổi phương thức phân chia thu, giao HĐND tỉnh quyết định giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy vậy, cũng có đại biểu cho rằng cần có thời gian đánh giá tác động toàn diện, nhất là trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Về phạm vi, đa số ý kiến Ủy ban nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, dự thảo chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương; giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách, và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách.

M.Quang

 
TIN MỚI