Bản full được tuồn lên mạng - Kiểm duyệt còn ý nghĩa gì?

28/06/2020 - 13:30

PNO - Sau khi lên sóng truyền hình hoặc phát hành ra rạp, game show, phim được tuồn lên mạng với bản đầy đủ, không bị cắt tỉa. Hai trường hợp mới xảy ra gần đây cho thấy rõ hệ quả xấu từ việc “lách luật” này.

Phát sóng một đằng, lên mạng một nẻo

Giải mã kỳ tài do MCV sản xuất đang gây xôn xao dư luận với tập phát sóng mới nhất, với nhân vật là cựu người mẫu Trang Trần. Nếu bản phát sóng chính thức của HTV7 chỉ dài 26 phút, thì khi đưa lên kênh YouTube, nhà sản xuất (NSX) đã tuồn hẳn bản không cắt gọt dài 37 phút. Trước phản ứng của khán giả vì nội dung thô tục không được kiểm duyệt, hiện tại, đoạn video đã bị NSX ẩn hoặc xóa trên kênh YouTube.

Trước đó vài ngày, sự việc tương tự cũng xảy ra trong chương trình Vợ chồng son. Trong bản phát sóng của nhà đài, những chi tiết nhạy cảm đã được cắt bỏ, nhưng trong bản phát hành YouTube của NSX lại trưng nguyên xi. Ngoài ra, việc đặt tít khá nhạy cảm cho video này của NSX cũng bị dư luận lên án.

Chương trình Vợ chồng son tập mới nhất gây xôn xao dư luận khi phát trên mạng với bản không cắt gọt
Chương trình Vợ chồng son tập mới nhất gây xôn xao dư luận khi phát trên mạng với bản không cắt gọt

Thực trạng phát sóng một đằng, lên mạng một nẻo không chỉ có MCV. Trước đó, chương trình Chạy đi chờ chi cũng từng đăng bản dài hơn, với nhiều cảnh xé bảng tên, tranh giành so với khi được phát trên truyền hình. Thời lượng phát sóng mỗi tập của chương trình Gương mặt người mẫu Việt Nam - The Face Vietnam 2018 (do JSC Multimedia sản xuất) là 45-50 phút/tập, trên kênh VTV9. Tuy nhiên, khi được chiếu lại trên YouTube, các tập đều có thời lượng từ khoảng 70-80 phút, có tập gần 120 phút. 

Dễ thấy, với những khoảng thời gian “cộng thêm” khi được phát trên mạng, NSX tận dụng những tình tiết bị cắt bỏ ở cửa biên tập của đài truyền hình, hoặc tăng thời lượng quảng cáo nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, những trường hợp trước đây chưa gây ồn ào như hai chương trình vừa qua của MCV. Có lẽ, điều đó trở thành tiền lệ để các NSX đi theo lối mòn vạch sẵn, bởi cứ làm mà không ai sờ gáy. 

Việc phát sóng trên truyền hình, đối với game show vẫn là cách thức được NSX chuộng, bởi đây là con đường chính thống tiếp cận khán giả. Họ vừa thu lợi nhuận từ bản quyền, quảng cáo, vừa tạo và củng cố danh tiếng. Tuy nhiên, khi thị trường giải trí trực tuyến phát triển mạnh, thì các NSX cũng không nỡ bỏ qua miếng mồi béo bở này. Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo nhận định ít nhất tập phát sóng gần đây của chương trình Vợ chồng son thu về khoảng 40 triệu đồng từ YouTube, chưa tính những quảng cáo xuất hiện trong chương trình. 

Các NSX đang ở thế cạnh tranh khốc liệt để giành khán giả trên môi trường mạng, khi hiện tại người người, nhà nhà đều có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung”. Bên cạnh đó, một số NSX còn đang ở thế cạnh tranh trực tiếp với nhà đài, dẫu khi phát sóng trên truyền hình, họ ở vai trò hợp tác. Đơn cử như trường hợp của MCV, sau khi Vợ chồng sonGiải mã kỳ tài lên sóng HTV, kênh YouTube HTV Entertainment sẽ đăng tải bản phát sóng trước, sau đó mới đến đơn vị sản xuất đăng trên kênh của mình.

Vì thế, để gia tăng sức cạnh tranh nhằm thu lợi nhuận, nhiều chiêu thức được các đơn vị đưa ra để câu khách, bất chấp những chuẩn mực đạo đức, văn hóa... Chẳng hạn sự việc mới đây của Trang Trần trong chương trình Giải mã kỳ tài khiến dư luận dậy sóng. 

Hệ thống kiểm duyệt được lập ra nhằm giúp sản phẩm văn hóa, giải trí đến với khán giả được sạch hơn. Nhưng những thực trạng vừa qua đang cho thấy sự bất cập. Liệu kiểm duyệt còn ý nghĩa gì khi các NSX đã tìm được đường lui - sự hậu thuẫn từ môi trường mạng? Sau MCV, sẽ còn bao nhiêu đơn vị nữa áp dụng chiêu thức này để câu khách, và tiếp tục sản sinh những sản phẩm văn hóa độc hại đầu độc khán giả? 

Trách nhiệm của ai?

Hiện tại, các game show, chương trình truyền hình thường được sản xuất theo hình thức hợp tác giữa nhà đài và một đơn vị sản xuất tư nhân. Các NSX sẽ chịu trách nhiệm sản xuất nội dung, sau đó sẽ giao cho nhà đài biên tập và phát sóng. Căn cứ theo luật hiện hành, đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm với nội dung lên sóng. 

NSX chia sẻ nội dung không cắt gọt lên mạng, khiến dư luận xôn xao vì hành vi, từ ngữ, câu chuyện phản cảm, ắt phải có trách nhiệm trực tiếp. Nhưng với thực trạng vừa qua, nhà đài có vô can?

Trang Trần trong số phát sóng mới nhất của chương trình Giải mã Kỳ tài
Trang Trần trong số phát sóng mới nhất của chương trình Giải mã Kỳ tài

Hiện tại, việc khai thác sản phẩm tiếp tục trên môi trường mạng phụ thuộc lựa chọn của nhà đài và đơn vị sản xuất. Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc đài THVL cho biết: “Với những chương trình do đơn vị bên ngoài sản xuất, chúng tôi chịu trách nhiệm biên tập, phát sóng và sẽ sở hữu luôn bản quyền, được quy định rõ từ đầu trong hợp đồng hợp tác giữa hai bên. Vì thế, không xảy ra việc nhà đài phát sóng bản biên tập, còn NSX được quyền chia sẻ bản không được cắt gọt lên mạng”.

Nghĩa là, nhà đài hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung chia sẻ lên mạng của các NSX, tránh những sự việc ồn ào như thời gian qua. Vậy, với những trường hợp đã xảy ra, nhà đài đã không đánh giá được những khả năng xảy ra, không làm, hay không làm hết trách nhiệm? 

NSƯT Vũ Thành Vinh (Giám đốc Công ty Truyền thông Khang) cho biết: “NSX nào cũng mong muốn chương trình được chú ý, thu lợi nhuận. Nhưng sản phẩm văn hóa luôn có sự ảnh hưởng rất mạnh và rộng lên xã hội, vì thế luôn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa được và mất”.

Trước ồn ào xoay quanh nội dung phản cảm từ chương trình Vợ chồng son khi lên mạng với bản không cắt gọt khá thô tục, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, đã giao phòng chuyên môn thẩm định để có hướng xử lý trong thời gian tới.

Nhưng nhìn rộng, có thể thấy việc quản lý nội dung trên môi trường mạng vẫn còn lỏng lẻo. Việc ngăn chặn, loại bỏ những sản phẩm có ảnh hưởng xấu như thế không thể chỉ thực hiện bằng hậu kiểm hay rà soát khi dư luận lên tiếng. 

YouTube hiện hành vẫn chỉ thực hiện việc kiểm duyệt là hậu kiểm, và bộ lọc vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, muốn giải quyết được vấn đề, đầu tiên cần phải kiểm soát nội dung, rồi đến phương tiện đăng tải mà luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể. NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ: “Sau những sự việc vừa qua, có lẽ cơ quan quản lý cũng nên có quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn khi sản phẩm được phát ở truyền hình hay bất kỳ kênh đại chúng nào, dĩ nhiên không để làm khó NSX, mà chỉ nhằm đảm bảo không lọt những yếu tố độc, hại, phản văn hóa”. 

Không riêng game show, thực trạng này cũng đang diễn ra với lĩnh vực phim ảnh, đơn cử trường hợp của Thiên linh cái. Bộ phim từng được yêu cầu cắt, chỉnh trước khi ra rạp với độ dài khoảng 100 phút. Trung tuần tháng Năm, phim được chiếu trên hệ thống Galaxy Play (tên cũ Film+), chia thành 5 tập, mỗi tập 30 phút. Trong 50 phút tăng thêm đó, những tình tiết mù mờ của bản điện ảnh do bị cắt gọt đã được làm sáng tỏ.

Thành Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI