Ba tôi 90 tuổi vẫn chuyển đổi số ngon lành, sao người trẻ cứ than?

23/03/2023 - 14:59

PNO - Bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng đảo lộn cuộc sống, chỉ những ai không chịu thay đổi mới bị bỏ lại phía sau.

Ba tôi chỉ sử dụng điện thoại bàn. Đến khi tai điếc nặng ông không dùng điện thoại nữa. Thật sự với người trên 90 tuổi như ba tôi, hiếm hoi lắm mới cần điện thoại. Muốn gì ông chỉ cần nói với các con cháu xung quanh. Ai muốn việc gì liên quan đến ông cũng liên hệ với con cháu và con cháu nói lại để ông biết. Thấy ông lớn tuổi, sợ ông buồn, con cháu trong nhà quyết định chuyển đổi số cho ông. 

Đầu tiên con cháu cho ông tiếp cận với công nghệ số bằng những cuộc nói chuyện điện thoại qua cuộc gọi video. Nhưng đâu được chừng 1, 2 lần gì đó. Ban đầu, ông đồng ý vì lạ, mấy lần sau ông từ chối vì chẳng biết nói gì ngoài trả lời câu hỏi “khỏe không?”. Chúng tôi cũng quyết định đưa ra lộ trình cắt luôn báo giấy giao hàng ngày cho ông. Ông không có gì đọc. Tôi mở điện thoại cho ông xem báo online. Ông cứ lóng ngóng làm tắt màn hình hay thoát khỏi trang đang đọc mãi. Nhưng ông rất thích. Tôi mang cho ông cái điện thoại cũ chỉ cài đặt cơ bản và mấy trang báo online. Rồi thì ông cũng quen, quyết định không đặt mua báo giấy nữa. Theo ông, đọc trên điện thoại nhanh và hay hơn. 

Thấy ba tôi sử dụng smartphone được, em tôi mua cho ông một cái tablet để ông ngoài chuyện đọc báo còn sử dụng Zalo xem hình con cháu chia sẻ lên group gia đình. Bắt đầu xài Zalo dù có chút lọng cọng, 10 phút được hướng dẫn, ông ráng thử từng bước và làm đi làm lại nhiều lần. Nhìn bàn tay, ngón tay xương xẩu vốn quen cầm kềm cầm búa, nay nhấn nhấn, quẹt quẹt lên màn hình thấy thương làm sao! Cả ngày ông đánh vật với tablet để sử dụng Zalo xem hình, đọc tin nhắn. Cơ bản dùng được Zalo theo ý muốn. Mấy ngày sau lại bắt đầu với VTV Go. Tôi cài đặt rồi hướng dẫn ông làm thử. Cứ như vậy ông xài được VTV Go để xem lại các trận bóng đá SEA Games 31 (do ông xem TV nửa chừng thì đến giờ đi ngủ). 

Các thiết bị viễn thông thông minh mở ra cho con người khả năng giao tiếp hiện đại nhanh chóng, thuận tiện. Song song đó phương tiện liên lạc truyền thống dần bị mai một. Đã từ lâu không còn ai gửi điện tín hay viết thư. Hình ảnh ông bưu tá đạp xe với chiếc túi đựng đầy thư từ, bưu phẩm giờ đã là lịch sử. Những người cao tuổi, nhất là những người không làm việc liên quan đến sử dụng phương tiện công nghệ thông tin khó lòng cập nhật công nghệ mới. Tôi đã từng chứng kiến một cô gái cầm 1 đống thẻ đến cây ATM rút tiền lương giùm cho nhiều đồng nghiệp (nghe đâu công rút tiền 5, 10 ngàn đồng một thẻ). Nhiều người bạn tôi chỉ mới hơn 60 tuổi mà sử dụng điện thoại “cùi bắp” lưu số, nhắn tin còn chưa rành, chỉ biết nghe và gọi, nói gì đến vô số những ứng dụng trực tuyến do cơ quan hành chính hay các dịch vụ thương mại mở ra để phục vụ khách hàng hiện nay. Thậm chí, không ít người ở cái tuổi chỉ từ 30 trở lên làm việc trong nhiều cơ quan đơn vị nhưng tôi vẫn thường nghe bạn bè nói đang kêu gào họ chuyển đổi số, mà khó quá. Xem ra cuộc cách mạng số có thể vô tình đẩy không ít người ra lề cuộc sống hiện đại. 

Bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng đảo lộn cuộc sống, chỉ những ai không chịu thay đổi mới bị bỏ lại phía sau. Ba tôi 90 tuổi còn chuyển đổi số được, chẳng lẽ người trẻ hơn lại chấp nhận "bó tay"?

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    03-04-2024 18:46

    Việc chuyển đổi số chưa hiệu quả khi người ta không biết (hoặc cố tình không muốn) vận dụng công nghệ vào công cuộc cải cách hành chính.

  • Tự hào dân tộc

    Tự hào dân tộc

    31-03-2024 07:26

    Chỉ khi lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người, mấy tiếng "tự hào dân tộc" mới trỗi dậy, nhắc tôi thêm mạnh mẽ, vững vàng mà không thấy mặc cảm, tự ti.