Ba mẩu chuyện về giá trị đàn ông

15/12/2017 - 09:49

PNO - Xin nhắc các đấng mày râu, làm ơn giữ đúng ranh giới chuẩn mực nam - nữ bình quyền chứ đừng góp phần tạo ra một thời đại mà đàn ông chảy nước mắt tủi thân.

1. Buổi trưa, vào các ngày nhiệt độ của Sài Gòn trên 360C, người đàn ông bán rong, đi trên chiếc xe Honda cúp, chở theo cái bội bằng lưới sắt, vẫn cất tiếng rao: “Ai mua xoài tượng hôn”. Ngừng vài nhịp để lấy hơi, ông đổi câu rao: “Năm ngàn một trái xoài tượng, ai mua hôn”.

Ba mau chuyen ve gia tri dan ong
Những người đàn ông bán hàng rong cho ta một cái nhìn khác về sự thay đổi trên hành trình bình đẳng nam - nữ - Ảnh minh họa: Quang Vũ

Thật khó biết vì sao người đàn ông này lại thích đổi câu rao hàng, nhưng ông ta luôn như vậy, cũng như ông ta luôn đổi các thứ trái cây trên xe hàng rong của mình. Ở khu chung cư này, thường có những người đàn ông đưa cả một cái chợ trên xe ba-gác đạp đến bán. Có tay đi bỏ mối - mỗi lần cả chục trái bưởi cho các bà muốn giảm béo, có lão vác bàn mài dao ngồi tựa vách tường ngủ gục.

Thế kỷ XXI mà ai đó, ở đâu đó vẫn còn chuyện một người đàn ông lấy lý do bệnh, sắp chết hoặc nhiều lý do khác để củng cố cái ngôi vua độc đoán với gia đình là chỉ dấu cho thấy rõ hơn cơn thoi thóp của những dị nhân bám vào tàn dư phụ quyền.

Tất cả đều ngóng lên các tầng chung cư để chờ đợi bàn tay vẫy tiếng kêu mua hàng của những người cùng giới tính được vợ giao nhiệm vụ nội trợ cho cả nhà - những người thường không ngủ trưa, chờ hàng rong và các dịch vụ phục vụ tận nơi.

Đời buôn gánh bán bưng của những người đàn ông, trong mắt nhìn đảm đang của đám đàn ông khu chung cư thế là trùng phùng thân phận. Có lẽ, ở đây, “đế chế” phụ quyền đã đến hồi cáo chung. Một lão ông sống lâu năm tại đây nhận xét bình dân hơn: “Cứ khu phố, hẻm nhỏ nào không có mấy bàn cờ tướng, gà đá độ, hay bàn nhậu bày ra sân mỗi chiều thì biết xóm đó yên bình do âm thịnh dương suy”.

2. Ông H., sống trong một con hẻm trên đường Bình Thới, quận 11, là một trường hợp khác. Ông bị béo phì, huyết áp cao và tiểu đường. Mỗi sáng, ông bắc cái ghế nhựa ra, ngồi trước cửa nhà, chờ vợ đi mua hủ tíu, phở hoặc bánh canh; một lúc sau tới lượt con gái đi mua thêm bánh mì thịt ổ lớn hoặc xôi mặn. Đó là bữa ăn sáng thường ngày của ông.

Bạn bè nói, tiểu đường như ông mà ăn như hạm thì ngày ăn thêm gỗ với xi măng cũng rất gần. Ông đáp: “Tao biết thế, nên bắt vợ phải lo tới bến. Tao chết, chúng nó tha hồ hưởng hết”. Ông H. có của thừa kế, nhưng điều đáng nói, ông chính là một biểu hiện sinh động của cách sống “chồng chúa vợ tôi”.

Có chị em bạn nói với vợ ông: “Tôi mà có ông chồng hất đổ mâm cơm chỉ vì không vừa miệng thì tôi cho nhịn luôn. Dám chửi tôi, tôi cho ăn tát”. Vợ ông H. chỉ cười cười: “Đến con gái tôi ở Mỹ, gọi điện về nói chuyện với bố, ông bảo lần này chỉ cho ông có một trăm, bảo con gửi thêm ngay, không ông “nhảy lầu chết cho chúng mày bỏ thói keo kiệt”. Thế là con gái tôi phải hối hả gửi thêm tiền”.

Ba mau chuyen ve gia tri dan ong
 

3. Buổi sáng, ở cầu thang chung cư, có một cô thẩm phán trẻ, được anh chồng dìu từng bước xuống cầu thang. Tới mặt đất, anh chồng đội nón bảo hiểm, cài dây cho vợ, dù hai tay cô vợ không cầm gì.

Những hôm cô vợ làm nũng, anh chồng còn ẵm cô lên hai tầng lầu. Hàng xóm gọi đôi vợ chồng trẻ này là đôi chim câu, còn đám trẻ mới lớn gọi họ là đôi diễn viên điện ảnh - suốt ngày “đóng phim”.

Nhiều người còn nhớ lúc họ chưa cưới nhau, ngày nào chàng cũng đến, chờ nàng ở chân cầu thang. Nàng vừa từ trên lầu xuống là chàng quàng eo lưng nàng, đầu nàng tựa vào chàng, cả thân hình nàng được chàng nâng lên, đi lướt trên mặt đất từ chung cư qua đến tận công viên, nơi có bãi giữ xe. Rồi nàng về nhà chồng, làm dâu chưa đến một tháng thì về nhà, và chàng sang nhà vợ để dìu nàng đi làm mỗi sáng.

Có người cho rằng chuyện chàng dìu nàng mỗi ngày, nếu có tiếp tục sau ngày cưới, chắc chỉ là tập hai của bộ phim hạnh phúc gia đình; tới tập ba chắc là chân ai nấy đi, chưa kể lúc gây gổ sẽ chân ai nấy đá cho bể đồ hay có đánh nhau thì chân ai nấy chạy!

Nhưng tới giờ, đôi chim câu đã có một đứa con sáu tháng tuổi. Mỗi sáng, chàng vẫn chờ nàng dưới chân cầu thang, dù quần áo chàng không được ủi, giày không đánh xi, thân hình gầy xọp, gương mặt đứng chờ vợ lúc nào cũng buồn hiu hắt. Phải chăng đây là hình ảnh tương lai của đàn ông Việt Nam, vào cái ngày suy tàn của phụ quyền?

Tất nhiên, chuyện cưng chiều, yêu thương vợ của anh chồng trẻ là do anh ta tự nguyện, cũng như việc đàn ông đồng hành bình quyền với phụ nữ là hành trình không thể quay ngược. Chỉ xin nhắc các đấng mày râu, làm ơn giữ đúng ranh giới chuẩn mực nam - nữ bình quyền chứ đừng góp phần tạo ra một thời đại mà đàn ông chảy nước mắt tủi thân. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.