Ai thua phải rửa chén, quét nhà

25/01/2023 - 08:38

PNO - Ngày tết, các mẹ, các dì lo nấu cỗ, dọn bàn… Còn bọn trẻ con thì kéo xì-dách và gọi lô tô.

Gia đình tôi có truyền thống tụ tập nhau tại nhà ngoại vào ngày mùng Một tết. Ngoại có cả thảy bảy người con, mỗi người con lớn lên lập gia đình lại “tậu” thêm ít nhất hai đứa cháu.

Vậy nên ngày tết, khi cả nhà con cháu kéo về đông đủ, quả là một ngày “đại hội võ lâm”. Sau màn chào hỏi và lì xì tưng bừng, cánh người lớn sẽ tỏa ra dọn cỗ, lên mâm… Còn bọn trẻ con, trong đó có tôi, sẽ tụ tập lại lại kéo xì-dách và gọi lô tô.

Hai “món” ăn chơi ấy được chọn vì dễ chơi, đơn giản, không ngại “quân số” đông, bao nhiêu người tham gia cũng cân được tất. Chúng tôi thường ngồi thành vòng tròn ngoài sân trước, mang theo nào nước ngọt, kẹo mứt, hạt dưa… và ngồi chơi từ sáng đến quá trưa. Nếu có đói bụng hoặc mẹ gọi vào ăn cơm thì bê ra một tô canh cơm đầy ắp, vừa ăn vừa chơi chứ kiên quyết không rời “chiếu bạc”.

Chúng tôi ghi lại thắng thua bằng quyển sổ và cây bút. Kết sổ, ai thua chót thì lau nhà, ai thua kế chót thì rửa chén. Ai thắng nhất và nhì thì chia nhau gom hết kẹo mứt, hạt dưa…

“Chiến lợi phẩm” có vậy thôi mà ai cũng háo hức, chơi là xắn tay áo, là gân cổ cãi, quyết trận này không gom hết kẹo bánh nhà bà ngoại hẳn không cam lòng.

Kẹo mứt nhà bà ngoại luôn là phần thưởng hấp dẫn của bọn trẻ con ngày ấy. Ảnh minh họa.
Kẹo mứt nhà bà ngoại luôn là phần thưởng hấp dẫn của bọn trẻ con ngày ấy (ảnh minh họa).

Nếu chơi xì-dách, mỗi người sẽ xoay vòng làm cái ba ván. Nếu chơi lô tô, đứa nhỏ nhất sẽ được nhường cho gọi. Có năm, thằng Ti con chú út mới 5 tuổi được gọi, chưa rành mặt số nên cứ sai tới sai lui. Mọi người vẫn rộng lòng tha thứ nhưng đến khi nó gọi sai con số 69 thành 96, làm anh Phương con bác Hai tưởng mình được nhưng hố, thì bị anh cốc đầu, tước quyền gọi số. Thế là nó khóc lóc inh ỏi, cho đến khi bà ngoại ra giảng hòa mới thôi.

Tôi nhớ mình bị thua chót và kế chót những liên tiếp hai năm, lần lượt phải lau nhà và rửa chén. Mặt mày bí xị, tôi bảo năm sau không chơi nữa, rồi đổ thừa mọi người ăn gian, rồi ngồi khóc rấm rứt. Nhưng tết năm sau thì quên hết, lại sà vào tấm chiếu trải giữa sân, mang theo bát cơm mẹ xới cho, vừa chí chóe vừa cãi ỏm tỏi đến quên cả và cơm.

Thằng em tôi cũng không kém cạnh. Hai chị em hay nháy mắt nhau, cố mà thắng năm nay, đứa nào thắng cũng được, gom kẹo bánh về nhà chia cho nhau là được.

Đến năm tôi học lớp 8, em tôi lớp 6, anh Phương lên Đại học thì giảm dần số người chơi. Các anh chị lớn chê bọn tôi trẻ con nên không ngồi cùng chiếu nữa mà dọn lên mâm trên, vừa ăn cỗ vừa chén tù chén tạc với các chú, các bác… Cái chiếu lô tô ngoài sân giảm dần dần từ 20 người đến 15, rồi 9, rồi đến khi cả thằng Ti cũng vào cấp hai và mê điện thoại hơn lô tô thì cái chiếu cũng dẹp luôn. Năm ấy cũng là năm ngoại tôi mất.

Không rõ vì ngoại mất hay vì “chiếu lô tô” không còn mà giờ mỗi khi về nhà ngoại ăn tết, tôi không còn thấy vui như xưa. Nhà ngoại vẫn vậy, khoảng sân vẫn vậy, nhưng lũ trẻ con đã thành người lớn, về tụ tập lấy lì xì dăm phút rồi tản hết cả ra, người sang nhà bạn, đứa đi xem phim với người yêu…

Những người lớn, nay đã thành người già, may quá vẫn giữ truyền thống xưa, vẫn ngồi quây quần bên cỗ bàn nóng sốt. Tôi nhìn họ, ước gì cái “chiếu lô tô” của mình cũng thế, không mai một theo thời gian.

Hình như càng già, người ta lại càng trân quý những điều cũ. Chỉ có bọn trẻ con và những người lớn mà chưa già mới thích thay đổi, thích những điều mới mẻ. Mà tết thì lạ lắm, càng xưa, càng cũ lại càng thấy rưng rưng...

Trần Khoa Yêng Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI