Vì sao kem dưỡng ẩm làm da khô?

18/04/2016 - 13:58

PNO - Thói quen bôi các loại kem dưỡng trên mặt đã khiến làn da lười biếng, lâu ngày, da trở nên khô, nhăn và mau lão hóa.

Bác sĩ (BS) da liễu Rachael Eckel phát biểu trên tờ Daily Mail của Anh rằng, chỉ 15% những phụ nữ đang dùng kem dưỡng ẩm thật sự cần bỏ tiền mua thứ mỹ phẩm mắc tiền hàng đầu này. Thói quen bôi các loại kem dưỡng trên mặt đã khiến làn da lười biếng, lâu ngày, da trở nên khô, nhăn và mau lão hóa.

BS Rachael Eckel nói, kem dưỡng làm tích tụ các tế bào chết, khô da, lỗ chân lông lớn, dễ có mụn và nhạy cảm. Theo bà, chỉ 15% phụ nữ thực sự cần kem dưỡng ẩm, đó là những người có làn da khô bẩm sinh. Da khô bẩm sinh là loại da mà người ngoài khó nhìn thấy lỗ chân lông.

Còn lại, phần lớn chúng ta không cần kem dưỡng ẩm. Sản phẩm dưỡng ẩm da thường là hỗn hợp của nước và chất làm mềm da, chẳng hạn như các loại dầu khoáng và dầu thực vật, nhằm ngăn nước bốc hơi khỏi da - cộng với chất giữ ẩm. Bôi kem lên mặt, người dùng thấy cảm giác ẩm và rít.

Dưỡng ẩm làm cho da “lười”, mất khả năng làm ẩm tự nhiên, tạo sự lệ thuộc. BS Eckel giải thích: “Thông thường các tế bào trên bề mặt da tái tạo sau sáu tuần, nhưng từ tuổi 25 trở đi, quá trình này chậm lại. Tế bào chết tụ trên bề mặt da, làm cho da sần và tối. Khi một bạn gái soi gương thấy da mình xấu đi, cô nghĩ ngay tới việc mua kem dưỡng da. Sau khi bôi kem dưỡng, da ngừng tiết ẩm bởi đã có lớp kem làm nhiệm vụ này. Song buổi tối, khi rửa mặt sạch, cô gái thấy da mình khô đi, cho cảm giác căng và se, cô gái sẽ tiếp tục mua loại kem có khả năng dưỡng ẩm mạnh hơn, song điều cần làm là tẩy da chết chứ không phải dưỡng ẩm”.

Vi sao kem duong am lam da kho?
Nếu da bạn không bị khô, tại sao lại phải sử dụng kem dưỡng ẩm cho tốn kém

Dầu và bã nhờn gây hại cho da, trong khi nước làm sáng và ẩm da. Lớp thượng bì của da giống như bức tường gạch với các tế bào là các viên gạch và một hỗn hợp của nước, chất béo và protein là các tế bào ngậm nước. Lớp thượng bì này có vai trò giữ ẩm để làn da mềm mại, bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím, duy trì hàng rào bảo vệ da và điều tiết việc tẩy tế bào chết tự nhiên.

Nếu bạn dùng kem dưỡng ẩm, sẽ có một thông báo gửi tới các tế bào biểu bì để chúng ngừng tiết ẩm. Lớp biểu bì ngày một khô và da sẽ mỏng, nếp nhăn xuất hiện. Chưa kể, kem dưỡng làm các tế bào già cỗi bị “chết gí” trên da, khiến lỗ chân lông ngày một lớn, hình thành mụn và trứng cá. Kem dưỡng cũng có thể tạo nên môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn có hại, chúng xuất hiện và tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trên da.

BS Eckel kể rằng, bà đã phải điều trị cho những “nạn nhân” của kem dưỡng bằng cách tẩy da chết và dùng serum không chứa dầu từ vitamin, ví dụ như loại “siêu chống lão hóa” là retinol. Tiến sĩ Sarah Tonks, một chuyên gia chống lão hóa tại Bệnh viện Omniya ở London (Anh) cũng cho biết cách điều trị các “khổ chủ” của kem dưỡng: “Tôi cho bệnh nhân ngừng kem dưỡng ẩm rồi tẩy tế bào chết, đồng thời dùng sản phẩm điều chỉnh sắc tố”.

Nhiều bác sĩ da liễu khuyên chị em nên tiết kiệm tiền bằng cách chỉ sử dụng kem chống nắng. “Phần quan trọng nhất của chăm sóc da là chống nắng và các công thức kem chống nắng hiện nay đã có thành phần dưỡng ẩm, không cần thêm một hũ kem dưỡng ẩm riêng”.

Tuy nhiên, bác sĩ da liễu Mervyn Patterson ở Anh bổ sung rằng, làn da bình thường và còn trẻ có thể tự chăm sóc, nhưng da lão hóa, da bị bệnh lý do ánh nắng mặt trời, người mất cân bằng nội tiết tố cũng cần kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên ông nói cần chọn các công thức kem tốt để không bị tắc nghẽn lỗ chân lông và có các thành phần thúc đẩy làn da tươi trẻ.

Theo giáo sư Marie Loden, thuộc Đại học Uppsala, Thụy Điển, người đứng đầu một cuộc nghiên cứu về tác dụng của kem dưỡng ẩm trên da, chúng ta nên để kem dưỡng trở lại với vị trí bình thường của nó, thay vì bị những quảng cáo của nền công nghiệp mỹ phẩm làm hoa mắt. Ông nói: “Nếu da bạn không bị khô, tại sao lại phải sử dụng kem dưỡng ẩm cho tốn kém?”. 

Kim Huyền (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI