Tổng bí thư Tô Lâm: Thắp lên ngọn lửa đổi mới, vì một Việt Nam hùng cường

18/05/2025 - 12:38

PNO - Tổng bí thư Tô Lâm chỉ ra, mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn 2 thập niên, nếu không bắt tay ngay, chúng ta sẽ lỡ cơ hội vàng.

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 18/5 - ảnh: Media Quốc hội
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 18/5 - ảnh: Media Quốc hội

Bộ tứ trụ cột để Việt Nam cất cánh

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhìn nhận, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được thành tựu to lớn, vĩ đại, kinh tế tăng trưởng liên tục , đời sống nhân dân nâng cao...

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, phía trước còn nhiều thử thách gay gắt, đòi hỏi không được chủ quan, “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Chúng ta phải tiếp tục cải cách, phát huy nguồn lực trong xã hội, nhân dân.

“Những đổi mới, cải cách chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai của dân tộc”, Tổng bí thư nói.

Ông nhấn mạnh, 4 nghị quyết (Nghị quyết 66, Nghị quyết 68, Nghị quyết 57, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị) chính là “bộ tứ trụ cột” để Việt Nam cất cánh.

Tổng bí thư đã điểm lại tinh thần cốt lõi nhất của các Nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau. Nếu muốn đạt được hiệu quả cao nhất phải triển khai đồng bộ, đồng thời các nghị quyết này.

Trước hết, Nghị quyết 68 đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia. Từ vị trí thứ yếu, kinh tế tư nhân trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Kinh tế tư nhân là mệnh lệnh chính trị để củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong một thế giới đầy biến động.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu cải cách mạnh mẽ, đó là: hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, tự do kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Tổng bí thư nhấn mạnh nguyên tắc: “Không ai có cuộc sống ỉ lại, ai cũng có khát vọng đổi mới sáng tạo, cống hiến, phát triển. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm để mọi người thực hiện quyền con người, của toàn xã hội”.

Tổng bí thư chỉ ra, ở các tỉnh, có thể thấy rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân. Ví dụ như Hà Nội và TPHCM, thu nhập của 1 quận cao hơn cả 1 tỉnh, đó là nhờ vào doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh, dịch vụ. Các tỉnh có rất nhiều tiềm năng nhưng không sản xuất, kinh doanh được, chủ yếu dựa vào đầu tư công.

Trong khi đó, tiền trong dân rất nhiều nhưng tỉnh không tiêu được, nhân dân không biết kinh doanh, sản xuất nên không có thuế để thu.

Với Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tổng bí thư khẳng định: doanh nghiệp nào cũng phải áp dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng.

Với yêu cầu đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ: nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đột phá tư duy trong phát triển, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; củng cố quyết tâm chính trị, tạo ra sự thống nhất cao trong toàn hệ thống; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các rào cản pháp lý, hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Trong khi đó, Nghị quyết 66 là lời hiệu triệu cho cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực, bền vững cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Nghị quyết 59 của Bộ chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới được ban hành trong bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế xanh cũng làm thay đổi mô hình kinh tế toàn cầu.

Nghị quyết 59 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam bước vào vào kỷ nguyên mới. Tổng bí thư lưu ý, hội nhập không chỉ là hoạt động của Nhà nước mà còn là quá trình tổng hợp, đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, toàn bộ người dân, doanh nghiệp, từng cá nhân.

Trong đó, bảo dảm hội nhập toàn diện mà vẫn giữ được độc lập, tự chủ, nâng cao tự lực tự cường, thích ứng trước mọi biến động toàn cầu.

Nắm lấy cơ hội vàng

Toàn cảnh hội nghị sáng 18/5 - ảnh: Media Quốc hội
Toàn cảnh hội nghị sáng 18/5 - ảnh: Media Quốc hội

Tổng bí thư phân tích, các Nghị quyết cùng thống nhất mục tiêu xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, trở thành quốc gia thu nhập phát triển cao vào năm 2045. Sự liên kết giữa 4 Nghị quyết, thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn.

“Nếu thể chế không minh bạch, kinh tế tư nhân khó phát triển, khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo, hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả.

Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân yếu, hội nhập quốc tế bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế trong nước khó được cải cách toàn diện”, Tổng bí thư khẳng định, không thể tách rời một nghị quyết nào.

Năm 2025, theo Tổng bí thư là năm bản lề, mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn 2 thập niên phía trước. Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không bắt tay ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Tổng bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy cùng “thắp lên ngọn lửa đổi mới, khát vọng hành động vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường sánh vai cùng các cường quốc năm châu vào năm 2045”.

Minh Quang

 
TIN MỚI